Vực dậy ngành dệt may, da giày

H.Hương 13/09/2021 06:30

Động lực tăng trưởng bị “hụt hơi”, khi hai ngành công nghiệp lớn là dệt may, da giày gián đoạn chuỗi cung ứng và có biểu hiện đứt gãy sản xuất. Giới chuyên gia cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, nối lại chuỗi cung ứng.     

Vô vàn khó khăn

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã đưa ra đánh giá đáng lo ngại, chủ yếu nằm ở ngành da giày và dệt may, do khu vực Đông Nam Bộ là đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới. Hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ 2020.

Thị phần của ngành da giày Việt Nam trên thế giới đang chiếm 15%, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.

Trong thực tế, hai ngành công nghiệp lớn là dệt may và da giày đang vật lộn với vô vàn khó khăn. Với ngành da giày, triển vọng năm nay và có thể sang cả năm 2022 là không mấy khả quan. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn không thể tiếp tục sản xuất; sản lượng sản xuất không đạt như mục tiêu.

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), việc giãn cách xã hội kéo dài khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, những nơi tập trung nhiều DN da giày lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất, do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Số DN tại miền Bắc, miền Trung cũng giảm công suất 30-50% do giãn cách xã hội, thiếu lao động.

Còn với ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nếu dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các DN không còn khả năng duy trì và ổn định sản xuất, khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam. Đại diện một số DN cho biết, phương án “ba tại chỗ” chỉ đảm bảo được 30-50% năng suất, nhưng chi phí tăng lên gấp 4,5 lần, doanh thu thì giảm 50%. Rủi ro, nguy cơ lây nhiễm chéo khi thực hiện “ba tại chỗ” rất cao, rất khó để duy trì dài lâu. Còn thực hiện phương pháp “1 cung đường, 2 điểm đến”, oái oăm là DN được hoạt động, nhưng công nhân bị xã, phường, thôn yêu cầu ở đâu ở yên đó, không cho đi lại.

Chủ một DN dệt nhỏ và vừa ở thành phố Hưng Yên chia sẻ, dịch Covid -19 ở Hưng Yên không khốc liệt như ở Bắc Giang, các tỉnh phía Nam nhưng mà hơn nửa năm nay công ty chỉ ký được 2 hợp đồng gia công lại hàng, mà khối lượng cũng không nhiều.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam có chiều hướng sụt giảm. Ảnh: Quang Vinh.

Tập trung tháo gỡ

Đặc trưng của 2 ngành dệt may và da giày đều có tính kết nối sản xuất theo chuỗi. Nhiều DN xuất khẩu phải nhập nguyên liệu và xuất hàng đi bán, nếu bị tắc trong khâu vận chuyển, lưu thông thì hoạt động kinh doanh ảnh hưởng lớn, chi phí đội lên cao. Phần lớn, DN dệt may và da giày đều có bạn hàng nước ngoài, khi tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khách hàng của họ có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi.

Hiện nay hai mối lo mà các DN phải đối diện trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, là cung và cầu. Ở phía cung, nguyên vật liệu khó dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Ở phía cầu, đơn hàng xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới giảm vì ảnh hưởng Covid – 19. Ngay cả trong điều kiện nền kinh tế thế giới phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tốt hơn thì chính DN trong nước cũng chưa thể vận hành thông suốt, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, DN phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác.

Các DN cho hay, nặng nhất vẫn là tiền phạt chậm giao hàng. Nếu đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, DN còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Cùng với đó, DN sẽ không phát triển được đơn hàng cho mùa tiếp theo. Để giữ đơn hàng cho năm tới, theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, nhiều DN đã xoay xở, tìm giải pháp duy trì, cố gắng đảm bảo đúng tiến độ đơn hàng.

Giới chuyên gia cũng cho rằng riêng với nhóm ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hoá ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt nhuộm trong nước, đảm bảo nhu cầu vải cho ngành.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu

Là ngành công nghiệp lớn, đóng góp giá trị cho xuất khẩu và đảm bảo số lượng lớn việc làm cho nhiều lao động, nhưng ngành dệt may, da giày đến nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khó khăn, DN cũng đã nỗ lực rất nhiều để vượt khó, nhưng DN cũng cần thêm các định hướng từ cơ quan quản lý để yên tâm sản xuất. Đó là làm sao để hàng xuất khẩu được thông suốt, làm sao để chi phí vận chuyển không tăng đột biến, làm sao để cho người công nhân yên tâm ở lại nhà máy làm việc khi mà người thân của họ ở nhà không phải túng thiếu đủ đường?

Tôi cho rằng, để khôi phục sản xuất của ngành dệt may và da giày, trước tiên phải tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm… Hiện nay, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, cần phải tận dụng triệt để để xuất khẩu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vực dậy ngành dệt may, da giày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO