Về chợ Ú mua trâu…

Điền Bắc 05/04/2020 08:00

“Ai về chợ Ú Đại Sơn/Mua con trâu mộng lập nên đại điền”, đó là câu ca lưu truyền trong dân gian về một phiên chợ độc đáo của xứ Nghệ. Từ lâu nay, chợ Ú xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) được biết đến là chợ trâu, bò lớn nhất nước. Điều kỳ lạ, mỗi tháng có tới 6 phiên họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 nhưng nguồn hàng trâu bò vẫn luôn dồi dào.

Về chợ Ú mua trâu…

Trời chưa sáng, chợ Ú đã họp

Đi chợ chọn trâu

Chợ Ú nằm tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương là chợ đầu mối nổi tiếng chuyên buôn bán trâu, bò. Từ đường N5, đoạn qua các xã Nghi Phương, Nghi Kiều của huyện Nghi Lộc hỏi đường về chợ Ú Đại Sơn, người dân ở đây ai cũng biết. Chợ họp ngay giữa ngã ba trung tâm xã. Đây là vị trí đắc địa thuận lợi cho việc đi lại. Từ đây, có thể ngược lên trung tâm huyện theo đường Khuôn -Trù - Đại, có thể đi qua Nghi Kiều (của huyện Nghi Lộc) theo đường N5 về Vinh, cũng có thể rẽ qua Yên Thành để ra Quốc lộ 7A. Chợ được di chuyển nhiều nơi, ban đầu trong chợ có đầy đủ các loại hàng hóa phục vụ dân sinh. Việc mua bán trâu bò được thực hiện trong những phiên chợ này.

Một lần, tình cờ chúng tôi đã chứng kiến phiên chợ Ú vào ngày nhóm họp cuối cùng của tháng. Theo người dân Đại Sơn, việc mua bán họp chợ diễn ra từ tinh mơ khoảng từ 4,5h sáng và kết thúc khoảng 10h trưa. Với năm giờ đồng hồ trao đổi, trả giá... hàng ngàn con trâu bò đã được trao cho chủ mới. Ai đã từng về Đại Sơn để chứng kiến phiên chợ Ú tập nập giao dịch buôn bán trâu bò, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên về một lối văn hóa rất riêng. Đầu tiên phải kể đến cái hay tại chợ Ú đó là người đi mua luôn thực hiện một công việc mà những người “sành trâu” mới biết, đó là xem tướng để chọn trâu. Theo kinh nghiệm, người mua kỵ nhất là loại “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu “tam trinh”, còn gọi là con trâu có 3 mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ 3. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”… là những con cần tránh hàng đầu khi lựa chọn. Loại trâu bò được ưa chuộng nhất có “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, là con tạp ăn, dễ nuôi.

Ngoài ra, việc chọn lựa giống trâu bò làm sức kéo của người nông dân được tiến hành hết sức cẩn thận. Trâu bò không chỉ là đầu cơ nghiệp, theo bà con, nó còn báo trước gia chủ gặp phúc hay họa. Người nông dân nào đi chợ cũng đều thuộc nằm lòng câu “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, đó là tiêu chí cần tránh hàng đầu. Nếu ai mua nhầm phải trâu bò “nghịch” thì sẽ phải “thẩm mỹ” cho nó để che mắt thiên hạ, nếu không được thì phải chịu bán giá thấp cho thương lái.

Theo nhiều thương lái tại chợ Ú, mua trâu bò tưởng chừng đơn giản, nhưng lại phải là những người có thâm niên, kinh nghiệm mới mua được trâu đẹp, bởi “mánh khóe” thẩm mỹ cho trâu, bò “nghịch” cũng thuộc dạng thượng thừa của người bán. Ngoài ra, các thương lái thường mua ồ ạt vào thời điểm gần tan chợ. Lúc đó, các chủ hàng đều mệt mỏi, những cái bụng căng tròn của trâu bò cũng đã bị lép xuống vì đói, việc mua bán diễn ra thuận lợi hơn và dễ kiếm lời hơn. Bên cạnh việc mua trâu, bò nuôi, tại chợ Ú còn bán cả trâu bò thương phẩm. Và loại trâu, bò này cũng có cách chọn khác nhau; thường là những con có lông to, cứng, da xù xì vì chúng nhiều thịt nhưng xương nhỏ.

Những con trâu, bò sau khi mua bán xong xuôi được chủ nhân đánh dấu hoặc viết chữ, số lên da để khẳng định sở hữu cũng như để không bị lạc. Phần lớn, số trâu, bò được các lái buôn đường xa đến thu mua rồi gom lại, sau đó đưa lên các xe tải chở đi các tỉnh phía Bắc bán.

Kiếm tiền từ chăn trâu

Theo những bậc cao niên tại Đại Sơn, chợ Ú có từ lâu lắm rồi, trước kia được họp tại một bãi đất trống, sau một mùa lúa người trong xã lại mang trâu bò ra trao đổi. Tiếng lành đồn xa, sau một thời gian dài người các địa phương khác khi muốn mua trâu, bò thường nghĩ ngay đến chợ Ú Đại Sơn.

Chính thức thì từ năm 1967 chợ Ú được thành lập và đi vào hoạt động. Chợ họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6,11,16,21,26 âm lịch với lượng trâu bò lên đến hàng nghìn con. Ngoài việc mua bán, tại chợ Ú người dân ở đây còn kiếm tiền bằng nhiều cách. Quá trình vận chuyển qua nhiều ngày nên trâu, bò bị bỏ đói và gầy đi, do đó các thương lái thuê người dân địa phương chăn thả trâu, bò để “hàng” béo tốt lên sẽ được giá hơn khi bán tại chợ.

Về chợ Ú mua trâu… - 1

Không chỉ trâu, bò cũng được bán khá nhiều.

Khi trâu, bò về đến nơi nhưng chưa đến ngày họp chợ, chủ hàng thường thuê người dân địa phương cho trâu ra đồng ăn cỏ. Dọc theo tuyến đường N5 (tuyến đường từ huyện Đô Lương về huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) dễ dàng nhận thấy hai bên đường khi đi qua địa phận xã Đại Sơn, có trâu bò chăn thả rất nhiều. Những con này được vỗ béo chờ ngày họp chợ. Từ đấy sinh ra cả đội “quản trâu”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, xóm 6, xã Đại Sơn- người đi vỗ béo trâu thuê cho các “đại gia” cho biết, mỗi ngày những người phụ nữ chăn trâu được trả công từ 200 đến 250 ngàn/ngày tùy theo từng đàn ít hay nhiều. Nếu thương lái nào thu mua được khoảng 50 con trở lên thì cần 3 người trông coi, tiền công cũng phải cao hơn. Vì thế, nhiều người phụ nữ, trẻ em chọn nghề “đòi trâu” - dắt trâu bò thuê.

Bà Phạm Thị Nhi, trú tại xóm 3, xã Đại Sơn cho hay, nghề này phải băng qua nhiều cánh đồng, do phải canh chừng không để trâu bò đi lạc đàn. Khi đã ổn định được bầy trên một cánh đồng nhất định, thì lại tìm bóng mát nghỉ ngơi, đợi chúng ăn no thì lùa về. “Cứ như vậy, cuộc sống của chúng tôi mưu sinh được cũng nhờ cái chợ Ú này”- bà Nhi nói.

Quả thật, nhờ chợ Ú, kinh tế của người dân trong xã Đại Sơn khá dần lên, diện mạo của xã Đại Sơn giờ đã thay đổi. UBND tỉnh Nghệ An đang có kế hoạch nâng cấp chợ lên thành trung tâm buôn bán trâu bò. Những năm trở lại đây, kinh tế Đại Sơn đã phát triển, có những xóm có đến 10 - 20 xe con các loại, điều kiện sống của người dân không chỉ bám mấy thửa ruộng như xưa mà còn kinh doanh thêm các ngành nghề dịch vụ, buôn bán trâu bò, chăn dắt, vận chuyển...

Ông Đặng Văn Toàn- Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, mỗi phiên chợ có khoảng 1.500 con trâu, bò được đưa đến chợ để giao dịch, mỗi phiên có khoảng 1.200 – 1.300 con được mua bán thành công. Phần lớn số trâu, bò sau khi mua bán được vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, một số đưa về các thành phố lân cận. Việc chợ Ú ngày càng nổi tiếng, đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương có thu nhập ổn định. Một phần cũng góp vào khoản thu cho địa phương thông qua việc thu phí mỗi con trâu, bò khoảng 1.500 đồng.

Người mua kỵ nhất là loại “trâu cười”, nghĩa là khi đêm đến dùng đèn soi vào mặt trâu thì nó nhe răng. Hai là trâu “tam trinh”, còn gọi là con trâu có 3 mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ 3. Ngoài ra, bò “bạch nhiệt” hay bò “đốm đuôi”… là những con cần tránh hàng đầu khi lựa chọn. Trâu bò không chỉ là đầu cơ nghiệp, theo bà con, nó còn báo trước gia chủ gặp phúc hay họa. Người nông dân nào đi chợ cũng đều thuộc nằm lòng câu “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, đó là tiêu chí cần tránh hàng đầu. Nếu ai mua nhầm phải trâu bò “nghịch” thì sẽ phải “thẩm mỹ” cho nó để che mắt thiên hạ, nếu không được thì phải chịu bán giá thấp cho thương lái.

Khi trâu, bò về đến nơi nhưng chưa đến ngày họp chợ, chủ hàng thường thuê người dân địa phương cho trâu ra đồng ăn cỏ. Dọc theo tuyến đường N5 (tuyến đường từ huyện Đô Lương về huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) dễ dàng nhận thấy hai bên đường khi đi qua địa phận xã Đại Sơn, trâu bò được chăn thả rất nhiều. Những con này vỗ béo chờ ngày họp chợ. Từ đấy sinh ra cả đội “quản trâu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về chợ Ú mua trâu…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO