Xăng hạ giá nhỏ giọt!

Thúy Hằng 22/03/2022 07:11

Sau 7 lần tăng giá liên tiếp, ngày 21/3, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm. Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó khăn, mong muốn của doanh nghiệp cũng như người dân là giá xăng giảm, nguồn cung ổn định để có thể tiết kiệm được chi phí trong bối cảnh thu nhập ngày càng hạn hẹp. Thế nhưng mức giảm lần này đã không được nhiều như kỳ vọng.

Ngày 21/3, giá xăng đã giảm hơn 600 đồng/lít. Ảnh: Quang Vinh

Giá xăng giảm hơn 600 đồng/lít

Chiều 21/3, giá xăng có đợt giảm đầu tiên kể từ đầu năm. Theo điều hành giá từ liên Bộ Công thương - Tài chính, xăng E5RON92 không cao hơn 28.330 đồng/lít, giảm 655 đồng/lít; xăng RON95 - III không cao hơn 29.192 đồng/lít, giảm 632 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Các loại dầu có mức giảm giá mạnh hơn. Cụ thể, dầu diesel 0,05S không cao hơn 23.633 đồng/lít, giảm 1.635 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 22.245 đồng/lít, giảm 1.673 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3,5S không cao hơn 20.423 đồng/kg, giảm 564 đồng/kg so với giá bán hiện hành.

Theo Liên Bộ Công thương – Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3/2022 và kỳ điều hành ngày 21/3/2022 là 121.912 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 10.340 USD/thùng, tương đương giảm 7,82% so với kỳ trước); 125.842 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9.908 USD/thùng, tương đương giảm 7,30% so với kỳ trước; 120.408 USD/thùng dầu hỏa (giảm 14.840 USD/thùng, tương đương giảm 10,97% so với kỳ trước); 122.338 USD/thùng dầu diesel (giảm 22.853 USD/thùng, tương đương giảm 15,74% so với kỳ trước); 625.090 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 22.757 USD/tấn, tương đương giảm 3,51% so với kỳ trước).

Với mức giảm giá xăng dầu thế giới này, giá xăng dầu trong nước có thể giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, Liên Bộ quyết định trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập. Đồng thời, ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng nêu trên.

Do đó, giá xăng dầu trong nước giảm nhẹ hơn mức tối đa được dự báo. Bộ Công thương cho biết, việc sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá nhằm mục đích có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, giảm áp lực cho quỹ bình ổn giá, bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và DN trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh;hạn chế tác động tiêu cực của giá xăng dầu đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của nhân dân.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chi phí từ xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, với một số ngành chi phí xăng dầu có thể chiếm đến 30-40%. Do đó, việc giá xăng dầu cao sẽ tạo áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Do đó, theo các chuyên gia, nếu có điều kiện giảm được giá xăng thì cần phải giảm để không gây tác động tiêu cực tới chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang tích cực thực hiện.

Giá xăng đã hạ nhiệt sau 7 lần tăng liên tiếp. Ảnh: Quang Vinh

Cứ giảm là mừng!

Sau khi tiếp nhận thông tin giá xăng giảm 600 đồng/ lít, chị Đào Thúy Hạnh (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, mong giá xăng giảm mạnh nhưng thôi, cứ giảm được chừng nào hay chừng đó.

Do nơi làm việc xa nhà nên thông thường mỗi tháng trước đây chị Hạnh phải chi khoảng 320.000 đồng cho tiền xăng. Với giá xăng dầu hiện nay, mức chi sẽ tăng thêm khoảng 50.000 đồng/tháng. “Lương của tôi là 7 triệu/tháng, đi làm 14km/lượt, như vậy mỗi ngày là 28km, chi phí đi lại rất tốn kém. Chỉ tính riêng xăng xe đã gần 400.000 đồng/tháng. Chưa kể, giờ đi đâu mọi chuyện cũng quy đổi thành lít xăng, nên hạ một chút cũng mừng” - chị Hạnh chia sẻ.

Sau 7 kỳ tăng giá liên tiếp kể từ cuối năm 2021 và đạt gần 30.000 đồng/lít, trên các diễn đàn mạng, nhiều người tỏ ra lo lắng khi giá xăng dầu gây thêm áp lực chi tiêu. Còn với những người lao động, thu nhập phụ thuộc vào xăng dầu thì sao? Anh Hoàng Văn Cường (chạy xe ôm công nghệ Grab) nhẩm tính nhanh: “Trước khi giá xăng lên 29.000 – 30.000 đồng/ lít như hiện nay, tôi chạy xe máy mỗi lần đổ đầy bình xăng hết 50.000 đồng, nay thì đổ đầy bình xăng là 70.000 đồng. Làm nghề xe ôm nên tiền xăng xe phải cân đong đo đếm từng ly từng tý”- anh Cường chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến của tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua cho thấy, vai trò quản lý, điều tiết của Bộ Công thương cần phải được nâng lên. Có ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn an ninh năng lượng xăng dầu của Việt Nam thì không chỉ Bộ Công thương mà cần có cơ chế đảm bảo an toàn năng lượng nói chung và an toàn xăng dầu nói riêng của Việt Nam. Do đó cần tăng cường cơ chế thị trường, cạnh tranh nhiều hơn nữa và tự do hóa kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh nguồn dự trữ xăng dầu của các DN đầu mối cần có nguồn dự trữ cấp quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng.

Mong nguồn cung ổn định

Tiếp nhận thông tin xăng giảm giá, lãnh đạo một công ty kinh doanh xăng dầu khu vực miền Bắc chia sẻ: Giảm giá xăng thời điểm này là hợp lý, nhưng mong muốn hơn nữa là nguồn cung ổn định để việc nhập hàng không bị gián đoạn. Với người kinh doanh, giá xăng tăng quá cao cũng khó bán hàng .

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện nhiều DN đã quay trở lại nhịp độ sản xuất, nhất là các DN ở phía Nam. Nhiều DN đã ký hợp đồng với đối tác có thời gian hết quý II/2022. Đây là cơ sở tốt để DN có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua khiến các DN trong ngành phải gánh thêm các chi phí logistics, vận chuyển, nguyên phụ liệu... trong khi đó lại không thể tăng giá sản phẩm ngay để bù lỗ cho giá xăng dầu.

Những biến động giá xăng dầu khi đàm phán, ký kết với đối tác bạn hàng cũng đã được tính đến trong biên độ biến động giá của hợp đồng, cùng với giá nhân công, giá nguyên vật liệu. Song biên độ tăng của giá xăng dầu đang nằm ngoài tính toán của DN nên nhiều DN có nguy cơ lỗ hoặc hòa vốn khi thực hiện các đơn hàng đã ký. Trong bối cảnh DN trên đà phục hồi, nỗ lực sản xuất kinh doanh thì việc cộng đồng DN nói chung và ngành dệt may - da giày nói riêng phải tốn chi phí tăng thêm cho các loại phí, thuế giá xăng dầu là gánh nặng tăng thêm. Khi tiết giảm được chi phí gì thì DN tích luỹ để tái sản xuất, giá xăng giảm là điều cả xã hội mong muốn.

Tại Bến xe Nước Ngầm, một chủ xe chạy tuyến đường dài Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh chia sẻ, các chi phí nhiên liệu từ đầu năm liên tục tăng lên mà nhà xe cũng khó tăng giá vé. Vì vậy, mỗi chuyến xe xuất bến chỉ mong tiền bán vé đủ chi phí trả nhân công và xăng dầu, không có tiền khấu hao xe và trả lãi ngân hàng. “Khi giá xăng dầu giảm, DN giảm được phần lỗ, dù mức giảm giá chưa đáng là bao so với khó khăn DN đang chịu” – vị chủ xe nói.

Xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vận tải. Để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu, các DN đã phải cắt giảm những chi phí không cần thiết, nâng cao ý thức của lái xe về tiết kiệm nhiên liệu. Mong muốn của DN là giá xăng giảm để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hành khách tăng chậm và vận tải hàng hoá giảm.

Ở góc độ khác, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng giá xăng thế giới vẫn biến động khó lường, ngoài câu chuyện giá cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, cần có các giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú: Dự trữ càng nhiều càng tốt

Giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố vĩ mô như lạm phát, mục tiêu tăng trưởng. Chi phí sản xuất của DN, giá xăng dầu, điện nước chiếm tỷ trọng rất lớn, hay như người dân cũng vậy, chi phí hàng ngày cho đi lại cũng lớn. Xăng dầu chính là máu của nền kinh tế. Do vậy các mặt hàng như lương thực, xăng dầu, than là phải dự trữ, dự trữ càng nhiều càng tốt để ổn định giá.

Việc điều hành xăng dầu cần lưu ý một số điểm như chóng giảm một số thuế, phí nhưng phải “đủ độ chín”. Cụ thể, giảm hết phí môi trường, VAT giảm 2%, thuế tiêu thụ đặc biệt cần giảm từ 4.000 đồng – 5.000 đồng/lít xăng. Điều hành lại cơ chế xăng dầu xuống 3 ngày/lần. Từ bất ổn trên thế giới thì phải đặt lại câu chuyện dự trữ xăng dầu; làm rõ vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; với công nghệ 4.0, việc kiểm kê tồn kho cần xử lý nhanh hơn, kiểm soát kỹ hơn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Chuyển đổi thị trường xăng dầu minh bạch

Trong ngắn hạn chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu cho chuẩn xác với xăng dầu thế giới. Từ đó phải đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước. Hiện, lượng xăng dầu trong nước đã chủ động được trên 70%, nhập khẩu 28-30%. Nguồn cung không thiếu nhưng qua đợt điều hành xăng dầu vừa qua đã cho thấy Bộ Công thương thiếu linh hoạt, chủ động.

Về lâu dài, phải hình thành một kho dữ liệu về xăng dầu và kho dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo được nguồn dự trữ trong khoảng một thời gian dài nhất định. Chuyển đổi thị trường xăng dầu minh bạch, đảm bảo bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xăng hạ giá nhỏ giọt!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO