WHO: Mỗi ngày thế giới có hơn 160.000 ca nhiễm Covid-19

Khánh Duy 03/07/2020 07:01

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 2/7 đã ra cảnh báo mới rằng đại dịch do virus Corona chủng mới gây nên đang tăng tốc, khi mà số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày trong suốt tuần vừa qua đã vượt qua con số 160.000, mức kỷ lục từng được ghi nhận.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng đột biến trong tháng 6 (Nguồn: CNBC).
Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến trong tháng 6 (Nguồn: CNBC).

Tăng đột biến trong tháng 6

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nói trong cuộc họp báo trực tuyến rằng, hơn một nửa tổng số ca nhiễm ghi nhận được kể từ khi virus Corona chủng mới xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái được báo cáo trong tháng 6 vừa qua.

Dữ liệu mà tổ chức y tế thuộc Liên hợp quốc này công bố cho thấy con số cao kỷ lục số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận vào ngày 28/6 vừa qua, trong đó hơn 189.500 ca nhiễm mới được báo cáo trên phạm vi toàn cầu.

Trước thời điểm ngày 25/6, số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng hai lần vượt qua con số 160.000, cả ở trong tuần trước đó, trong khi vào thời điểm trước ngày 18/5, số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày không vượt qua 100.000. Với tổng số 511.000 ca tử vong và hơn 10,5 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 "thậm chí còn chưa gần với kết thúc"; WHO cảnh báo hồi đầu tuần này.

Tổng Giám đốc WHO Tedros cũng nhắc lại rằng, một "hướng tiếp cận toàn diện" là cách tốt nhất để ngăn chặn đà lây lan của virus.

"Tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc cho mọi trường hợp nhiễm, truy vết và cách ly mọi đầu mối tiếp xúc, trang bị và huấn luyện nhân viên y tế, giáo dục và tăng sức mạnh của cộng đồng để họ tự bảo vệ mình và người khác" - ông Tedros nói - "Và không chỉ riêng xét nghiệm, không chỉ riêng giãn cách xã hội, không chỉ riêng đeo khẩu trang...mà phải làm tất cả cùng lúc".

Nhiều quốc gia đã thực thi hàng loạt các biện pháp, trong đó bao gồm truy vết tiếp xúc, cách ly, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang bắt buộc; kết quả là đã "ngăn chặn được đà lây nhiễm và cứu sống nhiều sinh mạng"; ông Tedros nhấn mạnh.

Cần hướng tiếp cận toàn diện

Ông Tedros thêm rằng, WHO hiện nay cực kỳ quan ngại khi chứng kiến một số quốc gia "không sử dụng mọi công cụ sẵn có và áp dụng hướng tiếp cận rời rạc".

"Những quốc gia này phải đối mặt với con đường dài đầy khó khăn phía trước" - ông Tedros nói, nhấn mạnh rằng "dù cho tình hình ở một nước có nghiêm trọng đến mức nào, vẫn có cách đảo ngược". "Chưa bao giờ là quá muộn cả", ông nói, chỉ ra Italy và Tây Ban Nha từng nỗ lực ngăn dịch và đạt được thành công.

Tổng Giám đốc WHO cũng chỉ ra rằng, hơn 1.000 nhà khoa học trên khắp thế giới trong tuần này đang tham gia các cuộc thảo luận liên quan tới nghiên cứu về Covid-19, trong đó có việc phát triển một chủng vaccine hiệu quả và phương thức điều trị. Ông nhắc lại lời kêu gọi cho phép mọi người dân đều được tiếp cận với vaccine sau khi được cho ra mắt.

"Chúng ta có trách nhiệm chung là đảm bảo rằng tất cả người dân đều được tiếp cận các công cụ để tự bảo vệ mình, đặc biệt là những người dễ chịu tổn thương nhất" - ông Tedros nói.

Trải qua 6 tháng chống chọi với đại dịch, WHO nói rằng họ đang có kế hoạch cử 2 chuyên gia ở Geneva, Thụy Sĩ tới Trung Quốc vào tuần tới để chuẩn bị mở cuộc điều tra làm rõ nguồn gốc của virus corona chủng mới. Tổ chức này trong tháng 5 đã thúc giục Trung Quốc cho phép các chuyên gia của họ tới điều tra nguồn gốc từ động vật của virus corona chủng mới.

"Nhiệm vụ đã lên kế hoạch sẵn là một nhiệm vụ khó khăn... nhằm tạo sự chuẩn bị tốt với các đồng nghiệp Trung Quốc, thiết lập phạm vi của nhiệm vụ" - Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, nói.

Vị chuyên gia cũng thêm rằng đội ngũ chuyên gia được cử tới Trung Quốc sẽ bao gồm 1 chuyên gia về thú y và 1 chuyên gia về bệnh dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    WHO: Mỗi ngày thế giới có hơn 160.000 ca nhiễm Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO