Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đề cao hướng nghiệp

Mạnh Dũng (ghi) 08/08/2017 09:30

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân về chương trình GDPT tổng thể vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Uỷ ban kiến nghị Bộ nên xin lùi thời hạn 1 năm (so với dự kiến triển khai chương trình, sách giáo khoa từ đầu năm học 2018-2019 như quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội) để có thời gian chuẩn bị tốt hơn.

Theo đó, 2 thay đổi đáng chú ý nhất trong dự thảo chương trình GDPT tổng thể, đó là giảm thời lượng nhiều môn học và nhấn mạnh đến tính chất hướng nghiệp ở bậc THCS. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc giảm giờ học trong chương trình GDPT tổng thể là để phù hợp với thực tế của các trường hiện nay.

Lý do, bởi hiện nay, học sinh chỉ có 6 buổi/ngày ở cấp THPT và THPT với tối đa 5 tiết/ngày. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng học 5 tiết sẽ hết sức căng thẳng. Chương trình hiện hành, nếu cộng lại ở THPT, có những lớp học sinh phải học đến 33 tiết rưỡi 1 tuần. Trên thực tế không thể có thời gian, vật chất để học như vậy được…

Các trường có điều kiện dạy học cả ngày có thể sử dụng thời lượng giáo dục tăng thêm so để hướng dẫn học sinh tự học, dạy học các môn học tự chọn, tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động xã hội tại địa phương, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao…

Vẫn theo GS Thuyết, sự thay đổi nhấn mạnh tính chất hướng nghiệp của cấp học THCS là yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Phân tích về giáo dục hướng nghiệp ở trường THCS hiện không đạt được yêu cầu như mong muốn, theo GS Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục hướng nghiệp hiện nay thực hiện theo Nghị quyết 126CP của Hội đồng Chính phủ năm 1981 và có 4 hình thức hướng nghiệp. Bao gồm: dạy hướng nghiệp qua các môn văn hóa; dạy học hướng nghiệp qua dạy nghề phổ thông; qua các hoạt động hướng nghiệp hay sinh hoạt hướng nghiệp; dạy hướng nghiệp qua hoạt động tham quan, tham gia lao động sản xuất.

Trong đó, hai hình thức là sinh hoạt hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông không thành công, vì sinh hoạt hướng nghiệp không có giáo viên chuyên trách mà thường giao cho giáo viên chủ nhiệm; trong khi đó giáo viên chủ nhiệm không đủ khả năng dạy vì giáo dục hướng nghiệp rất phong phú ngành nghề. Tương tự, dạy nghề trong trường phổ thông không có đủ người dạy và trang thiết bị để làm việc này.

Các nghề cũng không phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Nên trong chương trình giáo dục mới, chúng tôi cho rằng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông không thay thế giáo dục nghề nghiệp, không làm thay chức năng của giáo dục nghề nghiệp.

Mà giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông nhằm 3 mục đích: Cung cấp thông tin các ngành nghề chính, về thị trường lao động cho học sinh; Giúp học sinh tự đánh giá năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân; Từ 2 cơ sở trên, giúp học sinh xác định hướng phát triển của mình sau THCS, hoặc tham gia lao động sản xuất, tham gia học nghề hoặc tiếp tục học lên THPT để vào ĐH, CĐ.

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: Trong chương trình quy định rõ, một số môn có lợi thế phải có học phần và có chủ đề về giáo dục hướng nghiệp; môn học đã quy định thì SGK phải viết và giáo viên phải dạy. Theo quan điểm cá nhân ông: việc lùi thời hạn thực hiện chương trình GDPT mới cũng tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác có đủ thời gian biên soạn SGK, đảm bảo một cuộc “thi đua” công bằng, góp phần nâng cao chất lượng SGK. Nếu bây giờ làm gấp thì chỉ có bộ SGK mà Bộ tổ chức biên soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và một, hai quyển SGK khác là kịp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Đề cao hướng nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO