Trụ cột an sinh xã hội

Lê Bảo 11/04/2020 08:00

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành BHXH, không thể không nhắc tới vai trò của “nữ thuyền trưởng” Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh.

Trụ cột an sinh xã hội

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh kiểm tra hoạt động của hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” trước khi chính thức vận hành.

Vững lái “con tàu an sinh”

Luật BHXH được Quốc hội thông qua năm 2006 đã góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách BHXH, mở rộng đối tượng tham gia, thụ hưởng BHXH đến khu vực lao động phi chính thức... Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai, Luật BHXH đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập như độ bao phủ BHXH chưa đạt kết quả như kỳ vọng; tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến; một số quy định trong chế độ BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế … Trước những bất cập đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2006 được coi là giải pháp cấp bách nhằm hướng đến xây dựng một chính sách BHXH đa tầng, đáp ứng ngày một tốt hơn quyền an sinh xã hội cho mọi người dân.

Tháng 3/2014, bà Nguyễn Thị Minh -Thứ trưởng Bộ Tài chính chính thức nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngành BHXH. Đây là thời điểm mà những hạn chế, bất cập của Luật BHXH đang tác động lớn tới việc thực thi nhiệm vụ chính trị, đảm bảo quyền lợi an sinh cho Nhân dân. Giai đoạn này được đánh giá là giai đoạn Ngành BHXH đứng trước nhiều áp lực và thách thức. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Minh thì đó được xem là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời “công bộc vì Nhân dân” của mình.

Với chức năng quản lý nhà nước về BHXH, từ năm 2013, Bộ LĐTBXH đã chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam bắt đầu xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Nhận thấy, việc sửa đổi Luật BHXH lần này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện và củng cố chính sách BHXH cũng như tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách và cơ chế hoạt động của BHXH Việt Nam sau này theo hướng đảm bảo công bằng, bình đẳng, tối ưu hoá các quyền lợi cho người tham gia. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên được bà Nguyễn Thị Minh đặt làm trọng tâm khi tiếp nhận vai trò Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam là chỉ đạo toàn ngành chủ động, tích cực phối hợp với Bộ LĐTBXH hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Bộ luật.

Với vai trò của đơn vị tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bà Nguyễn Thị Minh đã trực tiếp tham gia cùng Tổ biên tập Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và các tổ công tác của Quốc hội tiến hành việc giám sát tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tại nhiều địa phương. Cùng với đó, các báo cáo kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, được biểu thị bằng những số liệu thực tiễn qua các năm, qua từng tháng, qua từng ngày đã được BHXH Việt Nam cung cấp đầy đủ, chi tiết cho Tổ biên tập, giúp Tổ biên tập có đánh giá một cách đầy đủ nhất về những tác động thực tiễn của từng chế độ BHXH, những bất cập còn tồn tại về mặt cơ chế, chính sách để đưa ra những giải pháp sửa đổi phù hợp cho giai đoạn tới.

Nhớ lại, ngay trong lần đầu tiên dự một phiên họp tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội liên quan đến Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bà Nguyễn Thị Minh đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn về những vấn đề hết sức nóng xoay quanh những điểm mới của Dự thảo Luật lúc bấy giờ. Chính những trả lời chất vấn thẳng thắn, “đúng và trúng” về những tồn tại mà trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHXH của ngành mà bà nêu ra tại phiên họp đã thực sự thuyết phục các đại biểu Quốc hội, góp phần củng cố mạnh mẽ về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật BHXH trong giai đoạn này.

Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Luật BHXH (sửa đổi) với nhiều điểm mới, mang tính đột phá cùng với các quy định liên quan đến việc xây dựng cơ chế, giải pháp bảo đảm tính tuân thủ pháp luật về BHXH. Nhưng để Luật thực sự đi vào cuộc sống, để người dân, doanh nghiệp và xã hội hiểu rằng chính sách BHXH là một trụ cột của hệ thống an sinh xã hội đã khiến người phụ nữ đứng đầu ngành BHXH lúc đó rất trăn trở. Với bao nhiêu tâm huyết, trách nhiệm, bà Minh tâm niệm rằng, để thay đổi được thói quen, suy nghĩ của người dân và doanh nghiệp về tính ưu việt của chính sách BHXH, hơn ai hết, trước tiên hệ thống BHXH phải tự mình đổi mới và hoàn thiện; phải thực sự chuyển đổi tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản lý lấy việc phục vụ tận tâm làm trọng, coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng để phụng sự.

Nghĩ phải đi đôi với làm, ngay khi Luật BHXH (sửa đổi) được ban hành, trong lúc Chính phủ và các ngành chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, bà Nguyễn Thị Minh đã quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống BHXH bắt đầu bước vào giai đoạn đổi mới. Luôn đặt người tham gia BHXH ở vị trí trung tâm, để thực hiện tổng rà soát các quy trình nghiệp vụ, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính không giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với cơ quan BHXH.

Thành công từ tầm nhìn đúng

Để có được những kết quả này, với tâm huyết và nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, phải kể đến việc “chuyển mình” đầy ngoạn mục trong của ngành BHXH. Coi công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp mũi nhọn, bà Minh đặt ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đưa thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH giảm mạnh, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục (giảm khoảng 90%); số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (giảm 60%). Nhờ đó, BHXH Việt Nam đã thực sự trở thành cơ quan thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông có hiệu quả trong “top” các bộ ngành đi đầu về lĩnh vực này, dần tạo được niềm tin và sự hài lòng của người tham gia, các doanh nghiệp và đơn vị có giao dich với cơ quan BHXH.

Trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, BHXH Việt Nam giữ vững vị trí số 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Với những nỗ lực đó, BHXH Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, người lao động và Nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng vào BHXH Việt Nam. Chính sách BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, đã dần trở thành điểm tựa an sinh vững chắc cho người lao động và Nhân dân. Để tạo dựng được niềm tin này, trong đó phải kể đến là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ ngành BHXH và sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, tận tụy của “nữ thuyền trưởng” Nguyễn Thị Minh.

Với những nỗ lực cống hiến đó của tập thể CCVC ngành BHXH và cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020” mới đây của ngành BHXH, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và ghi nhận những thành quả mà tập thể CCVC ngành BHXH nói chung cũng như cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đã đạt được trong 25 năm qua. Trong đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh và biểu dương BHXH Việt Nam, là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều kết quả nổi bật; một trong những đơn vị đi đầu có đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, Thủ tướng đã biểu dương Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh - người đứng đầu ngành BHXH đã có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt, sát sao, hiệu quả trong các hoạt động của ngành thời gian qua.

Để đạt được mục tiêu tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra đặt ra nhiều thử thách, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn; nguồn lực chính sách nhà nước còn hạn hẹp; thu nhập của đa phần người dân còn thấp và chưa ổn định; tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức ở mức cao; áp lực của việc già hóa dân số đối với hệ thống BHXH rất lớn; tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh về cơ cấu và quan hệ lao động... Song tin tưởng rằng, với những kết quả ngành BHXH đã đạt được trong 25 năm qua sẽ là “bệ phóng” vững chắc để toàn ngành BHXH tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chính trị mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, hoàn thành sứ mệnh phục vụ Nhân dân vì một nền an sinh bền vững của đất nước trong thời gian tới.

Kết quả là sau hơn 5 năm bắt tay vào việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH (sửa đổi), đến năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 16 triệu người (chiếm trên 32% lực lượng trong độ tuổi lao động); đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng số người tham gia gần 600.000 người (tăng gấp 10 lần so với kết quả 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện giai đoạn năm 2008-2018). Cũng trong năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt khoảng 243.000 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện đạt gần 2.400 tỷ đồng; số nợ BHXH giảm xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trụ cột an sinh xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO