Khi môi trường kêu cứu

Hoàng Anh (Tổng hợp) 16/10/2016 09:05

Mặc dù đã có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng những vụ gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn ra, tồn tại như một sự thách thức. Chung tay bảo vệ môi trường, vì màu xanh cuộc sống là nghĩa vụ của tất cả mọi người.

Xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, gây ra ô nhiễm môi trường
trực tiếp và lâu dài.

Trả lại bình yên cho sông Tô Lịch

Sáng 7/10, UBND TP. Hà Nội khởi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD.

Theo ngành chức năng thành phố Hà Nội, đây là dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 270.000 m3/ngày đêm lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. Quy mô xây dựng dự án bao gồm: nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52 km. Phần lớn hệ thống cống thu gom nước thải được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm. Với phương pháp khoan ngầm sẽ giúp tránh được việc vận hành phức tạp của các trạm bơm, quỹ đất yêu cầu nhỏ hơn. Đặc biệt, việc thi công cống được thực hiện dưới các dải cây xanh và dưới lòng sông, làm giảm ảnh hưởng xấu của hoạt động thi công lên hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tác động tới môi trường và cư dân xung quanh. Hệ thống trên sau khi hoàn thành sẽ thu gom nước thải các quận gồm: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 4.874ha.

Trong lễ khởi công, Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có ý nghĩa lớn trong việc cải tạo môi trường, giúp làm sống lại các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ… Như vậy việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải 800 triệu USD được kỳ vọng sẽ cứu được sông Tô Lịch, con sông nổi tiếng ô nhiễm nhất Hà Nội.

Ô nhiễm trầm trọng chất lượng không khí

Báo cáo của Sở TN&MT Bắc Ninh cho biết, môi trường không khí tại các đô thị, KCN, CCN, làng nghề của tỉnh này chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn thải khác nhau. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng không khí đô thị tại Bắc Ninh chưa có nhiều cải thiện, nồng độ bụi cao. Tại các điểm quan trắc cạnh đường giao thông tại các ngã tư thị trấn của các huyện, thị cho thấy nồng độ bụi cao hơn QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1-1,3 lần. Tại các CCN, hầu hết đều cao hơn giới hạn cho phép của QCVN từ 1,3-1,5 lần. Tại các làng nghề của tỉnh Bắc Ninh cũng đều cao hơn giới hạn cho phép khoảng 1,8 lần.

Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề đang là vấn đề lo ngại nhất của Bắc Ninh hiện nay. Các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ phát sinh ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và các chất hữu cơ trong chế phẩm thừa thải ra tạo nên các khí như: SO2, NO2, H2S…, có mùi hôi tanh rất khó chịu. Tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm, bụi phát sinh từ quá trình chà, bào sản phẩm. Ở các làng nghề sản xuất mây, tre đan… tình trạng ô nhiễm xảy ra do phải sử dụng lưu huỳnh khi sấy nguyên liệu. Qua kết quả quan trắc định kỳ hàng năm tại các làng nghề ở Văn Môn cho thấy, nồng độ SO2 cao hơn quy chuẩn cho phép 3,1 lần, nồng độ NO2 cao hơn quy chuẩn từ 2,2-2,6 lần. Nồng độ bụi tại các làng nghề là khá cao và hầu hết đều vượt cho phép từ 1,1-1,8 lần.

Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn lời Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tỉnh sẽ lập quy hoạch và xây dựng lộ trình từng bước di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào khu, CCN tập trung để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các hộ gia đình sản xuất trong làng nghề bắt buộc phải đầu tư xây hệ thống xử lý khí thải phát sinh. Yêu cầu dừng sản xuất có thời hạn và vô thời hạn đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng bằng biện pháp cắt điện. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm đặc biệt tại các khu vực làng nghề, khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao.

Doanh nghiệp “tấn công” sông Hồng

Nhiều năm nay, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì và công ty TNHH MTV Pangrim Neotex, Công ty Miwon…đua nhau xả nước thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, đầu độc sông Hồng và gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Tại nơi tập trung nước xả thải của các nhà máy trước khi xả ra sông Hồng, luôn có màu đen, bọt trắng xóa bốc mùi hóa chất nồng nặc, xộc lên tận óc. Việc xả thải độc hại ra môi trường khiến sức khỏe của nhân dân bị giảm sút, sản xuất bị ảnh hưởng, đặc biệt là dòng sông Hồng bị đầu độc từ từ.

Người dân kêu cứu nhiều lần, các nhà máy bị xử phạt nhiều lần nhưng tình hình không cải thiện được là bao. Theo kết luận thanh tra của ngành chức năng, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì, trong quá trình hoạt động sản xuất, Công ty đã thay đổi một số nội dung đã cam kết trong báo cáo ĐTM được phê duyệt gồm: Sản lượng giấy sản xuất 80.000 tấn/năm, không xây dựng hệ thống nấu tẩy bột giấy, hệ thống xử lý khí thải sử dụng lọc bụi bằng Cyclone thay lọc bụi tĩnh điện, thay đổi chương trình quan trắc môi trường nhưng chưa có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Phú Thọ. Qua kiểm tra, kết quả phân tích, đánh giá mẫu chất thải, Đoàn thanh tra khẳng định kết quả đo đạc và phân tích mẫu nước thải sau hệ thống xử lý lấy tại điểm xả cuối trước khi vào mương nước thải ra sông Hồng so sánh với QCVN về hàm lượng Coliform=23.000 vi khuẩn/100ml, vượt 7,7 lần quy chuẩn cho phép.

Đối với mẫu nước thải lò hơi đốt mùn cưa lấy tại hệ thống thoát nước mưa có thông số pH vượt 1,3 lần quy chuẩn và mẫu nước thải sau hệ thống xử lý lấy tại điểm xả thải cuối trước khi ra mương vượt 3,7 lần. Đặc biệt, tình hình quản lý và xử lý chất thải nguy hại chưa đúng quy trình, các thùng phuy đựng hóa chất chưa được thu gom, không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Qua đó, Tổng cục Môi trường đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Giấy Việt Trì số tiền 374 triệu đồng vì hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 600m3/ngày.

Đối với Công ty Pangrim Neotex xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép: COD vượt 1,4 lần; BOD5 vượt 1,4 lần; CT vượt 1,8 lần… xử phạt vi phạm hành chính gần 457 triệu đồng. Đối với Công ty Miwon Việt Trì, công ty này cũng đã nhiều lần bị ngành chức năng xử phạt về hành vi xả thải không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường nhưng dường như công ty này vẫn phớt lờ, không cải thiện, khắc phục triệt việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Người dân yêu cầu đối thoại

Sáng 13-10, nhiều hộ dân nuôi cá trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã mang cá ra QL51 chặn xe qua lại để yêu cầu được gặp và đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Theo các hộ dân cho biết, trong các ngày từ ngày 10 đến 12/10, trên khắp các bè tại khúc sông Chà Và đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Cá bớp từ 2 kg đến 5kg sắp đến kỳ thu hoạch cũng chết trắng bè khiến nhân dân bị thiệt hại nặng nề. Người dân cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là các doanh nghiệp chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành) được hoạt động trở lại và đã xả thải ra sông khiến nguồn nước ô nhiễm nặng. Bức xúc, nên sáng 13/10, các hộ dân đã đem cá ra QL51 để chặn đường. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để đảm bảo trật tự và phân luồng giao thông.

Các lực lượng chức năng làm việc rất vất vả nhưng giao thông qua khu vực này vẫn ùn tắc kéo dài. Sau một thời gian khuyên giải phân tích, các hộ dân đã đồng ý về trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh để giải quyết. Cuộc tiếp xúc kéo dài nhiều giờ liền, người dân thi nhau bày tỏ những bức xúc của mình với ngành chức năng của tỉnh. Ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hứa sẽ chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp Công an và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra những nhà máy bị cấm hoạt động mà vẫn hoạt động theo như phản ánh của bà con.

Trước đó, trong năm 2015, hàng chục hộ dân nuôi cá ở Long Sơn cũng đã từng mang xác cá chết lên đổ xung quanh các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Sau đó, xe chở cá được đưa đến trụ sở UBND tỉnh, yêu cầu đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Sau buổi đối thoại, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết do hoạt động xả thải của các nhà máy chế biến hải sản gây ra. Sau đó, người dân đã làm đơn kiện các nhà máy.

“Sốc tải” ở các trạm xử lý nước thải

Hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đều có trạm xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà máy xử lý nước thải đầu tư công nghệ lạc hậu dẫn đến ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Theo báo Tài nguyên và Môi trường, ông Mai Mã- Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng cho biết, hiện công ty quản lý 6 nhà máy xử lý nước thải, trong đó 5 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, mỗi ngày thu gom khoảng 100.000m3. Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy xử lý nước thải công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt thời gian qua đã gây ô nhiễm. Điển hình như các nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc, Thọ Quang gây ô nhiễm trong một thời gian dài, khiến người dân ở các khu vực này bức xúc. Gần đây nhất, nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Liên Chiểu gây mùi hôi, người dân đã đến tận nhà máy để lấp ống tiếp nhận nước, chính quyền địa phương phải trực tiếp đối thoại để giải quyết.

Thực tế hiện nay tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung đều có vấn đề. Ngoài nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Liên Chiểu gây ô nhiễm, nhà máy xử lý nước thải tại khu công nghiệp Hòa Khánh cũng đã quá tải, một số tuyến ống thu gom bị hư hỏng, nước tràn ra đường khiến người dân bức xúc.

Còn ông Ngô Lê Quảng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh miền Trung (Urenco- Chi nhánh miền Trung), đơn vị xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh cho biết: Trước đây, tổng lượng nước thải của các nhà máy hoạt động ở cả 3 KCN gồm: KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Thanh Vinh phát sinh khoảng hơn 3.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh có công suất 5.000 m3/ ngày đêm nên bảo đảm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các nhà máy. Nhưng hiện nay, KCN Hòa Khánh đã lấp đầy 100% diện tích nên lượng nước thải của các doanh nghiệp ngày một tăng.

Đến thời điểm này, cả 3 KCN trên có 194 doanh nghiệp; trong đó có gần 170 doanh nghiệp thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải với lượng nước thải trung bình đạt 6.000m3/ngày đêm, vượt quá công suất thiết kế của trạm nên việc “sốc tải” là điều khó tránh khỏi”. Theo báo Tài nguyên và Môi trường, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh được đưa vào hoạt động hơn 10 năm, với công suất thiết kế ban đầu 5.000m3/ngày đêm, hiện nhiều thiết bị đã bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi môi trường kêu cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO