Khoảng trống tư vấn học đường

Mạnh Hà 05/11/2017 07:30

Tư vấn học đường là vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục. Song công tác này từ lâu gần như bỏ ngỏ. Mới đây, tại hội thảo xây dựng phòng tham vấn học đường, Phó giám đốc GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng cần phải có một nơi trong trường học để học sinh tìm đến chia sẻ rắc rối và được hỗ trợ tâm lý.


Việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường trong các trường học đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học sinh Ảnh minh họa.

Xóa bỏ rào cản
Chị bạn tôi mới đây chia sẻ chuyện cô con gái đang ở tuổi 13 - 14, đang gặp trục trặc trong chuyện tình cảm bạn bè. Cô bé có chia sẻ với mẹ và tất nhiên người mẹ đã đưa ra một số lời khuyên. Tuy nhiên, chị khá lo lắng khi thấy con gái không thực sự thoải mái với những tư vấn của mẹ.

Hiểu vấn đề của con, chị đã khuyên con đến phòng tham vấn tâm lý của trường để tham khảo cách ứng xử cho phù hợp. Thế nhưng, cô bé lắc đầu, tỏ ra vô cùng e ngại, thậm chí nói thẳng rằng hầu như bạn nào đến phòng tham vấn tâm lý cũng bị bạn bè dị nghị, soi mói. Ngoài ra các bạn cũng ngại người tư vấn không giữ được bí mật chuyện mình đang lo lắng, băn khoăn hoặc họ sẽ không thực sự hiểu được vấn đề mình gặp phải.

Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi học sinh phổ thông, đặc biệt là THPT, giai đoạn có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có nhiều trăn trở, suy tư, lo lắng về tâm lý, tình yêu, giới tính, sinh sản, hướng nghiệp… trong khi nhận thức của các em còn hạn chế, cộng thêm dễ bị dao động, tổn thương thì tiếc là gia đình và trường học lại chưa trở thành chỗ dựa. Ngoài ra, lứa tuổi học sinh nhìn chung rất coi trọng mối quan hệ tình bạn, nên khi có vướng mắc thường tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bạn bè vì nghĩ cùng trang lứa, có những đặc điểm tâm lý tương đồng, có nhiều nỗi băn khoăn tương tự nên dễ sẻ chia tâm sự. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề của cuộc sống mà các bạn bè cùng trang lứa không có kiến thức và kinh nghiệm để cho những lời khuyên xác đáng nên thường không giải quyết được dứt điểm hoặc đi sai vấn đề. Vì thế rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là phòng tham vấn tâm lý học đường.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), có 2 nguyên tắc trong tư tư vấn cho học sinh là bí mật và tin tưởng. Nếu không đảm bảo hai yếu tố này khó thu hút học sinh. Thực tế hiện nay phòng tư vấn dường như còn thiếu độc lập với nhà trường và phụ huynh, mối quan hệ giáo viên và học sinh còn chưa thực sự hài hòa. Nếu các em đến phòng tư vấn mà vẫn là giáo viên giảng dạy tiếp xúc hàng ngày, hay giáo viên lạnh lùng nói như công an : “Có vấn đề gì em cứ nói đi”… thì làm sao các em chia sẻ cho được”.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng) cho rằng, việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường trong các trường học đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học sinh, là một giải pháp trong việc xây dựng trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng. Song tại sao học sinh lại ngại đến phòng tham vấn để giải tỏa, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình? Ông Đoàn cho biết, theo kinh nghiệm cá nhân cũng như kết quả của những cuộc khảo sát nhỏ lẻ cho thấy khi học sinh có vướng mắc về tâm lý, các thầy cô giáo không phải là đối tượng ưu tiên hàng đầu để các em tìm đến nhợ trợ giúp.

Cùng quan điểm, vấn đề khó nhất hiện nay, theo ThS Bùi Thị Kiều- giáo viên tư vấn Trường THPT Marie Curie, là yếu tố con người. Bà Kiều cho rằng phải làm sao để học sinh tin tưởng tuyệt đối khi tìm đến phòng tư vấn. Để đưa phòng tư vấn tâm lý đến gần hơn với học sinh theo bà Kiều, chúng tôi khẳng định với các em rằng mọi thông tin các em đưa đến phòng tư vấn sẽ được đảm bảo đến 99%. Còn 1% là trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến sự an toàn của các em thì buộc phải thông báo đến gia đình. Việc này giáo viên cũng sẽ trả trao đổi và lắng nghe ý kiến của các em. Đã có những học sinh tìm ra hướng đi từ những giải đáp hiệu quả ở phòng tư vấn nhưng tỉ lệ chưa nhiều.

Giải pháp gỡ khó

TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho hay, học sinh ở bậc THCS, THPT là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, các em rất rắc rối, phức tạp, dễ bị kích động, tổn thương. Quá trình này nếu gia đình và nhà trường chưa phải là chỗ dựa về tinh thần cho các em thì trẻ sẽ xu hướng tìm đến nguồn tư vấn từ bạn bè, mạng internet, các nguồn thông tin không đảm bảo với rất nhiều nguy cơ như bị xâm hại tình dục, bị lôi kéo sa vào tệ nạn hay vi phạm pháp luật. Các em với biết bao khúc mắc cần được giải đáp kịp thời, trong khi tư vấn học đường lại là một khoảng trống lớn.

Khó khăn trong công tác tư vấn học đường, về phía các nhà trường, theo TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM lâu nay mục đích cao nhất ngành giáo dục vẫn tập trung hết cho việc học kiến thức. Còn các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa để các em trải nghiệm cuộc sống còn rất hạn chế.

Lấy dẫn chứng sự việc ở trường THCS Trường Yên (huyện Chương Mỹ - Hà Nội), ngày 7-10 vừa qua nhóm nữ sinh đã đánh hội đồng, phanh áo một bạn nữ trong lớp chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, những vụ việc này, nếu học sinh được tư vấn kịp thời sẽ giảm đáng kể cảm xúc tiêu cực dẫn đến hành vi sai trái.

Ông Tiến phân tích, học sinh khi bắt đầu đến trường là có những quan hệ ngoài gia đình. Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng nhiều và phức tạp. Do chưa có hiểu biết, kinh nghiệm ứng xử, học sinh rất dễ bị tổn thương, không biết xử trí thế nào là đúng sai và có thể chọn hành vi sai lệch, vì vậy rất bức thiết có một nơi trong trường học để học sinh tìm đến chia sẻ rắc rối đang gặp phải và được hỗ trợ tâm lý.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, không có biên chế riêng cho cán bộ làm tư vấn học đường. Các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác này và tính thêm số tiết. Ông Tiến trăn trở, dù cố gắng bố trí giáo viên kiêm nhiệm tham vấn học đường nhưng do không có chuyên môn tâm lý giáo dục nên hiệu quả của phòng tham vấn sẽ không cao. Ở THCS giáo viên dạy Giáo dục công dân có vẻ phù hợp nhất, nhưng thực tế hầu hết thầy cô dạy môn này đều làm tay trái, quá hiếm giáo viên dạy đúng chuyên môn.

Phân tích về vấn đề này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng đội ngũ giáo viên chuyên trách lẫn không chuyên ở các trường học chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì chưa biết cách gợi mở, chuẩn đoán tâm lý, trị liệu phù hợp nên hiệu quả tư vấn, tham vấn chưa cao, học sinh chưa tin tưởng. Trong khi đó, tình trạng học sinh đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trục trặc về đời sống tâm lý, bạo lực học đường gia tăng, cho thấy yêu cầu cấp thiết thành lập phòng tư vấn, tham vấn học đường và tính chuyên nghiệp của giáo viên làm công tác này.

Bài toán này xem ra chưa có cách giải hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống tư vấn học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO