Văn hóa dân gian vùng dân tộc thiểu số: Chưa được coi trọng đúng mức

Mai Thiên 17/12/2018 07:00

GS Tô Ngọc Thanh tại hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” đã cho rằng: Cấu trúc văn hóa truyền thống đang có những biến đổi trong quá trình tái cấu trúc, xây dựng nền văn hóa đương đại và đặt ra những vấn đề cấp bách đối với chính sách văn hóa hiện nay.

Văn hóa dân gian vùng dân tộc thiểu số: Chưa được coi trọng đúng mức

Một tiết mục trong lễ khai mạc Tuần lễ văn hoá – du lịch tỉnh Kon Tum.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Cơ Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, XTiêng, Khơ Mú, Lào, Giáy, Lô Lô, Co, Mạ, Bố Y, Pà Thẻn, Ơ Đu, Tà Ôi, Hà Nhì, Cống, Shi La, Rơ Măm, Ê Đê, Bru-Vân Kiều… được phục dựng bảo tồn, phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc.

Hơn 30 làng/bản/buôn của 25 dân tộc (S’tiêng, Chăm, Ba Na, K’ho, M’Nông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông, Lô Lô, Tày, Dao, Khmer, Jrai, Ơ Đu, Chứt, Mạ, Bố Y, H’rê…) được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa truyền thống, lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục truyền thống, nghề truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của các dân tộc.

Nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của dân tộc thiểu số (DTTS) có số dân rất ít người (dưới 10.000 người) được mở ra tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... 134/271 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là của các DTTS; 276/617 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Đặc biệt, sự du nhập văn hóa nước ngoài và quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay dẫn đến nguy cơ làm mai một, biến đổi của không ít giá trị văn hóa dân gian các DTTS. Điển hình như việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đang gặp phải tình trạng “ngoài lề hoá”, “sân khấu, làm mới và thương mại hóa di sản”, cùng với những bất cập trong thực hành, truyền dạy và công tác nghệ nhân.

Về chính sách vĩ mô, nguồn lực xã hội hiện nay thường được ưu tiên hơn cho các vấn đề cấp bách phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng. Văn hoá dân gian vùng DTTS chưa được coi trọng đúng mức. Trong khi bản sắc văn hoá mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc được hình thành từ hàng nghìn năm. Và bất cập về văn hóa xuất hiện tác động sâu sắc đến xã hội và việc khắc phục phải mất nhiều thập kỷ, cũng chưa chắc đã có thể đã có thể giải quyết được. Như ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì chính vì đặc thù văn hoá mà “công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cần lắng nghe chuyên gia, có tầm nhìn chiến lược và sự kiên trì từng việc cụ thể, theo lộ trình”.

Có lẽ trong tình hình cấp bách hiện nay, theo ý kiến một số chuyên gia, điều cần thiết là phải đặc biệt chú ý địa bàn các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa, nhất là các dân tộc còn rất ít người, khu vực biên giới, khu vực hải đảo, khu tái định cư do di dân. Quan trọng nhất vẫn là giải pháp đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn văn hoá, phải có chính sách chế độ khuyến khích đối với các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa và khuyến khích giới trẻ tiếp thu các di sản văn hóa.

Nói như TS Đặng Thị Oanh – một nhà khoa học về văn hoá dân gian Tây Bắc, thì để bảo tồn và phát huy được giá trị của văn hoá dân gian các DTTS, điều quan trọng nhất vẫn là môi trường trao truyền di sản văn hoá trong cộng đồng. Trong khi hiện nay hầu hết các dự án hỗ trợ các DTTS rất ít người, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính (ĐHQG Hà Nội), chưa có chính sách nào tập trung vào bảo tồn ngôn ngữ và sự đa dạng văn hóa mà mới chỉ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn nhằm cải thiện đời sống, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

* Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Đặc biệt, sự du nhập văn hóa nước ngoài và quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay dẫn đến nguy cơ làm mai một, biến đổi của không ít giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Điển hình như việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đang gặp phải tình trạng “ngoài lề hoá”, “sân khấu, làm mới và thương mại hóa di sản”, cùng với những bất cập trong thực hành, truyền dạy và công tác nghệ nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa dân gian vùng dân tộc thiểu số: Chưa được coi trọng đúng mức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO