Trách nhiệm của báo chí với đất nước, xã hội

Hoài Vũ (thực hiện) 21/06/2019 19:00

Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. 94 năm qua nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng, của nhân dân vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo lại càng phải có bản lĩnh, giữ vững vai trò định hướng thông tin và quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân.

Trách nhiệm của báo chí với đất nước, xã hội

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai và đại biểu Tôn Ngọc Hạnh.

Nhưng làm sao để báo chí đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân và có trách nhiệm với xã hội? ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang); ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước); ĐB Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Trà Vinh; ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh; ĐB Dương Trung Quốc đã dành cho ĐĐK một cuộc thảo luận về vấn đề này.

Nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện qua báo chí

PV: Thưa các vị đại biểu, các vị nhìn nhận và đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của báo chí trong thời gian qua, nhất là trước các vấn đề nóng của xã hội?

ĐB Nguyễn Mai Bộ: Tôi khẳng định báo chí là một kênh cực kỳ hữu hiệu khi phản ánh những sự kiện có thật của xã hội. Vai trò của báo chí trong đấu tranh đối với hiện tượng sai trái rất hữu hiệu. Rất nhiều vụ án lớn nhờ báo chí phản ánh nên các cơ quan tố tụng vào cuộc và đưa ra ánh sáng những vụ án như thế. Quả thực hoạt động của báo chí trong thời gian qua rất tích cực và rất có giá trị. Nếu báo chí cứ tiếp tục vào cuộc như thế, tôi cho rằng sẽ tạo áp lực rất lớn đối với những ai có hành vi vi phạm pháp luật. Họ buộc phải dừng lại, nếu không dừng sẽ bị xử lý; cho nên tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong phản ánh xã hội, nhất là những vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

ĐB Tăng Thị Ngọc Mai: Trong những năm gần đây vai trò của báo chí ngày càng được đề cao nhận được sự quan tâm của mọi người. Khi xã hội phát triển song song với sự phát triển của công nghệ, người dân càng quan tâm nhiều hơn tới báo chí và báo chí tác động trở lại mạnh mẽ tới đời sống xã hội, kinh tế, kể cả những mặt tốt và mặt chưa tốt. Có việc báo chí làm rất tốt hiện nay là chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy: Là một ĐBQH tôi thấy rằng, những thông tin báo chí phản ánh cộng với thông tin của người dân làm cho các ĐBQH cảm thấy đang đi cùng nhịp sống của nhân dân. Những vấn đề nóng từ trong cuộc sống được báo chí thông tin, ĐBQH lấy thông tin đó để tranh luận trên nghị trường Quốc hội.

Thông tin phải chính xác, khách quan

Tuy nhiên trong phản ánh các vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của xã hội ví dụ như dịch bệnh, hoa quả bị ngâm hóa chất, tình trạng hàng giả thì dù báo chí phản ánh là đúng nhưng không khéo, cũng có lúc tác động tiêu cực ảnh hưởng tới người nông dân, làm thiệt hại tới nền sản xuất. Cá nhân các vị có suy nghĩ gì về phản ánh của báo chí qua các vụ việc trên?

ĐB Nguyễn Mai Bộ: Tôi nghĩ trước các vấn đề nóng, báo chí cần thận trọng trong quá trình đưa tin và cần hiểu rõ bản chất. Ví dụ trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, chưa phân biệt rạch ròi thì báo chí không nên “định tội”. Như vậy là làm khó cho cơ quan pháp luật. Tôi đã có 27 năm làm công tác xét xử, có nhiều vụ nghiên cứu hồ sơ cả 3 tháng mà chưa biết là tội danh gì, còn phân vân mà báo chí định hướng luôn là “tội này, tội kia”. Như vậy là chưa đủ chứng cứ. Vì điều tra vụ án như “đào sắn dây”, hôm nay khởi tố vụ án thế này nhưng mai điều tra ra được các chứng cứ khác thì nó lại là tội khác.

Khi báo chí phản ánh và bình luận luôn là tội này tội kia, đến lúc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án xét xử là một tội khác dư luận xã hội lại hiểu sai đi. Vì thế, báo chí đưa tin không khéo sẽ gây những ảnh hưởng lớn tới vấn đề an ninh quốc gia. Làm nghề báo suy cho cùng cũng là làm công tác bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Cho nên nếu tất cả đều vì một cái chung, thiện chí sẽ tốt hơn. Vì vậy, tôi nghĩ, trong đưa tin, báo chí cần hết sức thận trọng. Cũng như ĐBQH vậy, khi phát biểu ở góc độ chức năng là phản ánh mà quá sa đà vào câu chuyện “tố cáo” thì lúc đó lại sang vai trò là “công dân đi tố cáo” rồi. Mỗi người ở vị trí nào mình phải đứng cho đúng vị trí ấy sẽ tạo có tác dụng hữu hiệu cho sự phát triển chung của đất nước, của xã hội.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh: Báo chí phải làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, phản ánh trung thực bức tranh chung của kinh tế - xã hội đất nước. Tốt nói tốt, có hạn chế bất cập thì nói đúng bản chất, không nên bình luận làm sai bản chất của vấn đề. Bất kỳ một sự việc cụ thể nào cũng vậy, nếu phản ánh đúng bức tranh thực tế cuộc sống thì mọi người đều đồng tình hưởng ứng rất cao. Còn đưa tin không đúng với bản chất của vấn đề thì xã hội họ cũng nhận diện ra và uy tín của cơ quan báo chí đưa thông tin không đúng bản chất cũng bị ảnh hưởng.

Báo chí có vai trò như trung gian trong xã hội, nên cần khách quan để phản ánh sự thật trong xã hội, trong từng vụ việc cụ thể. Như tại hội trường Quốc hội khi thảo luận các vấn đề, đang còn nhiều ý kiến khác nhau, mỗi ĐBQH có những góc nhìn khác nhau do cách tiếp cận và hoạt động thực tiễn của mỗi người là khác nhau. Cũng chưa chắc họ đã sai vì dưới góc nhìn của họ thì họ coi là đúng, nhưng có thể góc nhìn đó chưa toàn diện nên mới có các luồng ý kiến khác nhau. Không phải vì thế mà ĐBQH đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước, hay đi ngược lại sự phát triển của đất nước. Vì mong muốn của người đại biểu dân cử là đại diện cho dân, đại diện cho đất nước, mục tiêu cuối cùng là mong muốn đất nước phải phát triển, phải đại diện được cho lợi ích của người dân. Bởi tranh luận là để đi đến cùng, đi đến những điều tốt đẹp nhất.

Trong những trường hợp ấy, quan trọng là cơ quan báo chí phải làm tốt vai trò cầu nối trung gian giữa ĐBQH với người dân, với cử tri để tránh sự hiểu nhầm, hiểu không đúng. Như vừa qua khi Quốc hội thảo luận về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì báo chí đưa tin rằng ĐBQH không đồng tình với việc cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, đồng nghĩa với việc được uống rượu bia khi lái xe. Như vậy là hiểu sai rồi. Thông lệ quốc tế là cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông chứ không cần đo nồng độ cồn. Nhưng ở nước ta cơ chế mở, các ĐBQH còn đang băn khoăn một chút về truyền thống văn hóa của mình trong quá trình uống, sử dụng rượu bia trong khi luật muốn nâng cao mức độ, tính khả thi. Bước đầu quy định này chưa làm được nhưng khi có khung pháp lý, từng bước tổ chức triển khai có thể làm được. Nếu báo chí hiểu không trúng, lại giật tít càng làm cho người dân hiểu sai đi, làm sai lệch đi vấn đề, như vậy là không tốt.

ĐB Tăng Thị Ngọc Mai: Tôi cho rằng những thông tin đưa ra phải chính xác, chứ thông tin không đúng làm mất danh dự của người này hay doanh nghiệp kia. Ví dụ như vụ muối i ốt trong bột nêm Hải Châu làm cho người tiêu dùng hoang mang, còn doanh nghiệp bị thiệt hại. Hay vụ nước mắm cũng vậy. Chúng ta nên phản ánh sao cho đúng việc, đúng người, đúng trách nhiệm; có như vậy mới làm trong sạch, làm cho nền báo chí nước ta phát huy được vai trò của mình và tôn vinh giá trị cao đẹp ngành của mình.

Trách nhiệm của báo chí với đất nước, xã hội - 1

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ và đại biểu Dương Trung Quốc.

Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Vậy theo các vị, làm sao phát huy vai trò của báo chí, để báo chí đóng góp chung trong sự phát triển của đất nước, của xã hội?

ĐB Nguyễn Mai Bộ: Cái này đến từ hai phía. Đó là các cơ quan tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, theo Luật Tiếp cận thông tin anh phải cung cấp các thông tin đúng sự thật. Thứ hai về phía báo chí phải phản ánh thông tin đúng bản chất sự kiện. Do đó sự hợp tác vô cùng quan trọng. Đặc biệt các cơ quan công quyền phải có chế độ họp báo; còn phía báo chí khi phát hiện ra sự việc nào đó thì cũng cần chủ động liên hệ. Nhưng đáng tiếc rằng qua một số sự việc vừa qua có tình trạng “né” báo chí cho nên cơ quan công quyền cần cải thiện để tránh tình trạng này.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh: Chúng ta phải tuyên truyền các tấm gương người tốt việc tốt và nhiều mô hình hay. Trong xã hội đang phát triển bao giờ cũng có cái tốt, cái xấu đan xen. Trong cuộc sống luôn luôn có sự tương tác, nên báo chí cần tăng cường phản ánh các mô hình, tấm gương người tốt; cần tuyên truyền mạnh trong xã hội để những tấm gương ấy được nhân rộng, nhân dân hưởng ứng và phát huy được phong trào thi đua góp phần phát triển đất nước. Nếu báo chí tuyên truyền quá nhiều gam màu tối, xấu sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của xã hội, ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến tâm lý chung. Chúng ta không tuyên truyền quá mức làm cho cái gì cũng tốt và màu hồng cả; nhưng phải phân tích hai chiều, phản ánh đúng thực trạng bức tranh chung của xã hội, từng lĩnh vực, từng nội dung cụ thể.

ĐB Tăng Thị Ngọc Mai: Theo cơ chế thị trường, báo chí đã làm tốt vai trò của mình nhưng bên cạnh đó vẫn còn những điều báo chí chưa làm tốt; như chưa phát huy những mặt tốt, chưa nêu được nhiều những gương tốt. Có người có 10 điểm tốt, 1 điểm xấu nhưng chỉ đưa điểm xấu lên thay vì đưa các điểm tốt của người ta như thế là không nên.

Báo chí muốn có nhiều độc giả nên thường hay nêu các vấn đề giật gân; nhưng không nên vì thế mà đưa quá nhiều. Ví dụ các vụ giết người, miêu tả chi tiết một vụ án, báo này nêu, báo kia nêu, theo tôi không hay lắm. Do đó các báo cần hoạt động đúng theo tôn chỉ mục đích của mình. Con người Việt Nam vẫn rất tình cảm, nhân văn, nhân ái, văn minh, nghĩa tình, và yêu thương đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tại sao những cái tốt đó chúng ta không nêu? Từ năm 1975 đến nay, nước ta phát triển rất tốt, đó là nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân chung sức mới có được ngày hôm nay, mới có được sự phát triển này. Chúng ta nên thông tin việc tốt để hấp dẫn mọi người hơn là thông tin việc xấu.

ĐB Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trước tiên báo chí phải hoạt động theo đúng khuôn khổ của pháp luật. Hoạt động theo đúng chức năng của mình mới truyền tải được vấn đề của xã hội, nó chính là yếu tố cầu nối giữa Nhà nước-người dân. Trên thực tế nhiều vấn đề của đời sống, nhờ báo chí mà Nhà nước có thể điều hành tốt hơn trong quá trình thực hiện cũng như phát hiện ra được những sai sót, tiêu cực trong xã hội, tham nhũng. Lâu nay chúng ta hay đề cập đến người viết báo nhiều hơn mà chưa quan tâm đến người làm báo trong đó các Tổng Biên tập có vai trò hết sức quan trọng. Báo chí gần như là người tiên phong, đột phá tạo ra sự chú ý, dư luận xã hội, thu hút các cơ quan nhà nước tham gia. Nhưng hiện nay cũng có tiêu cực chính trong hoạt động báo chí, có thể có tiêu cực do trình độ, có những cái do chủ ý. Báo chí là lĩnh vực rất nhạy cảm cho nên cũng là nơi dễ bị tác động theo ý đồ nào đó vì nó cũng có lợi ích nhóm của nó cho nên cũng phải khắc phục những tiêu cực trong báo chí.

Tôi cũng là người làm báo, là Tổng Biên tập một tờ báo nên có thể chia sẻ về những khó khăn về vai trò của báo chí. Nhưng tôi quan tâm làm sao cho báo chí phát triển lành mạnh và tích cực. Quan trọng nhất là phải phản ánh đúng. Ngay tôi cũng là nạn nhân của báo chí khi trả lời phỏng vấn. Vì văn nói và văn viết khác nhau, chưa kể trang báo có hạn, không thể truyền tải hết nội dung từ A đến Z được do đó khi “cắt gọt” ý kiến phải gửi lại cho người được phỏng vấn để xin ý kiến trước khi đăng vì “cắt gọt” không chính xác lại làm sai ý. Nhưng tiếc rằng có những trường hợp không thực hiện như vậy. Do đó nếu chúng ta tuân thủ tốt thì sẽ hạn chế được sai sót.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy: Là người phụ trách một tờ báo lớn của TP. Hồ Chí Minh là báo Người Lao động TP. Hồ Chí Minh tôi thấy báo chí đang gặp thách thức rất lớn, nhất là báo in vì đang có xu hướng ngày càng phải cạnh tranh với báo mạng. Đó là xu hướng tất yếu mà mình không thể nào cưỡng lại được. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí chính thống còn các trang thông tin xã hội, trang thông tin điện tử có những thông tin không chính thống và gần như được các nhóm và các “anh hùng bàn phím” dùng để đánh giá xã hội, cũng như cả hệ thống chính trị. Tôi cho đó là thách thức rất lớn đối với báo chí chính thống hiện nay.

Báo chí đã làm tốt công tác thông tin. Và tôi mong muốn báo chí chú trọng phản ánh những cái tốt đẹp của xã hội. Làm sao thực hiện được việc này, theo tôi, đầu tiên các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm túc. Trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt nhiều vụ đưa thông tin không đúng, sai sự thật, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và xử lý đối với trang mạng xã hội đưa thông tin không đúng, tạo dư luận xấu tới quần chúng nhân dân. Tôi đánh giá đó là bước đi đúng nhưng phải làm mạnh hơn nữa và có hệ thống hàng rào cản về mặt kỹ thuật để khi thông tin đó xuất hiện phải xử lý ngay, không để nó lan truyền rộng rồi mới xử lý.

Còn về các cơ quan báo chí cũng phải đưa thông tin về những mặt tốt đẹp trong đời sống, trong lao động sản xuất và phải thông tin hàng ngày để lan truyền và chia sẻ những thông tin đó tới tất cả mọi người. Các trang báo cần phản ánh về những tấm gương, hình ảnh đẹp trong đời thường để cho mọi người thấy được mọi góc cạnh tốt đẹp của cuộc sống. Có như vậy mới làm cho những cái đẹp lấn át các cái xấu, và chính các nhà báo là những cây viết hay nhất để xử lý những thông tin xấu, không tốt mà các trang thông tin khác đưa lên.

Để báo chí phát triển hơn theo tôi báo phải “đời” hơn, phải gần gũi hơn với thực tế, với đời sống. Bây giờ báo chí thường đưa nhiều thông tin tiêu cực, dù đó là phản ánh xã hội nhưng cũng phải có mức độ, và tôi thấy, cái nhìn cay nghiệt của nhà báo đối với cuộc sống nên bớt đi. Nên tăng cường đưa các thông tin tốt để nhân rộng các mô hình tốt lên.

Xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm của báo chí với đất nước, xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO