Tranh dân gian Việt Nam: Kỳ công bảo tồn

Hoàng Minh 20/08/2016 09:42

Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam vừa khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội. Hoạt động này nhằm giới thiệu tới đông đảo nhân dân Thủ đô và khách quốc tế nét độc đáo của tranh dân gian Việt Nam. Từ đó góp phần đánh thức và lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống nói chung, tranh dân gian Việt Nam nói riêng khi di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Triển lãm “12 dòng tranh dân gian Việt tiêu biểu Việt Nam”. Ảnh: Phạm Quý.

Lắm nỗi gian truân

Hiện nay ở Việt Nam, các dòng tranh dân gian truyền thống đã và đang chịu những tác động, những thách thức không nhỏ về nguyên vật liệu, về tiêu thụ sản phẩm và kế nghiệp các nghệ nhân. Ở đó, trước mắt cần có những chính sách, những giải pháp hữu hiệu để duy trì và phát triển các di sản văn hóa lâu đời này.

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì hoạt động của các làng nghề là không còn nữa. Mặt khác, nghề làm giấy dó ở Yên Thế (làng Bưởi, Tây Hồ) cũng đang mai một nên nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu để làm tranh dân gian cũng bị ngưng trệ.

Việc một số hộ sản xuất đã đục bỏ các phần chữ Hán, chữ Nôm trong nhiều bức ván in đã khiến cho ý nghĩa của các bức tranh này bị ảnh hưởng, làm suy giảm tính nguyên gốc, tính hấp dẫn của những họa phẩm này. Đồng thời, sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy (trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh), sử dụng màu vẽ công nhiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những biến đổi về chất đối với các loại tranh dân gian truyền thống.

“Một trong những thực trạng quan trọng khác cần kể đến là cho đến nay số gia đình và nghệ nhân tranh dân gian taị các làng tranh truyền thống như Đông Hồ và Làng Sình còn lại không nhiều. Đặc biệt là, dòng tranh Hàng Trống tại Hà Nội chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Chính vì vậy, sự truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa này” - PGS.TS Trương Quốc Bình cho hay.

Còn ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội lại nhận định chúng ta người ta gọi những nghệ nhân cao tuổi là “di sản sống”. Nếu người đó mất đi, gọi là thất truyền. Trao truyền không chỉ ở sự kế tục trong chính gia đình nghệ nhân kiểu “tre già mặng mọc”, mặc dù việc kế tục là hết sức quan trọng nhưng đó cũng chỉ là một mặt của vấn đề trao truyền mà thôi.

Theo ông Đà, về phía những người quản lí di sản, việc trao truyền cho nghệ nhân để tạo ra động lực đi được dài hơi hơn còn là sự quan tâm tới những báu vật sống ấy.

“Trong thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đến các nghệ nhân thật sự hay chưa? Chúng ta đã cởi mở với họ hay chưa? Đã hỗ trợ cho thế hệ truyền nhân của họ hay chưa? Có trao cho họ chứng chỉ nghệ nhân (với những người kế nghiệp, đam mê và yêu nghề) và đãi ngộ họ đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ vấn đề này, chúng ta thực hiện chưa thật sự đầy đủ” - ông Đà nói.

Đòi hỏi sự kỳ công

Mới đây Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cũng đã chính thức khởi động dự án khôi phục tranh Kim Hoàng. Trong đó dự án đã tập chung khôi phục lại khoảng 50 mẫu tranh cũ (tư liệu lấy trong quyển Imagerie populaire Vietnaminne – par Maurice Duurrand 2011).

Tuy nhiên, dù chỉ là một mẫu tranh dân gian việc phục dựng cũng nhiều kỳ công. Trong 50 mẫu cũ của tranh Kim Hoàng còn tồn tại phần lớn là tranh sinh hoạt của con người, các tích truyện, chỉ có 4 mẫu là gà và lợn được in trên nền cam đỏ đặc trưng, nét vẽ thanh mảnh, mộc mạc. Màu sắc nền tranh tư liệu là màu cam, nhưng là màu theo thời gian đã bị phai màu.

Trong khi đó, Tranh Kim Hoàng còn gọi là tranh Đỏ, màu đỏ là màu của Tết và người dân hay mua vào dịp Tết để treo cho may mắn, bình an. Như vậy có thể là màu đỏ - cam, nhưng có hàng nghìn sắc thái của màu đỏ hoặc màu cam.

Triển lãm “12 dòng tranh dân gian Việt tiêu biểu Việt Nam” đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội không chỉ nhằm giới thiệu đến công chúng nét đặc sắc của tranh giá trị nghệ thuật truyền thống, mà còn là sự kêu gọi người trẻ trở về nâng niu giá trị xưa.

Bên cạnh đó, công chúng yêu nghệ thuật dân tộc chiêm ngưỡng những dòng tranh nổi tiếng của Việt Nam mà ít được biết tới hoặc đã thất truyền như: Tranh thập vật, tranh làng Sình, tranh kính Nam Bộ… Sau không gian trưng bày, cán bộ Bảo tàng Hà Nội cùng các nghệ nhân trải chiếu hoa, chuẩn bị khuôn tranh cho du khách trải nghiệm vẽ từng dòng tranh.

Có thể thấy, hiện nay các loại hình nghệ thuật đương đại đang phát triển nhưng làm sao để có sự gắn kết với loại hình nghệ thuật dân gian đang là một vấn đề cần được xem xét, quan tâm và đầu tư. Những giá trị biểu trưng từ tranh dân gian là một tài sản vô cùng to lớn đáng trân trọng và cần thiết phải có một chương trình nghiên cứu nghiêm túc, nhằm bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

Việc nghiên cứu di sản văn hóa tranh dân gian của cha ông và giáo dục cho thế hệ trẻ góp phần giáo dục ý thức tự tôn, tự hào dân tộc mà mỗi thế hệ trẻ phải biết phát huy và sáng tạo, nhằm nuôi dưỡng những giá trị nghệ thuật dân gian sống mãi với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh dân gian Việt Nam: Kỳ công bảo tồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO