Làm việc ở Nhật Bản

Lam Phương 28/08/2016 00:41

“Với mức lương của một điều dưỡng viên khoảng 50 triệu đồng/tháng, tôi phải sống rất tiết kiệm, hạn chế những chuyến du lịch, vui chơi nên mỗi tháng dành dụm được từ 15-20 triệu đồng. Thế nhưng, để đạt được mức lương đó không hề đơn giản, đặc biệt là kỳ sát hạch tiếng Nhật”- chị Ngọc Hương, điều dưỡng viên làm việc tại một bệnh viện ở vùng Miyakonojo, Miyazaki (Nhật Bản) chia sẻ.

Các thực tập sinh làm việc ở Nhật Bản sẽ có 1 tháng để tìm hiểu về công việc, tác phong, an toàn lao động.

Quan trọng nhất là phải nói được tiếng Nhật

Theo lời của chị Bình, một nhân viên sang Nhật theo diện xuất khẩu lao động hiện đang làm việc tại tỉnh Saitama, nằm ngay phía Bắc Tokyo, thì để làm việc được Nhật Bản không dễ dàng như tại các nước sử dụng tiếng Anh. Một yêu cầu tối thiểu đó là bạn cần trang bị cho mình khả năng tiếng Nhật tương đối, ít nhất là phải đủ để giao tiếp.

Nhiều người do chủ quan, bỏ qua yếu tố này nên gặp không ít khó khăn trong trong việc hòa nhập với cuộc sống ở đây. Bởi ở Nhật không ai bỏ tiền ra thuê một người hoàn toàn không biết tiếng để làm việc cho họ cả.

Sang đây được 2 năm, mặc dù ở nhà đã có chút vốn liếng tiếng Nhật sau một khóa đào tạo, thế nhưng chị Bình bảo vốn liếng ấy như muối bỏ bể. Ở đây, từ biển hiệu ngoài đường, giá cả niêm yết đến hướng dẫn sử dụng sản phẩm đều chủ yếu bằng tiếng Nhật.

Nhiều lúc có cảm giác bất lực vì mọi thứ mình đều không hiểu, không biết. Thế nhưng, bù lại những nét tương đồng về văn hóa, sự thân thiện của người dân là những tình cảm vô cùng đáng quý.

Còn chị Thảo, một du học sinh làm thêm tại một bệnh viện dưỡng lão ở Miyakonojo-shi, Miyazaki thì “làm việc ở đây mình như được “ép” trong khuôn khổ của kỷ luật và trách nhiệm”. Người Nhật làm việc rất đúng giờ, có quy tắc. Nếu đến muộn, làm sai thì không thể đưa ra bất cứ lý do gì thanh minh.

Nhưng bù lại họ luôn đánh giá cao chất lượng công việc nếu làm tốt và tạo điều kiện tối đa cho những người mới. Các thực tập sinh sẽ có 1 tháng để tìm hiểu về công việc, tác phong, an toàn lao động... Sau một tháng, những kiến thức trang bị được đủ để cho bạn làm một nhân viên rất chuyên nghiệp.

“Lúc đầu mình coi đó là lối làm việc hà khắc, gò bò, nhưng khi bắt nhịp được thì lại cảm thấy học hỏi được rất nhiều từ tác phong làm việc của người Nhật. Họ rèn cho mình một tư duy mới nghiêm túc, nề nếp và kỷ luật. Đó có lẽ cũng là vốn liếng quý báu cho quá trình đi làm sau này, ở bất cứ nơi đâu”- theo chị Thảo.

Lương của điều dưỡng viên, hộ lý tại Nhật Bản theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường là 130.000 - 150.000 yên/tháng (tương đương 1.300 - 1.500 USD/tháng).

Ngoài ra, điều dưỡng viên được dự thi mỗi năm một lần, hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, họ sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý và được phép ở lại làm việc dài hạn. Khi này, mức lương của hộ lý và điều dưỡng viên mới có thể lên tới 270.000 - 300.000 yên/tháng (tương đương 2.700 - 3.000 USD/tháng).

Không dễ thích nghi

Trong nhiều ngành nghề được chọn khi sang làm việc tại Nhật Bản thì nghề điều dưỡng viên phổ biến hơn cả. Theo chị Ngọc Hương, lương trung bình của một điều dưỡng viên có thâm niên dao động vào khoảng hơn 200.000 yên/tháng (45 triệu đồng).

Nghe thì thấy số tiền này có vẻ rất cao, thế nhưng ở Nhật Bản mọi chi phí đều rất đắt đỏ cộng với rất nhiều khoản khác phải đóng, như phí bảo hiểm khoảng 6 triệu đồng, thuê nhà khoảng 4 triệu đồng, chi phí đi lại khoảng 2 triệu đồng rồi còn tiền ăn uống, điện nước… Phải rất chắt chiu mỗi tháng mới tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng gửi về quê.

Thường người lao động sẽ được các xí nghiệp bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt gần với địa điểm làm việc. Tuy nhiên hàng tháng vẫn sẽ bị khấu trừ các khoản tiền này vào tiền lương, có rất ít công ty hỗ trợ 100% phí nội trú cho lao động.

Theo kinh nghiệm của chị Hương, ở Nhật nếu thuê nhà gần ga tàu điện thì giá rất cao và ngược lại. Nếu muốn ở gần trung tâm, nhưng lại muốn tiết kiệm tiền một chút, thì có thể thuê cách xa ga tàu điện khoảng 15-20 phút.

Có giá như vậy là bởi ở đây, chỉ cần bước lên xe buýt là ít nhất phải mất 15 yên/tuyến (30.000 đồng), chưa kể tuyến xa giá sẽ đắt hơn gấp nhiều lần. Hay như vào khu vui chơi giải trí cũng phải mất tới 500 yên (1 triệu đồng). Như vé vào cửa công viên Universai ở Osaka là 1,3 triệu đồng.

Ở đây đồ ăn thức uống rất đắt, bù lại thực phẩm an toàn và tươi ngon. Ở Nhật, việc người ta có thể ăn được rau sống ngay tại ruộng là chuyện bình thường. Vì nguồn thực phẩm an toàn nên kể cả người bán hàng rong ngoài đường họ cũng sẵn sàng dán mã số để kiểm soát an toàn. Tức là họ dám khẳng định đó hàng của họ tuyệt đối an toàn. “Đúng là tiền nào của ấy”- chị Hương bảo vậy.

Cuộc sống, học tập và làm việc ở Nhật là như thế. Quy tắc, trách nhiệm và tự giác. Thế nên có bạn trẻ những ngày đầu tiên sang đây đã khóc lóc và nói rằng nếu biết thế này thì đã không sang vì cứ nghĩ rằng sang Nhật sẽ sướng lắm, đi học rồi đi làm dễ dàng và kiếm được nhiều tiền phụ giúp gia đình.

Nhưng thực tế không đơn giản chút nào nếu bạn không biết thay đổi và thích nghi. Chỉ đơn cử như việc khi xếp hàng ở Nhật Bản, do vội vã bạn đã chen ngang, bạn sẽ bị xử lý theo pháp luật. Khoản số 13, điều 1 luật “phạm tội nhẹ” chỉ rõ: Căn cứ vào tình tiết nặng nhẹ của hành vi chen ngang khi xếp hàng, người vi phạm có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 1 triệu yên (tương đương khoảng 200 triệu đồng), thậm chí bị giam giữ trong 24 tiếng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm việc ở Nhật Bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO