Vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm?

Theo VOV 18/01/2018 19:34

Theo các chuyên gia về xây dựng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giàn giáo bị sập nhưng trách nhiệm chính thuộc về đơn vị thi công.

Vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm?

Hiện trường vụ sập giàn giáo.

Vụ tai nạn sập giàn giáo tại công trình xây dựng “khu vực cây xanh kết hợp với bãi đỗ xe và dịch vụ giành cho ô tô” tại đường Tố Hữu (Đại Mỗ - Nam Từ Liêm – Hà Nội) làm 3 người chết và 3 người bị thương.

Liên quan đến vụ tai nạn trên, trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS. Nguyễn Quang Viên – nguyên giảng viên trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng: Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc sập giàn giáo, đó là chân giàn giáo không được gia cố chắc chắn và tiếp đến là các giàn giáo giằng với nhau không đảm bảo độ an toàn.

Theo ông Viên, trong thi công công trình phải có phần thiết kế biện pháp thi công được duyệt để đảm bảo an toàn, tuy nhiên, việc thực hiện thi công có đúng theo thiết kế không lại là điều đáng nói và thường những vụ tai nạn là do sơ xuất của bên thực hiện.
“Nếu sập giàn giáo thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm chính”, ông Viên nói thêm.

Nhận định về trách nhiệm trong vụ tai nạn trên, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị thi công, cụ thể là chỉ huy kỹ thuật của công trường “Giàn giáo công trường xây dựng cũng phải có thiết kế chứ không phải làm theo kinh nghiệm, phải được kỹ sư phụ trách kỹ thuật trên công trường ký vào bản thiết kế. Xây dựng xong phải có biên bản nghiệm thu giàn giáo xem có chắc chắn không. Đây là thi công nên bên đầu tư không giám sát mà bên thi công tự giám sát. Xảy ra sự cố thì chỉ huy phụ trách kỹ thuật trên công trường phải chịu trách nhiệm”.

Qua vụ tai nạn trên, TS Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, yếu tố an toàn trên các công trường xây dựng ở Việt Nam thường bị “ngó lơ”, trong đó phần nhiều thuộc về ý thức của công nhân nhưng trách nhiệm chủ yếu lại thuộc về những người sử dụng lao động.

“Công nhân ta thường không coi trọng việc đảm bảo an toàn lao động. Nhiều công nhân dù được cấp trang phục bảo hộ lao động nhưng chẳng sử dụng, sử dụng tùy tiện vì không được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, trách nhiệm lại thuộc về những người quản lý sử dụng lao động bởi vì nếu làm nghiêm thì các công nhân sẽ không vi phạm, và không xảy ra tai nạn đáng tiếc”, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói.

Trước đó, khoảng 2h30 sáng 17/1, vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra tại công trình xây dựng “khu vực cây xanh kết hợp với bãi đỗ xe và dịch vụ giành cho ô tô” tại đường Tố Hữu (Đại Mỗ - Nam Từ Liêm – Hà Nội) làm 3 người chết và 3 người bị thương.

Danh tính các nạn nhân tử vong gồm: Bàn Văn Mạnh (28 tuổi), Bàn Văn Vấn (22 tuổi), Trần Văn Cúc (31 tuổi) cả 3 nạn nhân đều đến từ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Người bị thương nặng là Đinh Văn Dương (30 tuổi, quê ở Giao Thủy, Nam Định) và 2 người bị thương nhẹ đã xuất viện gồm: Bùi Thị Nụ (60 tuổi), Quách Thị Thương (SN 1984) cùng ở Lạc Sơn, Hòa Bình.

Theo báo cáo của sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội, cho biết: Nhận định ban đầu, mhóm công nhân của công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội đang đổ bê tông sàn tầng 2 thì bị sập khiến 3 công nhân đang kiểm tra độ dò rỉ coppha ở tầng 1 bị đổ đè dẫn đến tử vong.

Các đơn vị chức năng đã hỗ trợ 15 triệu đồng/nạn nhân tử vong, hỗ trợ người bị thương nặng 7 triệu đồng.và 1 người bị thương nặng, 2 người khác bị thương nhẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO