Thêm, bớt lễ hội nào?

Vi Cầm 26/02/2016 14:25

Không cho phép tổ chức các lễ hội chọi trâu mới, có tính thương mại- đó là tinh thần công văn mới nhất mà Bộ VHTT&DL vừa gửi tới các địa phương gồm: Bình Phước, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai. Động thái này cũng nằm trong lộ trình tăng cường tổ chức và quản lý lễ hội của cơ quan chức năng. Cộng đồng đang hi vọng đây cũng sẽ là cơ sở để hoàn thiện Đề án qui hoạch lễ hội đã đặt ra bấy lâu.

Thêm, bớt lễ hội nào?

Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ- Hà Nội là một trong những lễ hội
mang tính thương mại hóa, đang nằm trong danh mục rà soát lại.

Thận trọng với những lễ hội mới

Công văn nói trên của Bộ VHTT&DL yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra việc tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Sau đó, các tỉnh gửi báo cáo rà soát để Bộ VHTT&DL tổng hợp và gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc, không cho phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu đó không phải là lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), ở Việt Nam hiện có khá nhiều lễ hội chọi trâu truyền thống, trong đó phải kể đến lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng); hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ); hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang)..., trong đó lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) được nhiều người Việt Nam biết đến hơn cả. Căn cứ vào truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ XVIII. Hội diễn ra vào ngày 9-8 âm lịch hàng năm. Trước hội diễn có 2 cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8-6 âm lịch. Đây không chỉ là ngày hội gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng. Ngoài những lễ hội truyền thống vừa kể thì những hội chọi trâu khác như Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh), Bảo Thắng (Lào Cai)... đều là lễ hội mới tổ chức và có tính chất thương mại.

Việc Bộ VHTT&DL “tuýt còi” những lễ hội mới hẳn sẽ khiến những nhà nghiên cứu văn hóa vốn lâu nay trăn trở với công tác qui hoạch lễ hội rất đồng tình. Khi chúng tôi đi tìm hiểu về Đề án quy hoạch tổng thể lễ hội từ 2012-2020, tầm nhìn đến 2030, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng từ năm 2012 ông đã phát biểu rồi, trong số 8.000 lễ hội mà lâu nay chúng ta vẫn thống kê ấy, không phải cái nào cũng là lễ hội. Có thể phân ra mấy loại: Thứ nhất là một loại mít tinh kèm văn nghệ (đơn cử như những lễ đón bằng công nhận danh hiệu của UNESCO kèm phần nghệ thuật…). Thứ hai, tệ hơn là cái mà người ta hay gọi đó là Festival, Carnaval (thực chất đó là liên hoan). Vì thế nếu qui hoạch thì những loại hình đó mới thuộc phạm trù phải qui hoạch, phải sắp xếp lại. Bởi hàng năm đang có rất nhiều những liên hoan như thế đang diễn ra như Festival chè, Festival dừa, Festival hoa… Đủ tất cả. Nhưng điều đáng nói là kinh phí để tổ chức những hoạt động liên hoan ấy thì mấy ai được biết. Cho dù người ta vẫn nói rằng đó là tiền xã hội hóa, nhưng thực chất đó vẫn là của các doanh nghiệp chứ có phải của một cá nhân ai bỏ ra đâu. Sự lãng phí ở những Festival như thế mới là điều đáng suy ngẫm về hiệu quả của những hoạt động này.

Còn lễ hội truyền thống thì chủ thể là dân, khách thể là dân, những giá trị văn hóa tín ngưỡng do người dân tự sáng tạo ra để phục vụ đời sống tinh thần của chính họ. Vì thế không thể nói là lãng phí, tốn kém gì ở đó cả. Theo đó, qui hoạch lễ hội chưa thể kỳ vọng gì nhiều, nhưng từ thực tế tổ chức lễ hội hiện nay, những việc do con người tạo ra sự bất cập mà có thể thay đổi, thì phải thay đổi. Khái quát hơn thì việc qui hoạch lễ hội là phải qui hoạch những cái có thể thay đổi được, chứ không phải là việc qui hoạch những thứ đã thành bất biến, đã thành giá trị truyền thống.

Phê phán việc sáng tạo nghi lễ

Dẫu vậy, bảo tồn lễ hội truyền thống cũng đang vấp phải những quan niệm trái chiều khi duy trì nghi thức dân gian trong xã hội hôm nay. Phải giải quyết ra sao cho hài hòa? Theo GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, dù lễ hội cổ truyền hay lễ hội mới, đều phải lấy cộng đồng là chủ thể thực hành, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa lễ hội. Nhưng cũng không thể “khoán trắng” cho cộng đồng, mà cần xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các cụ cao niên hiểu biết về lễ hội trong cộng đồng, các nhà khoa học nghiên cứu về lễ hội và những người làm công tác quản lý di tích, các vị chủ trì cơ sở thờ tự, tạo sự đồng thuận của cộng đồng và hướng dẫn cộng đồng thực hành lễ hội.

Còn GS.TS Nguyễn Chí Bền khẳng định, việc có những tranh luận trái chiều về một vấn đề nào đó diễn ra trong xã hội thực chất cũng là chuyện bình thường. Nhưng a dua, ném đá cộng đồng thì lại là chuyện bất thường. Ở mùa lễ hội năm 2015, câu chuyện phản ứng những nghi lễ truyền thống trong các lễ hội đâm trâu, chém lợn… đang trong dòng chảy ấy. Là người gắn bó với văn hóa Tây Nguyên nói riêng và dày công nghiên cứu về các loại hình di sản văn hóa Việt Nam, GS.TS Nguyễn Chí Bền một lần nữa khẳng định rằng việc thực hành nghi lễ, tín ngưỡng sẽ thực sự linh thiêng trong không gian tâm linh của nó. Những nghi lễ ấy sẽ không linh thiêng, đáng lên án khi người ta biến nó, hoặc sáng tạo nó thành sản phẩm thương mại.

Đề án qui hoạch tổng thể lễ hội từ 2012-2020, tầm nhìn đến 2030 được đưa ra bàn thảo cách đây hơn 3 năm, đáng ra phải xong cuối 2013. Song cũng vì những chậm trễ trong việc qui hoạch, cũng như những hạn chế trong quản lý lễ hội, đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Trước thực trạng ngổn ngang lễ hội, việc hoàn thiện sớm qui hoạch lễ hội trên cả nước cũng đang là kỳ vọng, mong mỏi của cộng đồng. Nhưng nghịch lý lễ hội thời gian qua cũng khiến người ta băn khoăn về tính khả thi của đề án qui hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm, bớt lễ hội nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO