Phải tính đến tái tạo nguồn nước

Thu Hương 19/03/2016 00:18

“Đổi mới công nghệ gắn với sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả” là chủ đề của hội thảo do Cục Quản lý Tài nguyên nước, (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 18/3.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, nguồn nước có hạn, nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước có chiều hướng gia tăng; tăng trưởng kinh tế nhanh, đời sống người dân ngày càng cao khiến cho nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng trong khi nguồn nước có hạn và hiệu quả sử dụng nước còn thấp.

Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng lượng nước chủ yếu được hình thành từ nước ngoài chảy vào, lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước trên toàn lãnh thổ. Nước dưới đất dù có tiềm năng khá lớn, ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.

Tuy có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích lưu vực sông lớn nhưng Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4.000m3/năm khi lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3/năm.

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý của mỗi quốc gia. Ảnh: TL.

“Vấn đề hài hoà lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước ở thượng lưu và hạ lưu, tính cạnh tranh trong khai thác sử dụng nguồn nước ngày càng tăng, đặc biệt là sử dụng nước ở thượng lưu và hạ lưu các sông lớn có hồ chứa thuỷ điện”. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng nước phía thượng lưu của các sông liên quốc gia hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của Việt Nam - ông Lê Hữu Thuần nêu vấn đề.

Tại hội thảo, các đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà sản xuất đã chia sẻ nhiều biện pháp, cách làm hay để nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc truyền thông nâng cao ý thức sử dụng nước của mỗi người dân bằng những hình ảnh, dẫn chứng cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình quản lý, nhiều công trình nghiên cứu và thực tiễn về sử dụng, tái tạo nguồn nước đã được đề cập.

Về mặt quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị cần đưa chính sách về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tiếp tục nghiên cứu đưa công nghệ mới tiết kiệm nước chưa được sản xuất trong nước vào ứng dụng tại Việt Nam.

Sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt

Nói về các xu hướng công nghệ trên thế giới góp phần sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả, PGS.TS Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết:
Theo chỉ số phân loại sáng chế quốc tế IPC, hiện nay, trong các hướng nghiên cứu về xử lý nước thải công nghiệp thì xử lý nước thải công nghiệp bằng các phương pháp lý hoá nói chung chiếm tỷ lệ cao nhất 34,7%, sau đó là xử lý nước thải công nghiệp bằng cách phương pháp sinh học 18,9%, xử lý nước thải công nghiệp qua nhiều giai đoạn 13,9%...
Về hướng nghiên cứu cụ thể ở Việt Nam, thời gian tới cần tập trung vào phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển. Hướng nghiên cứu thứ nhất tập trung vào tạo và phát triển các công nghệ nhằm tái tạo, tái sử dụng và giảm thiểu việc sử dụng nước ngọt cho tưới, sinh hoạt và sản xuất năng lượng nói riêng, cho sản xuất nói chung. Hướng thứ hai là phát triển các công nghệ giá thành thấp để tách muối, lọc mặn nước biển thành nước ngọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải tính đến tái tạo nguồn nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO