Vì sao trái cây vào Mỹ chậm lại?

An Hà 01/04/2023 07:15

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 1/2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là, tuy Mỹ được xác định là thị trường cao cấp trong tiêu thụ nhiều loại trái cây của Việt Nam, thế nhưng việc đưa trái cây của ta sang Mỹ tiêu thụ không như kỳ vọng, thậm chí có loại đã ngưng bán sau một vài đơn hàng đầu tiên.

Ở thời điểm này có 7 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi. Năm 2017, lô vú sữa lò rèn đầu tiên (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được xuất khẩu đi Mỹ. Lúc bấy giờ, một trái vú sữa lò rèn ở Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ có giá trung bình 60.000 đồng, tương đương khoảng 720.000 đồng/12 trái. Tuy nhiên, sau đó việc xuất khẩu chậm lại dẫn tới việc diện tích vùng chuyên canh loại đặc sản này ở huyện Châu Thành thu hẹp. Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Ngàn - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, có việc yêu cầu bắt buộc trái vú sữa trước khi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ. Nhưng sau đó không bao lâu vỏ trái cây bị đen. Cùng đó là giá vận chuyển bằng đường hàng không quá cao.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2021, tức là sau khoảng 4 năm kể từ khi vú sữa lò rèn Vĩnh Kim được xuất khẩu sang Mỹ, thì tổng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam cũng chỉ đạt chưa đến 2,2 triệu USD.

Cùng với vú sữa, thanh long ruột trắng cũng đang “thua” tại thị trường Mỹ so với loại trái này của Mexico. Hay như trái xoài cát Hoà Lộc vốn được hy vọng tạo đột phá cho trái cây Việt Nam vào thị trường Mỹ thì cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Mỹ là thị trường quá xa với Việt Nam, trong khi xung quanh Mỹ có Mexico, Peru cũng trồng trái cây nhiệt đới giống như ta, nhưng chi phí logistics, vận chuyển ít hơn nhiều. “Họ đi bằng tàu vì gần Mỹ, trong khi Việt Nam phải đi bằng máy bay, cước phí rất cao thành ra trái cây mình qua đó mắc hơn, dẫn đến không thể cạnh tranh” - ông Nguyên giải thích.

Còn theo ông Vương Đình Quỳnh Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát, đơn vị thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây xuất khẩu đi Mỹ và cũng là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu trái cây, thì khi mở cửa thị trường cho một loại trái cây nào cũng đều phải có sự khảo sát, nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng. Mà điều đó rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành liên quan. Ông Hiếu nêu ví dụ người Mỹ biết đến trái thanh long nhiều hơn khi các nước lân cận như Mexico trồng nhiều và tìm cách để đưa hàng vào Mỹ.

“Trong thương mại xuất khẩu, tiếp thị, quảng bá cần có sự chung tay của chính quyền chứ không phải việc riêng của doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp làm để tạo ra lợi nhuận, còn để tạo ra danh tiếng phải có sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành liên quan” - ông Hiếu nói.

Nhân câu chuyện trục trặc của trái cây xuất khẩu sang Mỹ, cũng cần nói đến việc mã số vùng trồng (trong nước) phải tái chứng nhận hàng năm. Thời gian để được tái chứng nhận có khi mất nửa năm và điều này vô tình đã làm đứt gãy việc xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo ý kiến của doanh nghiệp, với việc cấp mã số vùng trồng chỉ khi nào kiểm tra thấy không đạt thì cơ quan chức năng mới yêu cầu tạm thời dừng lại để điều chỉnh. Nếu không, tự ta sẽ làm khó ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao trái cây vào Mỹ chậm lại?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO