'Kích' văn hóa đọc bằng... đề án?

Hoàng Minh 29/07/2015 06:10

Dù mới chỉ là dự thảo nhưng Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030” đã khiến nhiều người thấy băn khoăn về tính khả thi. Bởi việc nâng cao văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành văn hóa, của Vụ Thư viện mà nó cần sự lan tỏa từ cộng đồng, trong cộng đồng.

Tạo được thói quen đọc không phải là câu chuyện một sớm, một chiều có thể giải quyết.

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030”. Theo đó, bên cạnh những mục tiêu cụ thể, có 9 giải pháp được đặt ra nhằm nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng thời gian tới. Nhưng nhiều chuyên gia đã bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Đề án.

“Chỉ tiêu hóa” văn hóa đọc…

Cụ thể, theo đề án sẽ mục tiêu chung đó là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lại, chú trọng tần lớp thanh, thiếu niên. Trong đó, mục tiêu cần đạt được vào năm 2020 gồm: 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện; 50% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có kinh phí đảm bảo cho hoạt động; 30% xã có thư viên cấp xã với vốn tài liệu phong phú; 30% thôn, bản có phòng đọc sách của cộng đồng để việc luôn chuyển sách và sử dụng sách hiệu quả; 90% trường phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp có thư viện với những sách báo hợp với cấp độ đào tạo; 60% thư viện trường phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT; 30% gia đình có tủ sách; Mức bình quân đạt 0,8 bản sách/ ngươi dân trong hệ thống thư viện cộng đồng; Mức hưởng thủ sách báo tên đầu người dân đạt 6 bản/ người.

Dẫu vậy, với những con số được lượng hóa, cũng như các giải pháp được đưa ra, các nhà nghiên cứu về văn hóa và ngay cả những nhà quản lý cũng cảm thấy phải dè chừng, ái ngại. Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng Chương trình Sách hóa nông thôn cho biết: “Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2020, 30% gia đình phải tủ sách nhưng hoàn toàn lại không dựa trên tiêu chí nào? Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, nhiều bố mẹ không cho con đọc sách, giáo viên không tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc nhiều với văn hóa đọc. Nhiều trường có thư viện nhưng không cho học sinh mượn sách về nhà để đọc… Thậm chí, quan điểm ở nhiều nơi với con em họ đọc và học từ sách giáo khoa đã là đủ”.

Ông Thạch cũng đề xuất nên dịch chuyển tủ sách từ thành phố, huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn, xóm thay vì để sách nằm ngủ ở khu vực đô thị vốn có nhiều gia đình đủ năng lực mua sách cho con cái họ. Đưa tủ sách vào tiêu chí gia đình văn hóa, làng văn hóa/khu phố văn hóa. Ngoài ra trong tiêu chí thư viện, mở rộng hệ thống thư viện đến từng lớp học, học sinh phải được mượn sách đưa về nhà. Đưa tiết đọc sách vào chương trình học…

Cùng băn khoăn này, bà Tú Anh - Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An chia sẻ: Các chỉ tiêu về văn hóa đọc đưa ra trong đề án là có cơ sở. Tuy nhiên, các tiêu chí nói trên ở cấp tỉnh hay trường học thì có thể hoàn thiện được, nhưng với tuyến xã hay thư viện công cộng rất khó thực hiện. Nguyên nhân là từ năm 1998 đến nay, các tuyến thư viện xã hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Bởi việc đầu tư văn hóa cơ sở dù có nhưng lâu nay chỉ tập trung vào văn hóa thể thao.

Thư viện sẽ thành Trung tâm văn hóa?

Cùng với những tiêu chí, mục tiêu cụ thể, một trong những giải pháp được xem là “khó nhằn” nhất tại dự thảo Đề án văn hóa đọc là việc giáo dục thói quen và kỹ năng đọc sách cho sinh viên, học sinh trong nhà trường. Đưa nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng đọc, kiến thức thông tin và sử dụng thư viện thành nội dung chính thức, bắt buộc trong chương trình học của các cấp từ tiểu học đến đại học…

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nhu cầu đọc của học sinh, sinh viên hiện nay chưa cao. Đặc biệt, trong đó có cả các sinh viên Ngữ văn, môn học đòi hỏi phải đọc sách rất nhiều kỹ năng đọc. Không chỉ vậy hiện nay ở nhiều nhà trường kỹ năng đọc cũng đang bị bỏ ngỏ. Do đó, để thư viện để thành trung tâm thứ 2 của nhà trường thì ngoài tài liệu dạy cho học sinh cách học và phải tập huấn cho các giáo viên nhà trường phương pháp để khuyến khích học sinh tự đọc và tự học.

Ngoài ra cũng cần phải có những hướng dẫn cho cán bộ thư viện để biến thư viện thành trung tâm của các nhà trường. Thư viện không chỉ là nơi để đọc sách, mượn sách mà còn phải là một trung tâm văn hóa để kết nối với học sinh.

Cũng lý giải việc “khó” này, GS Nguyễn Ngọc Tú - Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam phân tích: Nguyên nhân việc sao nhãng việc đọc hiện nay là vì đọc chẳng có gì mới, không có gì hấp dẫn người đọc. Muốn khuyến khích, phát triển văn hóa đọc thì việc đầu tiên phải quan tâm đến chất lượng các tác phẩm. Vì các loại khác như nghe nhìn lấn lượt người đọc. Dẫn đến người ta quên đi việc đọc.

Có thể thấy, mặc dù mới chỉ là dự thảo nhưng Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030” đã khiến nhiều người thấy băn khoăn về tính khả thi. Bởi việc nâng cao văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành văn hóa, của Vụ Thư viện mà nó cần sự lan tỏa từ cộng đồng, trong cộng đồng. Rằng thời gian 5,10,15 năm không thể nói là dài hay ngắn. Nhưng nếu mọi kiến nghị cho việc hoàn thiện đề án nói trên không có những điều chỉnh sát thực tế, thì đề án cũng sẽ chỉ là việc hô khẩu hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Kích' văn hóa đọc bằng... đề án?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO