Phim 'made in Việt Nam': Số lượng chưa song hành với chất lượng

Minh Quân 15/04/2017 08:35

Đồng hành với sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam các sản phẩm phim “made in Việt Nam” đang có những chuyển biến mạnh mẽ về số lượng. Tuy nhiên chất lượng sáng tác kịch bản điện ảnh, phim truyền hình Việt Nam vẫn chưa “tỷ lệ thuận” với số lượng khi không ít những bộ phim chất lượng kém, phản cảm ra đời đã khiến khán giả bức xúc, chỉ trích gay gắt, thậm chí bị dừng phát sóng.

Phim Việt Nam đang thiếu những kịch bản chất lượng. (Ảnh minh họa).

Luẩn quẩn kịch bản phim truyền hình

Theo số thống kê của Bộ TT&TT, cả nước hiện nay có 67 đài phát thanh - truyền hình, cùng hàng trăm cụm rạp chiếu phim thực tế nguồn cung các tác phẩm phim Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đơn cử, phim truyền hình Việt Nam hiện nay đang thiếu trầm trọng kịch bản hay. Chủ đề chủ yếu tập trung vào bốn thể loại quen thuộc là tâm lý xã hội, bi kịch, hài kịch và lịch sử. Ít có tác giả chịu khó tìm tòi, đào sâu, khai phá những đề tài mới, gắn với hiện thực xã hội, với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

NSND đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết với phim truyền hình ở dòng chính luận, hiện nay nhưng rất ít các phim nói về nông thôn, sản xuất kinh doanh… mà đa phần thiên về câu khách. Phim tâm lý xã hội vẫn chiếm tỷ lệ nhiều. Một số phim có phong vị độc đáo, thú vị vùng miền thì lại đi sâu vào xã hội hội đen, lộ rõ sự ảnh hưởng của nội dung nước ngoài tạo ra sự nhàm chán giống nhau. Phim về miền núi, hải đảo, phần lớn chỉ dừng ở mức minh họa làng nhàng. Phim truyền hình sản xuất theo phương án phải bù lỗ, bị chi phối bởi hiệu quả kinh tế của quảng cáo nên cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Phần cũng phân tích nhiều đề tài phim gây nhàm chán, đòi hỏi cần điều tiết cân đối hơn. Hình ảnh đánh nhau rất nhiều, chỗ nào cũng thế và dường như không thấy xã hội, pháp luật xung quanh can thiệp. Phim lạm dụng hồi tưởng quá nhiều, cả tiếng nói nội tâm bị sử dụng quá nhiều.

Thực tế là, lực lượng làm nghề ngày càng trẻ trung hơn; kỹ thuật tiến bộ, tiết tấu nhanh. Nhiều diễn viên truyền hình trẻ đẹp bên cạnh các diễn viên lớn tuổi có đóng góp tốt. Nhìn chung có đội ngũ làm phim chuyên nghiệp hơn. “Tư duy làm phim cũ đã không còn phù hợp với thời đại mới đòi hỏi các nhà làm phim phải tìm hiểu khán giả hôm nay, khán giả ngày mai như thế nào mới có thể tiếp cận với đời sống”- đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho hay.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thực tế hiện nay đội ngũ viết kịch bản, biên kịch hầu hết xuất thân từ các ngành nghề khác như nhà văn, nhà báo… tuy có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống nhưng chưa được đào tạo bài bản về viết kịch bản và biên kịch nên kỹ thuật thể hiện lên phim chưa cao, viết chủ yếu theo dạng kịch bản văn học. Sự thiếu vắng các kịch bản hay đã dẫn đến tình trạng phải “nhập khẩu” kịch bản từ các nền điện ảnh tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản. Và dù thực hiện kịch bản của những tác phẩm phim nổi tiếng khắp châu Á nhưng việc chuyển thể để sản xuất thành phim Việt lại rất hạn chế, các yếu tố về đời sống xã hội, rào cản văn hóa… đã làm các bộ phim này “không phù hợp” nên không nhận được cảm tình, cuốn hút khán giả.

Cần có những phim tử tế

Với lĩnh vực phim truyện điện ảnh, sau sự thay đổi về “rào cản” phân biệt giữa hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân đã dần được xóa bỏ thì vẫn còn đó những “nút thắt”. Thực tế hiện nay điện ảnh thị trường đã lên ngôi. Khán giả trẻ đang là những “thượng khách” giúp các hãng phim trong khâu doanh thu bán vé. Thế nhưng chính nhu cầu của lực lượng khán giả chính này dẫn đến các hãng phim phải sản xuất các bộ phim để chiều theo thị hiếu.

Theo NSND Đào Bá Sơn: Làm phim là cả khó khăn và khổ ải. Khoảng 1/3 trong tổng số phim sản xuất hiện nay là sự dễ dãi, chắp vá, dù công tác quay phim đẹp nhưng không cứu vãn nổi sự nghèo nàn, kịch bản yếu… Để sản xuất ra một bộ phim chiều được thị hiếu cho đến khâu bán được vé còn là một thách thức lớn. Nhiều nhà sản xuất, thành công nhưng cũng không thiếu người thất bại ê chề. “Có phim khi coi không thấy có điện ảnh. Có nhiều thực phẩm, nhưng quá ít chất dinh dưỡng. Giống như ta có nhiều phim, nhưng có ít chất dinh dưỡng cho khán giả”- NSND Đào Bá Sơn cho hay.

Đồng quan điểm này, nhà biên kịch Đoàn Tuấn thừa nhận nguyên nhân một phần là do hiện trạng lười đọc của sinh viên, dẫn đến ý tưởng nghèo nàn. Đó là tình trạng chung khi nhà biên kịch không có trải nghiệm, không có sáng tạo. Các nước đều coi điện ảnh là tư tưởng quốc gia, hình ảnh dân tộc. Nhà biên kịch đưa dẫn chứng Hàn Quốc có quỹ điện ảnh hỗ trợ cho các phim đi khoe với thế giới. Không có quỹ điện ảnh làm sao cất lên được tiếng nói riêng? Nhà nước cấp tiền cho làm phim, nhưng không có một đồng để quảng cáo. Cách điều hành rất lạc hậu, nhiều rào cản. Nhiều vấn đề không giải quyết nổi, và bất lực…

Còn đạo diễn Tô Hoàng lại đưa ra quan điểm, trong một giải thưởng điện ảnh, cụ thể gần đây nhất là giải thưởng Cánh diều 2016 mà không có phim nhà nước là hồi còi báo động. Không có phim tài trợ của nhà nước như con thuyền không bánh lái. Phim truyện từng đạt đỉnh cao trong những thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Kinh phí cho việc làm một ki lô mét đường khoảng 800 tỉ đồng, vậy điện ảnh Việt Nam chỉ cần có số vốn do Nhà nước cấp nếu chỉ một nửa km đường thôi, cũng đủ có tiền làm phim để phát triển. Vì thế Nhà nước cần có định hướng, tài trợ cho những phim tử tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim 'made in Việt Nam': Số lượng chưa song hành với chất lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO