Viên chức, công chức và nghịch lý 'thừa – thiếu'

LÊ ANH 13/08/2022 08:00

Dù đang dôi dư tới hơn 5.700 công chức, viên chức so với số lượng biên chế được trung ương giao, thế nhưng TP HCM lại rơi vào nghịch lý “nơi thiếu, nơi thừa” nhân lực, dẫn tới nhiều bất cập.

Quá tải công việc đang tạo sức ép rất lớn đối với quản lý nhà nước ở cơ sở của TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc

Khủng hoảng “thiếu, thừa”

Đây là một thực tế khiến nhiều cơ quan chính quyền cấp phường của TPHCM “than” phải chịu áp lực lớn để vận hành bộ máy cơ sở. Điển hình tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) từ đầu năm đến nay đang gặp khó khăn rất lớn do quá tải. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, địa phương này có quy mô trên 100.000 dân nhưng chỉ có 34 cán bộ, công chức, đã dẫn tới quá tải công việc. Một phần trong số này đã xin nghỉ việc do không thể kham nổi việc phải thường xuyên làm tăng ca đến 8-9 giờ tối, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Dù vậy, cũng theo ông Tuấn thì chế độ lương thưởng cho các cán bộ, công chức vẫn chưa được cải thiện. Tương tự, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh là xã đông dân nhất TPHCM, với trên 167.000 dân nhưng hiện cũng chỉ được bó hẹp 36 biên chế gồm 11 cán bộ, 11 công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Nghịch lý “thiếu biên chế” tại địa phương này cũng đang tạo sức ép quá tải đối với đội ngũ công chức, viên chức cơ sở. Theo bà Lại Thị Bích Trâm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, kể từ thời điểm tháng 3 năm nay do để giải quyết nhu cầu hồ sơ hành chính của người dân, các công chức, viên chức xã đã phải tăng thêm thời gian làm việc, tiếp nhận hồ sơ đến 18h30 vào thứ ba và thứ năm hàng tuần, tăng thêm 1,5 giờ làm việc so với quy định.

Có trường hợp như anh N.T.N đã làm việc hơn 10 năm tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức nhưng cũng phải xin nghỉ do quá tải. Theo anh N., hầu hết các bộ phận cấp phường đều quá tải, từ sao y - chứng thực đến Tư pháp – Hộ tịch nên mỗi người phải kiêm nhiệm từ 3 – 8 đầu việc. Công việc quá tải cộng thêm môi trường làm việc thiếu hấp dẫn, đã khiến UBND phường Hiệp Bình Chánh từ 62 vị trí công chức, viên chức (2017) tới năm 2019 chỉ còn 50 người và đến nay giảm gần một nửa, chỉ còn 34 vị trí.

Bất cập vị trí việc làm

Trái ngược với những nơi thiếu viên chức, một số đơn vị sở, ngành của TPHCM lại “than” khó khăn trong tuyển mới vị trí việc làm. Cụ thể, ông Trần Đức Toàn - Trưởng phòng Tổ chức thuộc Sở Tư pháp TPHCM cho biết, vừa qua khi Sở tuyển dụng viên chức gặp khó khăn do bất cập giữa việc đăng ký dự tuyển và xác định người trúng tuyển thực hiện theo vị trí việc làm. Cụ thể, hầu hết vị trí việc làm đều yêu cầu các thí sinh phải đăng ký thi tuyển theo từng vị trí việc làm và chỉ thí sinh đạt điểm cao nhất mới trúng tuyển. Dù vậy, thực tế nhiều trường hợp không trúng tuyển ở vị trí đăng ký nhưng điểm thi viên chức lại cao hơn nhiều so với thí sinh trúng tuyển ở vị trí việc làm khác dù có cùng yêu cầu về trình độ chuyên môn. Tương tự, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cũng phản ánh gặp khó khăn trong tuyển dụng viên chức. Sở này đã chủ động kiến nghị với thành phố xây dựng cơ chế tuyển dụng chung đối với các vị trí việc làm có yêu cầu giống nhau về trình độ chuyên môn để đảm bảo sát với tình hình thực tế. Tại Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) TPHCM, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT thành phố cho biết, ngành này cũng đang chật vật xoay xở do việc tuyển giáo viên ở một số môn học rất khó khăn. Cụ thể, năm học này số học sinh trên địa bàn thành phố tăng lên gần 22.000 học sinh, trong đó riêng khối công lập là hơn 15.000 học sinh, dù vậy số biên chế giáo viên lại chưa được tăng thêm tương xứng. Thành phố thiếu giáo viên cho các môn tiếng Anh, Tin học, nhất là tại các quận, huyện có dân số cơ học tăng nhanh hàng năm như Bình Chánh, TP Thủ Đức, các huyện Nhà Bè, Cần Giờ,…

Đứng trước áp lực nặng nề đối với bộ máy viên chức, công chức ở cơ sở, mới đây UBND TP Thủ Đức đã kiến nghị cho phép số biên chế công chức, viên chức được sử dụng đến năm 2026 theo hướng giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, trong khi sẽ giảm dần số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn. Song song đó, địa phương cũng kiến nghị xin tăng thêm biên chế công chức làm việc theo Nghị định 33 để giải quyết tình trạng hàng loạt cán bộ, viên chức, công chức phải nghỉ việc từ đầu năm đến nay.

Dù phải đối mặt với nghịch lý nơi thừa, nơi thiếu viên chức, công chức, kèm theo một lượng dôi dư lên tới hơn 5.700 vị trí biên chế được trung ương giao thế nhưng chính môi trường công sở của TP HCM lại đang thiếu hấp dẫn đối với nhân tài. Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cấp xã, phường rất nhiều việc, đầy áp lực nhưng chế độ chính sách còn rất ít. Lương thấp, áp lực cao khiến không ít địa phương khó tuyển dụng cả “đầu vào”, trong khi tuyển được rồi cũng rất khó giữ được người có năng lực ở lại. Có nhiều người có hợp đồng làm việc nhiều năm ở cấp phường, xã nhưng thi công chức không đạt đã phải chuyển sang việc khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viên chức, công chức và nghịch lý 'thừa – thiếu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO