Vì màu xanh cuộc sống

Đức Sơn 24/01/2017 09:00

Năm Bính Thân là năm “tổng tấn công” vào những điểm ô nhiễm môi trường. Đây cũng là năm nhiều hành động phá hủy môi trường bị phanh phui. Báo Đại Đoàn Kết cũng đã góp sức mình vào cuộc đấu tranh vì màu xanh cuộc sống. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân vẫn tìm đủ mọi cách xả thải trộm khiến cuộc chiến bảo vệ môi trường trở nên rất phức tạp.

Ảnh minh họa.

Muôn kiểu gây ô nhiễm

Thời gian qua qua công tác kiểm tra, kiểm soát, ngành chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các vụ việc điển hình gây ô nhiễm nguồn nước, sông, biển…do cố tình xả thải có chứa các hóa chất độc hại ra môi trường.

Điển hình đặc biệt nhất là sự cố nhà máy thép Formosa xả thải gây ô nhiễm nặng môi trường biển miền Trung, bị chính thức phát hiện tháng 4-2016 đã ảnh hưởng trực tiếp hàng nghìn người dân và các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, du lịch...

Cùng đó là nhiều sự cố môi trường khác như: sự cố vỡ hồ chứa bùn thải của nhà máy chì, kẽm của Cty CKC ở Cao Bằng; các sự cố cá chết xảy ra tại một số tỉnh thành như Đồng Nai, Thanh Hóa.

Sự kiện hàng trăm tấn cá chết ở Hồ Tây; vấn đề khiếu kiện, ô nhiễm môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Thái Nguyên; Cty TNHH Hapeco Hải Âu xả nước thải ra sông Lạch Tray (Hải Phòng)...

Đáng chú ý, riêng tại tỉnh Phú Thọ có hàng loạt doanh nghiệp âm thầm “đầu độc” sông Hồng hàng chục năm những không bị xử lý triệt để. Điển hình như Cty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Mặc dù đã bị các cơ quan chức năng cảnh cáo và xử phạt nhiều lần, tuy nhiên, nhiều chục năm qua, Cty Supe Lâm Thao vẫn xả thải chứa nhiều hóa chất độc hại, “đầu độc” sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Tháng 3/2016, Tổng cục Môi trường đã có Quyết định xử phạt số tiền hơn 440 triệu đồng đối với Cty Supe Lâm Thao về hành vi gây ô nhiễm môi trường... Cũng tại Phú Thọ, Cty TNHH MTV Pangrim Neotex (Cty Neotex) cũng vừa bị Tổng cục Môi trường xử phạt gần 500 triệu đồng vi hành vi xả nước thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.

Tương tự, Cty cổ phần Giấy Việt Trì, địa chỉ tại phường Bến Gót, TP Việt Trì (Phú Thọ) cũng vừa bị Tổng cục Môi trường gần 400 triệu đồng vì có hành vi xả nước thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.

Chính vì sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, trong cuộc Hội thảo “Bảo vệ môi trường, những vấn đề cấp bách” tổ chức cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã phát biểu rằng, sau hàng loạt vụ việc ô nhiễm đã xảy ra, nhất là sự cố môi trường biển ở miền Trung vừa qua, có thể nói ô nhiễm đã đến ngưỡng không thể “chịu tải”.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện cả nước có 283 KCN, 615 CCN, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe gắn máy, hơn 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thủy sản...

Hàng năm cả nước phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại.

Cam go cuộc chiến

Theo thống kê của các ngành chức năng, tính đến nay, cả nước có 283 KCN đang hoạt động, nhưng mới chỉ có 212 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Số còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, nhà máy nằm riêng lẻ tại khắp các tỉnh thành trong cả nước cũng vì lợi nhuận mà “quên” các biện pháp bảo vệ môi trường, cố tình xả chất thải, nước thải độc hại gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Được biết, mới đây, Bộ TN&MT đã thanh tra 137 cơ sở có nước thải trên 200m3 trở lên thì có ít nhất 60% cơ sở vi phạm hoặc có hạ tầng nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Nhận diện nguy cơ gây ô nhiễm cao, qua khảo sát Bộ Công thương đã đưa gần 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản vào diện phải giám sát đặc biệt.

Theo đó, các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Cty cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh; Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Cty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Cty DAP số 2, Cty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Cty Phân đạm Ninh Bình; Tổng Cty Thép Việt Nam: Cty cổ phần gang thép Thái Nguyên; Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng Cty may Việt Thắng; Tổng Cty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng...

Bộ Công thương đã có yêu cầu Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công thương và với Bộ TN&MT tổ chức các hoạt động giám sát đặc biệt với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo giải quyết dứt điểm, hiệu quả các tồn tại cũng như chấp hành nghiêm túc, đầy đủ pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2017.

Báo Đại Đoàn Kết trong cuộc chiến bảo vệ môi trường

Đồng hành cùng các ngành chức năng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, thời gian qua, báo Đại Đoàn Kết đã tích cực đấu tranh và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, báo Đại Đoàn Kết đã duy trì chuyên mục “Vì màu xanh cuộc sống” để phản ánh những vần đề liên quan đến môi trường. Nhiều bài báo đã công khai hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của đơn vị sai phạm.

Qua đó, góp phần tạo nên sức ép dư luận đối với ngành chức năng quản lý về môi trường và với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, ngành chức năng vào cuộc xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp đã dần ý thức được trách nhiệm của mình về việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường.

Có thể kể đến các trường hợp mà báo Đại Đoàn Kết lên tiếng và các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý như: trường hợp Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì (Phú Thọ). Nhà máy được xây dựng với mục đích xử lý thu gom, xử lý rác thải góp phần làm cho môi trường xanh, sạch. Tuy nhiên do quá tải và do thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường nên hàng chục năm qua, nhà máy rác này không ngừng gây ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh. Nằm giữa cánh đồng của bà con nông dân, Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì lại chọn phương pháp chôn lấp thô sơ để xử lý rác thải.

Quá tải nhưng không tìm ra cách xử lý, nhà máy đã chọn phương án cứ “vỡ” thì lại “vá”, nước thải tran ra đồng ruộng, mương máng khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sau khi báo Đại Đoàn Kết nêu sự việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo phản ánh. Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc kiểm tra, từng bước giải quyết sự việc.

Tương tự tại Nhà máy sắn Văn Yên thuộc Cty cổ phần Nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh tình trạng nhiều năm qua, nhà máy này xả hàng nghìn mét khối nước thải độc hại ra môi trường. Sau khi Báo Đại Đoàn Kết nêu sự việc, Tổng cục Môi trường đã vào cuộc kiểm tra phát hiện hành vi nhà máy này chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn và liên tục xả chất thải độc hại vượt quy chuẩn ra môi trường. Tổng cục Môi trường đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với nhà máy này với tổng mức tiền phạt là hơn 500 triệu đồng.

Bên cạnh sự vào cuộc xử lý kịp thời của một số địa phương thì cũng có nhiều nơi, ngành chức năng địa phương thờ ơ, không vào cuộc xử lý và nhiều đơn vị cố tình không khắc phục sai phạm.

Theo ngành chức năng nhận định, tình trạng các nhà máy, xí nghiệp, cá nhân vi phạm môi trường ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi nên “cuộc chiến” bảo vệ môi trường của ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Đồng hành cùng các ngành chức năng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, thời gian qua, báo Đại Đoàn Kết đã tích cực đấu tranh và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, báo đã duy trì chuyên mục “Vì màu xanh cuộc sống” để phản ánh những vần đề liên quan đến môi trường, ô nhiễm môi trường. Nhiều bài báo đã công khai hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của đơn vị sai phạm, góp phần tạo nên sức ép đối với ngành chức năng quản lý về môi trường và với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì màu xanh cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO