LTS: Các kết quả của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là cơ sở giúp các cơ quan tham mưu rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước trong quản lý tài nguyên, môi trường. Đồng thời giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý ngày càng tốt hơn lĩnh vực của mình. Bài viết của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên qua những thực tế kiểm toán ở bộ đã chứng minh điều này.
Trần Qúy Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Các kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo công tác quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày càng tốt hơn, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong thời gian qua, ngoài thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh; kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016- 2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; quản lý, sử dụng vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Với nhận định, thông qua công tác kiểm toán sẽ chỉ ra những tồn tại, bất cập và đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chính vì vậy, ngay sau khi nhận được các Thông báo kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường đối với chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khoáng sản
Đối với lĩnh vực khoáng sản, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra nhiều kiến nghị hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khoáng sản.Cụ thể như sau:
Thứ nhất,Kiểm toán nhà nước kiến nghị xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 hướng dẫn về thành phần, hình thức văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Khoáng sản; bổ sung, sửa đổi đối với Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và Nghị định số 67/2019/NĐ-CP để thống nhất về thời điểm xác định và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.Kiến nghị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu đề xuất các nội dung quy định tại khoản 11 Điều 1 trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản đang trình Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 83/TTr-BTNMT ngày 20 tháng 10 năm 2023.
Thứ hai,Kiểm toán nhà nước kiến nghị đối với việc ban hành bổ sung quy định về phương pháp, cách tính trữ lượng cát, sỏi bồi lắng gia tăng trong diện tích mỏ hàng năm; chưa có quy định, phương pháp xác định được về bán kính ảnh hưởng có thế dẫn đến sạt lở bờ sông tại Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.Kiến nghị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu quy định tại Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi.Hiện nay, dự thảo Thông tư đang được đăng trên cống thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, trước khi ban hành.
Kiến nghị để thể chế hóa và bổ sung các quy định phù hợp thực tế về môi trường
Đối với lĩnh vực môi trường, thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề và kiểm toán hoạt động tại các địa phương, Kiểm toán nhà nước đã có những kiến nghị để thể chế hóa và bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hoạt động thực tế.
Thứ nhất, Kiểm toán nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP trong đó bổ sung chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất túi ni lông; ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi ni lông khó phân hủy có chiều dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet theo Đề án của Chính phủ ban hành theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 04 năm 2013.Kiến nghị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đưa vào quy định tại Điều 28 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 155/2016/NĐCP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Thứ hai, đối với kiến nghị bổ sung quy định tỷ lệ thu hồi tái chế và điều kiện bắt buộc phải thực hiện kế hoạch thu hồi tái chế đối với các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, bổ sung các quy định tại Điều 64 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Thứ ba, Kiểm toán nhà nước đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định kiểm toán môi trường đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường của các đối tượng này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu và trình Chính phủ, Quốc hội bổ sung quy định về kiểm toán môi trường tại Điều 74 và Điều 160 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.Ngoài ra, Điều 160 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
Hoàn thiện quy hoạch về tài nguyên nước
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý tài nguyên nước.Cụ thể:
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các quy hoạch tài nguyên chung của cả nước, quy hoạch tài nguyên nước của lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, kiến nghị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu để thực hiện lập các quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ.Đến thời điểm hiện nay đã phê duyệt được quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản và 8/13 quy hoạch sông liên tỉnh, 05 quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh, đối với các quy hoạch còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Đối với kiến nghị xây dựng, vận hành hệ thống mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013, Thông tư 47/2017/TT- BTNMT ngày 07 tháng 11 năm 2017 chưa đảm bảo chất lượng, tiến độ kết nối dữ liệu, chưa rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện kết nối, đặc biệt là các cơ sở có thời hạn lắp đặt trước ngày 31 tháng 12 năm 2019, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành”. Đến nay, hệ thống đã cơ bản hoàn thiện các chức năng, đáp ứng được nghiệp vụ quản lý giấy phép tài nguyên nước dùng chung cho cả Trung ương và địa phương; tích hợp với hệ thống giám sát khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước cấp Trung ương. Hệ thống cũng đã cơ bản hoàn thiện các chức năng, đáp ứng được mục tiêu giám sát tự động các thông số về khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai
Với lĩnh vực đất đai, thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thể chế hóa trong các quy định tại Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn Luật để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.Cụ thể như sau:
Đối với kiến nghị nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi quy định Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhận thế chấp là quyền sử dụng đất của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu và bổ sung quy định đối tượng là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật tại Điều 35; tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm được quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam tại Điều 36. Hiện nay, Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tóm lại, các kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đảm bảo công tác quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày càng tốt hơn, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ngoài ra, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tài nguyên và môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển và minh bạch nền tài chính quốc gia./.