Vì cái lợi lâu dài

Tinh Anh 05/03/2022 14:00

Bộ Tài chính vừa gửi công văn lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, cơ quan này đề xuất giảm Thuế Bảo vệ môi trường ở mức 500-1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu đến hết năm nay, nhằm giảm chi phí sản xuất, ổn định kinh tế, chống lạm phát.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít, các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc giảm thuế cũng phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh loại thuế này, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và cam kết quốc tế về môi trường.

Dĩ nhiên, khi giảm Thuế Bảo vệ môi trường theo đề xuất nói trên sẽ khiến ngân sách nhà nước bị giảm thu khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Song, Bộ Tài chính cho rằng, giảm thuế sẽ góp phần tích cực, trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng xăng dầu, từ đó giảm giá đầu vào, hạn chế gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh khiến giá cả hàng hóa leo thang.

Việc giảm thu ngân sách sẽ là áp lực khá lớn cho Bộ Tài chính khi cân đối các nguồn thu, chi khác. Song, để đảm bảo giữ được nền kinh tế ổn định, tránh lạm phát tăng cao vượt tầm kiểm soát, việc phải “hy sinh” một khoản thu ngân sách là điều cần thiết. Hơn nữa, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, tài chính, tuy giảm Thuế Bảo vệ môi trường nhưng giá dầu thô cao cũng bù lại được phần nào khoản hụt thu ngân sách trong ngắn hạn.

Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, kể cả khi không bù lại được phần hụt thu ngân sách, nhưng để giữ nền kinh tế phát triển ổn định, đồng tiền không bị mất giá thì điều chỉnh giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là việc làm đúng. Xăng dầu là đầu vào của tất cả các loại hàng hóa, nếu giảm giá xăng dầu các mặt hàng khác cũng sẽ giảm theo.

Vì thế, dư luận xã hội vô cùng ủng hộ động thái đề xuất giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính. Một số ý kiến còn cho rằng, giá như Bộ Tài chính sớm tham mưu để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm Thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu thì sẽ tốt hơn cho nền kinh tế. Song, dẫu muộn vẫn còn hơn không.

Vẫn biết Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về việc cân đối các khoản thu, chi ngân sách nên áp lực rất lớn. Vì thế, để cơ quan này có văn bản đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí... là điều vô cùng khó khăn. Vậy nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu không ngừng tăng cao khiến hàng hóa leo thang nên cơ quan này buộc phải quyết định.

Một quyết định khó khăn nhưng vô cùng sáng suốt, bởi chỉ hy sinh một phần nhỏ thu ngân sách để đổi lấy sự ổn định cho cả một nền kinh tế. Thử nghĩ, nếu không giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng theo đó mà tăng giá ầm ầm, viễn cảnh lạm phát là điều không thể tránh khỏi.

Việc hạ nhiệt giá xăng dầu không chỉ góp phần bình ổn giá cả các loại hàng hóa khác trên thị trường, mà còn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế sau thời gian dài liêu xiêu vì đại dịch Covid-19. Giá cả hàng hóa ổn định không chỉ giữ ổn định lạm phát mà còn có tác dụng kích thích tiêu dùng như một đòn bẩy kích cầu nền kinh tế.

Ngân sách nhà nước sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” trong ngắn hạn để đảm bảo giữ vững ổn định nền kinh tế. Chấp nhận hụt thu ngân sách khoảng 12.000 tỷ đồng, bù lại có một nền kinh tế khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, bền vững, lâu dài. Rất xứng đáng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì cái lợi lâu dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO