Vũ khí vaccine và lá chắn thép 5K

Bắc Phong 04/01/2021 16:52

Nói về vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam, GS.TS Trung tướng Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện Quân y khẳng định: “Đã đến lúc Việt Nam có quyền nói với thế giới rằng, chúng ta đã làm được và chúng ta đang chứng minh điều đó. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là những thành viên tích cực, thông thái, khoa học để cùng chung tay với chúng tôi tạo ra một sản phẩm vaccine an toàn, hiệu quả cho chính người Việt Nam chúng ta”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19, chiều 20/12.

Trí tuệ Việt Nam

Ngày 17/12/2020 là dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Đó là ngày 3 trong số 200 người nộp đơn tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và phát triển, được tiêm mũi đầu tiên.

Để có được mũi tiêm đầu tiên này, chúng ta đã rút ngắn một cách “đáng kinh ngạc” quá trình ngiên cứu, điều chế vaccine. Theo các chuyên gia, mỗi quy trình nghiên cứu và phát triển một loại vaccine phải mất thời gian khoảng 7 đến 12 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch Covid-19 thì không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia khác liên quan đến cuộc chạy đua này thì đều rút gọn nhiều công đoạn hành chính tuy rằng những nội dung về chuyên môn, khoa học, kỹ thuật vẫn phải bảo đảm theo quy định. Điều đó được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép.

Như vậy là, so với các hãng được phẩm lớn, các phòng thí nghiệm điều chế vaccine lớn tại các nước giàu có với hệ thống y tế tiên tiến, thì mũi tiêm đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam chỉ sau vài ba tháng. Điều cho thấy nỗ lực mà đặc biệt là trí tuệ của người Việt Nam, trách nhiệm của Việt Nam trước đại dịch đe dọa loài người.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) thì lần thử nghiệm vaccine NanoCovax giai đoạn 1 sẽ thực hiện trong khoảng 4 tháng, giai đoạn 2 cũng khoảng 4 tháng gối đầu, giai đoạn 3 khoảng 6 tháng. Như vậy, trong năm 2021, chúng ta sẽ có những dữ liệu lâm sàng về vacicne NanoCovax.

Hiện tại, ngoài Công ty Nanogen, Việt Nam còn có 3 đơn vị sản xuất nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac).

Tuyệt đối an toàn

Ngày 17/12, dưới sự chỉ đạo của 3 Bộ (Y tế, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ), tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (thuộc Học viện Quân y) đã tiến hành tiêm mũi đầu tiên trong giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện khỏe mạnh. Đây là kết quả chung từ những nỗ lực của nhiều phía.

Phấn khởi, tin tưởng, tuy nhiên Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) vẫn nhấn mạnh: “Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ càng trước một chiến dịch lớn, tuy nhiên những gì sắp xảy ra vẫn ở phía trước nên tất cả các khâu vẫn phải đặt an toàn lên hàng đầu”.

Giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng vaccine NanoCovax có 60 người tình nguyện tham gia (độ tuổi từ 18 đến 50) và chia làm 3 nhóm liều vaccine (20 người tham gia nhóm liều tiêm 25mg, 20 người tham gia nhóm liều 50mg, 20 người tham gia nhóm liều 75mg). Đây là giai đoạn đánh giá liều nào an toàn nhất để làm cơ sở chuyển sang giai đoạn 2.

Về phía người tình nguyện, họ cần phải được đọc, được giải thích và được tư vấn rõ ràng về nhiệm vụ, về trách nhiệm khi tham gia tiêm thử nghiệm, đồng thời phải bảo đảm sức khỏe, các chỉ số sinh học được đánh giá bình thường.

Nam tình nguyện viên là 1 trong 3 người tiêm mũi vaccine đầu tiên (30 tuổi), nói: “Mình chủ động mà, tự hào là khác, mình tin vào vaccine của Việt Nam, mình muốn góp phần nhỏ vào thành công trong cuộc chiến chống đại dịch”.

Trước diễn biến xấu có thể xảy ra? Ông Nguyễn Ngô Quang cho biết, tình nguyện viên được tiêm ở liều tối thiểu để đảm bảo an toàn. Do đó, nếu có những tai biến không mong muốn thì có thể kiểm soát. Sau khi tiêm, tình nguyện viên phải theo dõi 72 tiếng tại Trung tâm. Học viện Quân y đã sẵn sàng các thiết bị theo dõi chỉ số sinh học, kết nối các bệnh viện xung quanh. Sau đó, tình nguyện viên sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương, nơi cư trú trong 56 ngày.

“Bộ Y tế chỉ đạo, điều quan trong nhất là bảo vệ toàn vẹn sức khoẻ người tham gia” - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nhấn mạnh Còn theo GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho lần tiêm thử nghiệm, Học viện đã tổ chức diễn tập trong 3 ngày (14-16/12) trước khi tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người (ngày 17/12) để nếu có bất cứ tai biến hay tác dụng phụ nào thì Học viện Quân y cũng sẽ xử lý được.

Thực tế cho thấy, tới nay, ngày 24/12, sức khỏe 3 người tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam hoàn toàn ổn định, không có phản ứng bất thường.

1 trong 3 người đầu tiên tình nguyện tiêm vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Đợt tiêm thứ hai và những khuyến cáo

Tới ngày 22/12, Việt Nam bước vào đợt tiêm thứ hai trên người tình nguyện, với từ 400 đến 600 người liều tiêm tối ưu.

Trong ngày đầu tiên của đợt tiêm thứ hai, có 17 người được tiêm vaccine phòng Covid-19 NanoCovax, liều 25 mcg. Theo quy định chung, sau khi tiêm, họ ở lại Học viện Quân y theo dõi trong 3 ngày. Khi trở về nhà, các tình nguyện viên sẽ tiếp tục được theo dõi 56 ngày tại cơ sở y tế địa phương. Sau khi tiêm mũi đầu tiên đến 28 ngày, các tình nguyện viên sẽ quay lại Học viện Quân y để tiếp tục mũi thứ 2.

Và tới nay, 24/12, qua thời gian 72 giờ theo dõi tại Học viện Quân y, tất cả đều ổn định và đã trở về nhà tiếp tục theo dõi y tế.

Cũng cần nhắc lại rằng, song song với việc nghiên cứu, điều chế thử nghiệm lâm sàng trên người thì Việt Nam cũng đã tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trên thế giới để mua vaccine phòng dịch. Theo đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), về nguyên tắc nếu như vaccine Covid-19 trên thế giới chưa được Cơ quan quản lý Dược của Hoa Kỳ và Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu phê chuẩn, khi về Việt Nam phải có đánh giá trên người Việt Nam. Ngược lại, vaccine Covid-19 đã có sự phê chuẩn của hai cơ quan trên, căn cứ trên kết quả phê chuẩn, Bộ Y tế sẽ xem xét trong trường hợp đại dịch có thể cho lưu hành ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo không được chủ quan trước đại dịch. Các biện pháp phòng chống dịch vẫn phải tuân thủ, đặc biệt là với “Thông điệp 5K” của ngành Y tế là: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ”.

Vì, nếu vaccine được coi là vũ khí quan trọng trong phòng chống dịch bệnh do virus gây ra, thì “Thông điệp 5K” được Việt Nam đúc rút từ kinh nghiệm thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được ví như “lá chắn thép” tuyệt đối quan trọng.

Như vậy là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chúng ta đã thực sự “công thủ toàn diện”.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vaccine của Việt Nam khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 45 quốc gia có ngành công nghiệp Chưa đầy một năm sau, năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vaccine khi tự sản xuất được vaccine phối hợp phòng sởi-rubella (MR) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.

Tại thời điểm này, Việt Nam là một trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Từ tháng 3/2018, vaccine MR của Việt Nam được tiêm với quy mô nhỏ 4 tỉnh ở các vùng miền khác nhau, sau đó từ tháng 4, vaccine MR được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng.

Tới năm 2018, Việt Nam sản xuất thành công vaccine cúm mùa 3 trong 1, gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vaccine cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Hiện Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vaccine cúm (chủng virus H1N1, H3N2 và B) phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vũ khí vaccine và lá chắn thép 5K

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO