Siết chặt quản lý đường thủy nội địa

Lê Bảo 09/03/2017 09:36

Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển vận tải thủy nội địa. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa.

Chồng chéo quyền trong quản lý

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định về quản lý đường thủy nội địa và cảng, bến thủy nội địa vừa được Bộ GTVT chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác đường thủy nội địa, cảng bến thủy nội địa, trong đó có 17 văn bản là thông tư do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Các văn bản trên đã quy định cụ thể từng nội dung liên quan đến quản lý, xây dựng, khai thác các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Việc ban hành nhiều thông tư của Bộ GTVT để điều chỉnh một số hoạt động quản lý, khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông cũng có những thuận lợi, tạo sự linh hoạt trong việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Tuy nhiên do có nhiều văn bản điều chỉnh hoạt động trong một lĩnh vực, nên mỗi văn bản chỉ điều chỉnh một nội dung. Đơn cử như Nghị định số 24/2015/NĐ-CP quy định về hành lang bảo vệ luồng, Thông tư số 15/2016/TT-BGTVT quy định về quản lý đường thủy nội địa, nhưng chỉ điều chỉnh về luồng tuyến; Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; Thông tư số 73/2011/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam... Do đó khi triển khai thực hiện sẽ gặp khó khăn trong việc tra cứu văn bản và thực hiện không triệt để.

Phân cấp quản lý

Từ thực tế cũng cho thấy, một trong những bất cập lớn nhất trong hoạt động đường thủy nội địa chính là khâu quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: cơ quan cấp phép lại không có thẩm quyền xử phạt; cơ quan quản lý toàn diện hoạt động đường thủy nội địa lại không phải là cơ quan cấp phép; có nhiều cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động đường thủy nội địa (cơ quan quản lý xây dựng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải…) dẫn đến nhiều hoạt động chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, khiến cho việc quản lý hoạt động bến thủy nội địa chưa hiệu quả.

Về vấn đề này, trong báo cáo tác động chính sách gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ GTVT cũng thừa nhận trong hoạt động quản lý xây dựng và khai thác đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa hiện nay có nhiều cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, cấp phép hoạt động.

Việc phân cấp quản lý đối với từng công trình (theo nhóm dự án) hoặc theo tính chất tác động của công trình là cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua việc cho ý kiến, cấp giấy phép hoạt động của một số công trình còn thiếu thống nhất, điển hình là việc cho ý kiến, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Để giải quyết những bất cập, hạn chế trên, tại Dự thảo Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất hai phương án. Phương án 1: Hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa sẽ giao cho Sở Giao thông - Vận tải thực hiện; Phương án 2: Hoạt động cấp giấy phép bến thủy nội địa giao Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc địa phương thực hiện.

Đánh giá tác động hai phương này Ban soạn thảo cho rằng phương án 2 là giải pháp phù hợp với thực tiễn vì phương án này sẽ tạo điều kiện thuận cho chủ bến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt quản lý đường thủy nội địa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO