Vực dậy hoạt động xuất khẩu

THANH GIANG 19/01/2022 11:58

“Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên xuất khẩu của TP HCM sụt giảm mạnh. Hiện thành phố đang tháo gỡ khó khăn, vực dậy hoạt động xuất khẩu”- Đó là nhận định của ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM tại hội thảo giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19, diễn ra ngày 18/1, tại TPHCM.

Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu với chi phí logistics tăng cao.

Hồi phục

Lãnh đạo Sở Công thương thành phố dẫn chứng, năm 2021,kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) thành phố chỉ đạt 43,9 tỷ USD, giảm hơn 1% so với năm 2020. Đáng lưu ý, hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm. Điển hình, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 14,7%, Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, EU giảm 0,8%....

Chia sẻ về những khó khăn trong đại dịch, bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP HCM cho biết, đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành lương thực thực phẩm. Trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh tại TP HCM, hoạt động xuất khẩu của DN sang các thị trường lớn như Mỹ, EU,... đều diễn ra rất chậm và giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, giao thương”.

Theo bà Chi, DN xuất khẩu Việt Nam nói chung và DN xuất khẩu ngành lương thực thực phẩm nói riêng đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Hiện nhiều đối tác quốc tế đánh giá cao cố gắng của chúng ta. Ghi nhận từ các DN thành viên thì tín hiệu xuất khẩu khả quan ngay từ những ngày đầu năm mới. Dự báo, tình hình xuất khẩu trong năm 2022 sẽ có chuyển biến tốt hơn nhiều.

“Trong năm 2022, DN xuất khẩu đồ gỗ sẽ có những mặt hàng mới được tung ra thị trường. Nhưng theo tôi, xuất khẩu đồ gỗ chỉ thật sự tăng tốc trở lại ở cuối năm 2022”, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TP HCM dự báo.

Cũng theo ông Phương, cơ hội cho DN trong năm nay vẫn là phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống Hoa Kỳ (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ), EU, Nhật Bản, Úc. Trong vài năm tới thị trường ASEAN và Trung Quốc sẽ có sự chuyển hướng mạnh về mặt hàng đồ gỗ, thay vì hiện nay chỉ xuất khẩu gỗ dăm.

Giải bài toán chi phí logistics

Mặc dù cộng đồng DN trên địa bàn TP HCM đã bắt tay sản xuất, xuất khẩu trở lại trong điều kiện bình thường mới, song những hệ lụy từ dịch bệnh vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Sở Công thương TP HCM cho rằng, nhìn chung DN vẫn khó khăn về nguồn vốn, lao động, sức ép chi phí đầu vào gia tăng… Bên cạnh đó, các vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container… vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn.

Ông Nguyễn Chánh Phương khẳng định: “Hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhưng DN không dám nhận quá nhiều đơn hàng vì chi phí đầu vào tăng cao, chi phí vận tải cũng không hề dễ chịu, cùng với đó là sự thiếu hụt lao động…”.

Liên quan đến chi phí logistics, Chủ tịch hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho biết, hiện nay các hội viên nhận được đơn hàng lớn từ các nước nhưng vẫn rất thận trọng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng 30%-50%, đặc biệt phí dịch vụ logistics tăng cao.

“Do chi phí dịch vụ logistics tăng cao khiến DN mất đơn hàng, mất thị trường mà họ đã dày công xây dựng. Nhưng vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát của DN. Chúng tôi kỳ vọng cơ quan nhà nước, bộ ngành có những chính sách để giảm thiểu chi phí logistics” - bà Lý Thị Kim Chi nói.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictics (VLA) TP HCM cũng thừa nhận chi phí vận chuyển hiện nay quá cao. Ông Cường kiến nghị, cần tạo cơ chế đặc biệt cho các DN Việt Nam dẫn dắt thị trường bởi riêng tại TP HCM có khoảng 3.000 - 4000 DN logistics với quy mô từ vừa và nhỏ, cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản.

Ông Cường mong muốn Chính phủ xem xét khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy hoạt động xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO