Y tế học đường: Khoảng trống cần được lấp đầy

Duy Anh 19/09/2017 08:30

Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn. Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm…


Một buổi kiểm tra sức khỏe cho học sinh.

Công việc kiêm nhiệm

Hơn 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12/7/2006 về tăng cường công tác y tế trường học, trong đó khẳng định rất rõ vai trò của y tế trường học, ngành giáo dục cũng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc củng cố nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường.

Tuy nhiên, có thể thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 23/2006/CT-TTg, sự chuyển biến về công tác y tế học đường chưa rõ nét. Tỷ lệ trường học có phòng y tế mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế học đường cũng chỉ đạt khoảng 50%. Ngoài ra, cả nước chỉ có khoảng 55% số trường học thực hiện việc quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh.

Về nhân lực y tế, tỷ lệ trường học chưa có biên chế nhân viên y tế chiếm khoảng 25% và có sự chênh lệch giữa các địa phương. Quảng Ninh chỉ còn 15% số trường chưa có biên chế nhân viên y tế, trong khi tại Thanh Hóa, tỷ lệ này là gần 90%.

Tại Nghệ An, trong số 1.570 trường học ở cả 4 cấp thì có đến 80% nhân viên y tế không đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó có tới 648 giáo viên, thư viện viên, thủ quỹ và thậm chí là bảo vệ kiêm nhiệm công việc của nhân viên y tế.

Tại Hà Nội, trong số gần 2.700 trường học, tỷ lệ trường có nhân viên y tế chiếm khoảng 95%. Trong đó, chỉ có khoảng 40% trong số này có trình độ đạt yêu cầu theo quy định là y sĩ trung cấp. Những đơn vị chưa có nhân viên y tế chủ yếu là trường ngoài công lập. Vì vậy, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo những trường thành lập mới từ năm 2015 đến nay phải thực hiện việc ký hợp đồng với nhân viên y tế.

Mặc dù biết tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường nhưng với các trường thì “cái khó đành bó cái khôn”. Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm. Dù nhiều trường học có phòng y tế song không phải phòng y tế nào cũng được bảo đảm điều kiện về cơ số thuốc, trang thiết bị. Trong bối cảnh áp lực về sĩ số học sinh, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nhiều trường phải sử dụng thêm phòng chức năng để làm phòng học, tình trạng “một phòng, nhiều chức năng”, trong đó kiêm luôn cả phòng y tế đang trở nên phổ biến…

Công việc nhiều, đãi ngộ thấp

Theo Bộ GD-ĐT, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh không phải là nhiệm vụ duy nhất của cán bộ y tế trường học. Thực tế cuộc sống và nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường, cả mầm non và phổ thông, phải quan tâm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Vì vậy, ngoài sự vững vàng về năng lực thực hành, nhân viên y tế trường học còn phải có kiến thức, phương pháp truyền thông để truyền tải, giáo dục học sinh về những vấn đề khá phức tạp và không dễ đề cập như giới tính, bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân…

Với yêu cầu chăm sóc, giáo dục học sinh tại trường hiện nay, nhất là các trường học của Hà Nội đều có quy mô rất lớn (nhiều trường có tới hơn 2.000 học sinh), có thể thấy, đội ngũ nhân viên y tế trường học đang đứng trước không ít thách thức. Trong khi đó, chưa có văn bản nào quy định, cứ bao nhiêu học sinh thì cần có một nhân viên y tế trường học. Thông thường, mỗi trường học chỉ có một nhân viên y tế, nơi thì có nhân viên y tế chuyên trách, nơi lại làm kiêm nhiệm.

PGS.TS Văn Như Cương- chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là hiện chưa có mã ngạch đào tạo nguồn nhân viên y tế cho trường học. Khối lượng và áp lực công việc của nhân viên y tế trường học không kém gì các bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế, bệnh viện, nhưng thu nhập của nhân viên y tế trường học lại rất thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, nên không có nhiều người làm công tác này chuyên tâm, nhiệt huyết hoặc muốn gắn bó lâu dài.

Thông tin thu hút sự quan tâm của các nhà trường trong những ngày đầu năm học mới 2017-2018 là việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Đáng chú ý, trong số 8 vị trí việc làm của nhà trường có vị trí việc làm của nhân viên y tế.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa (Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, dù áp lực công việc lớn, thu nhập không cao (chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/ tháng) song vài năm gần đây, tại các trường học trên địa bàn thành phố không có hiện tượng nhân viên y tế bỏ việc. Việc xác định vị trí việc làm của nhân viên y tế trong trường học là căn cứ cho các nhà trường tuyển dụng vị trí này để hoàn thiện bộ máy. Đây thực sự là tin vui giúp đội ngũ nhân viên y tế trường học bớt lo lắng, bất an và chuyên tâm với nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Y tế học đường: Khoảng trống cần được lấp đầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO