Vấn vương một nỗi ‘hương thầm’

LÊ PHƯƠNG LIÊN 25/04/2022 06:26

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần (2022) tôi nhận được cuốn sách mới của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Đây là một cuốn sách có thơ và có văn. Bài thơ “Nhẫn cỏ” được lấy tên cho tập sách có những câu mở đầu:“Trót lồng nhẫn cỏ vào tay/ Thế là vương phải khói mây trên trời…” (2013). Bài thơ chị Nhàn viết ở tuổi cao niên mà sao vẫn mơ mộng cảm xúc “Hương thầm” của chị khi trẻ tuổi: “Họ chia tay nhưng chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi” (1969).

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ảnh: FBNV.

Tôi gặp gỡ chị Phan Thị Thanh Nhàn từ năm 1971, thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ. Chị Nhàn là cộng tác viên thân thiết của Nhà xuất bản Kim Đồng và tôi là hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội (sau này là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội) từ năm 1974. Tuy làm việc ở hai cơ quan khác nhau mà hai chị em vẫn thường xuyên gặp nhau. Đến khi về hưu lại gần nhau hơn vì luôn đồng hành trong hoạt động văn học và các chuyến đi dã ngoại...

Hai chị em hoàn cảnh riêng khác nhau, tính cách khác nhau mà trong các chuyến đi luôn ở chung phòng, trong các cuộc giao lưu văn học và cả trong các trò vui luôn cùng “diễn xuất ăn ý” hòa hợp.

Chị Phan Thị Thanh Nhàn hơn tôi tới 8 tuổi mà trẻ trung sôi nổi như thanh niên. Nhiều người còn cho rằng chị Phan Thị Thanh Nhàn “sống trẻ” hơn tôi. Có lẽ thế thật! Trong một chuyến đi công tác, tôi cùng các bạn trong đoàn đã diễn một trò hài hước. Chị Phan Thị Thanh Nhàn đóng vai “cô dâu” và tôi đóng vai “họ nhà gái” đưa “cô dâu” đến “nhà trai” ở một vùng quê! Chị Phan Thị Thanh Nhàn ở tuổi U80 vẫn đùa giỡn duyên dáng như một “cô dâu” e thẹn! Và, tôi đạo mạo chỉn chu rất bà già! Trong “vai diễn” chị Nhàn biết rằng chuyện vui vẻ này không hề ảnh hưởng đến “hòa bình” của gia đình nhân vật “chú rể”! Chị là người hiểu biết rõ những gì là “hư ảo”. Nhà thơ đã viết:

“Đã dám nói những lời hư ảo

Để đến lúc này tôi bỗng chênh chao

Tôi bỗng thấy cuộc đời đáng sống biết bao!...”

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (thứ 2, từ trái sang) cùng bạn văn.

Vâng, chị Nhàn luôn vui sống với thơ suốt bao năm tháng. Những câu thơ nổi tiếng của chị được công chúng biết và thuộc lòng như thơ Trần Đăng Khoa, như ca dao... Ở khắp nơi chị luôn luôn được chào đón bằng bài “Hương thầm” lời thơ của chị đã đươc nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc năm 1984. Nhạc sĩ Vũ Hoàng là tác giả nhiều bài hát được sinh viên, học sinh yêu thích như “Bụi phấn” (ý thơ Lê Văn Lộc) “Phượng hồng” (phổ thơ Đỗ Trung Quân)… Vũ Hoàng đã gặp được bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn như gặp một nỗi niềm đồng điệu, để rồi âm nhạc đã chắp cánh cho bài thơ bay cao bay xa.

Tôi đã nghe bài hát “Hương thầm” không biết bao nhiêu lần khi ngồi bên chị Nhàn. Lạ thay, lần nào nghe cũng nhận ra một điều mới mẻ từ những bạn trẻ say sưa hát: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm…”. Và, lần nào nghe lại tôi vẫn luôn cảm nhận từ nét mặt chị Nhàn một niềm rung động sâu thẳm không dứt, không hết…

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn có bài thơ “Làm anh” được đưa vào sách giáo khoa và được trẻ em khắp nơi thuộc lòng. Khi đi đến đâu, ngoài bài “Hương thầm”, chị Nhàn còn luôn được chào đón bằng bài thơ “Làm anh”. Một bài thơ có mỗi câu bốn chữ, mỗi khổ bốn câu và cả bài có bốn khổ thơ, kết cấu xinh xắn mà lại có giọng đùa vui nên dễ thương dễ nhớ: “Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa…”. Từ sách giáo khoa, bài thơ đã đồng hành cùng tuổi học trò mãi đến lúc trưởng thành và còn xa hơn thế nữa…

Chị Phan Thị Thanh Nhàn là nhà thơ nhưng không hoàn toàn “mơ mộng” và cũng không an vui với một cuộc sống bình yên. Chị Nhàn là tác giả bài thơ “Xóm đê” với những nhân vật “Mụ còng bới rác”, “Mẹ con nhà lông gà giẻ rách”; “Thằng bé đánh giầy”, “Ông già mù tẩm quất”…Chị hiểu biết những số phận bất hạnh, nghèo khổ vất vưởng ngay ở Thủ đô Hà Nội.

Từ năm 1977, chị Phan Thị Thanh Nhàn đã có truyện thiếu nhi “Xóm đê ngày ấy”, bước sang thời kỳ đổi mới chị có tác phẩm “Bỏ trốn” (1995). Cuốn sách của chị Phan Thị Thanh Nhàn đã cho người đọc biết đến cảnh ngộ của những đứa trẻ bất hạnh. Bé Thi trong “Bỏ trốn” đã phải chịu dồn dập những tai họa. Trước hết bé là nạn nhân của cảnh ly hôn, người cha bỏ hai mẹ con đi theo một hạnh phúc khác.

Sau đó, tai nạn giao thông đã cướp đi người mẹ yêu quý của bé Thi. Cô bé mồ côi phải sống nương nhờ trong gia đình người bác ruột.Thế rồi người bác dâu “khác máu tanh lòng” đã ghẻ lạnh với bé Thi, coi đứa cháu như một gánh nặng. Sự hiểu nhầm của bà bác về việc lấy hai chỉ vàng của bà đã khiến bé Thi uất ức bỏ nhà ra đi theo một đám tang đến mộ bà nội ở nghĩa trang Văn Điển. Không muốn trở về nhà bác, bé Thi đã bỏ trốn nhập vào hội trẻ lang thang kiếm sống nhờ vào nghĩa trang nơi tận cùng của đời người.

Từ tài làm thơ chị Phan Thị Thanh Nhàn với tấm lòng yêu trẻ đã trở thành một người viết văn xuôi hấp dẫn. Câu chuyện được trình bày chân thực bằng lối văn dân dã giản dị mang nỗi thương cảm xót xa với thân phận những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị lãng quên… Tác giả đã để cho những nhân vật người lớn tỉnh ngộ về cách ứng xử thô bạo với trẻ nhỏ và câu chuyện kết thúc có hậu. “Bỏ trốn” là tiếng nói đồng cảm với trẻ em ngăn chặn những “cơn sóng” tiền bạc đang xói mòn đạo đức. Tác phẩm “Bỏ trốn” đã được khẳng định từ lúc ra đời bằng giải A Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 1993-1995 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau đó cuốn sách đã được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang dựng thành phim “Bỏ trốn” một bộ phim thành công về đề tài trẻ em.

Chị Phan Thị Thanh Nhàn bước vào nghề báo từ khi còn trẻ tuổi, năm 1960 ở tuổi 17 chị đã có thơ đăng báo. Chị đã được nữ sĩ Anh Thơ (người từng được giải thơ của “Tự lực văn đoàn” từ năm 1939) rất quan tâm. Chị là đồng nghiệp thân thiết cùng cơ quan với nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Bằng Việt. Chị là bạn văn của nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú…

Bởi thế dẫu chị sống tếu táo, dân dã chan hòa với lớp trẻ nghịch ngợm hiện nay thì chị vẫn mang cốt cách của một thế hệ nhà văn nhà thơ “vang bóng một thời” trong lịch sử văn học. Chị có thể đơn giản trong cuộc sống chứ không chấp nhận dễ dãi trong cách thể hiện ngôn từ. Nhớ những năm hoạt động văn học thiếu nhi, tôi thường phải vào vai trò viết các bài tổng kết, nhận xét, đánh giá các bài viết của các “tác giả nhí”… Có lần tôi đưa cho chị Nhàn xem trước bài phát biểu của tôi. Chị phê phán thẳng thắn: “Đừng dùng từ này “mòn lắm rồi”! Câu này sáo, nhạt!”. Tôi thích sự thẳng thắn của chị. Tôi nhận ra mình không được dễ dãi trong việc chọn từ khi viết dù là viết thể loại nào.

Vào mùa hè năm 2014 tôi cùng chị Nhàn vào Huế dự trại sáng tác “Cây bút tuổi hồng” của Trung ương Đoàn. Ngày đoàn công tác xuất phát từ Hà Nội đúng ngày tang lễ của nhà văn Tô Hoài, tôi và chị Nhàn đều không thể vắng mặt trong buổi tiễn đưa nhà văn mà mình yêu kính suốt cuộc đời. Các em ở Trung ương Đoàn mua vé tàu hỏa cho hai chị em đi buổi tối hôm đó. Lúc ra ga, tôi tìm không thấy chị Nhàn đâu. Tàu sắp đến giờ xuất phát, tôi đành khoác ba lô nhảy lên một toa mà các hàng ghế đã kín chỗ. Tàu chuyển bánh, bất ngờ tôi thấy chị Nhàn ngay ở cửa toa. Ôi, mừng quá! Trông thấy chúng tôi đứng lơ ngơ, người soát vé hỏi. Hai chị em đưa vé và cả chứng minh thư.

Người soát vé nhìn chứng minh thư rồi bất ngờ hướng về chị Nhàn: “Chị là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn?”. Chị Nhàn tủm tỉm: “Vâng!” Người soát vé bảo: “Vé của các chị là vé toa giường nằm, không phải toa vé ngồi. Các chị đi theo tôi!”. Ui, may quá! Tối đó, ngồi trong toa tàu lắc lư chúng tôi bị bất ngờ bởi người soát vé chốc chốc đi qua lại hát một câu trong bài “Hương thầm”. Chị Nhàn không vui như mọi khi.

Chị buồn, dư âm tang lễ nhà văn Tô Hoài còn đọng trong lòng. Trong đêm tối, tàu đi xuyên qua vùng rừng núi Nghệ An, Hà Tĩnh. Có một ánh sao vụt qua cửa sổ toa tàu. Chị Nhàn nhìn theo ánh sao hát khe khẽ: “Bầu trời có sao chiều, sao sớm…”.

Tôi hiểu và cất tiếng hát theo: "Đầu núi kia có hai người"... Đó là “Bài ca trên núi” lời của Tô Hoài, nhạc của Nguyễn Văn Thương, bài hát trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”. Tôi chợt hiểu rằng ở chị Nhàn nỗi niềm “Hương thầm” là mãi mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn vương một nỗi ‘hương thầm’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO