Việc làm cho lao động hồi hương

anh tuấn 17/12/2021 11:00

Tính trong cả năm 2021, có khoảng 161.000 lao động từ vùng dịch và hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hồi hương trở về Thanh Hóa. Với số lượng người lao động ồ ạt trở về như vậy, các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai có hiệu quả nhiều quyết sách để hỗ trợ ổn định việc làm.

Hàng trăm nghìn lao động hồi hương

Tính từ đầu năm 2019 đến 30/10/2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 19.662 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường XKLĐ tập trung chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông, trong đó, số lao động có trình độ tay nghề chiếm 15-20% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, tiện, may).

Anh Lê Văn Đông ở khu phố Trung Chính, thị trấn Thường Xuân từng đi XKLĐ tại Hàn Quốc 5 năm (2014-2019) làm chăn nuôi với mức lương 40-50 triệu đồng/tháng. Sau khi về nước, anh Đông rất khó tìm được công việc tương tự. Muốn đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao lại không có vốn, anh thử một số công việc khác, nhưng không phù hợp, thu nhập lại thấp, nên quyết định mở cửa hàng kinh doanh điện lạnh tại nhà.

Được biết, số lao động hết hạn về nước từ năm 2019 đến 30/10/2021 khoảng 19.200 người. Như vậy, nguồn lao động xuất khẩu mỗi năm trở về nước là rất lớn, trong đó có khoảng 15-20% lao động chất lượng cao, có tay nghề sẵn, lại được đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Vấn đề sử dụng nguồn lực này cũng đang được các ngành liên quan đặc biệt quan tâm.

Không chỉ với nguồn lao động từ nước ngoài trở về, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số công dân, người lao động trở về Thanh Hoá lên tới trên 205.000 người (số người trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch là 160.800 người).

Được biết, số lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề là 42.566, trong đó có trên 1.000 người có nhu cầu đào tạo nghề như may công nghiệp, xây dựng, điện dân dụng, điện lạnh, cơ khí, hàn, điện tử, điện nước, lái ô tô; có trên 2.000 người có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số vốn đề nghị vay trên 169 tỷ đồng.

Nhiều địa phương có số lao động trở về từ vùng dịch lớn, như: Huyện Triệu Sơn gần 9.200 người trong đó có 378 người có nhu cầu học nghề, 2.125 người có nhu cầu việc làm và 221 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; huyện Thiệu Hóa có 7.365 người, trong đó có 4.582 người có nhu cầu việc làm và 221 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; huyện Quảng Xương có 14.133 lao động, trong đó có 19 người có nhu cầu học nghề, 374 người có nhu cầu việc làm và 77 người có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm; thị xã Nghi Sơn có 10.310 lao động, trong đó có 24 người có nhu cầu học nghề, 251 người có nhu cầu việc làm, 96 người có nhu cầu vay vốn...

Nhiều giải pháp thiết thực

Ngày 2/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án 198 về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Phương án bao gồm 5 giải pháp cơ bản hỗ trợ cho người lao động. Trong đó giải pháp thứ 5 là hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch bị mất việc làm.

Theo đó, người lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm có nhu cầu vay vốn, tự tạo việc làm thì được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng chính sách với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo (tương đương 0,66%/tháng), với mức vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Thời hạn vay không quá 120 tháng theo quy định tại Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Đến nay, đã có trên 13.200 lượt người sử dụng lao động, hộ kinh doanh và trên 527.000 lượt người lao động được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí là gần 612 tỷ đồng.

Trả lời tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026), bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 340.000 người lao động đang làm việc tại 16.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp, 60.000 hộ kinh doanh phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của khoảng 194.000 người lao động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức trên 10 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động trở về từ vùng dịch tại một số huyện miền núi; tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến cho trên 6.000 lượt lao động; phối hợp với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối trên 1.500 lao động với các doanh nghiệp có nhu cần tuyển dụng… Kết quả, đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc làm cho lao động hồi hương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO