‘Xanh hóa’ ngành dệt may

THANH GIANG 28/12/2022 07:14

Sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng mới và ngành dệt may cũng không nằm ngoài sự phát triển chung. Không ít doanh nghiệp (DN) dệt may đang có sự chuyển mình tích cực.

Một số DN dệt may đang tìm cách áp dụng công nghệ hiện đại, sản xuất khép kín.

Hướng đến sản xuất xanh

Theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM: Thị trường EU đã đưa ra tiêu chuẩn phát triển xanh, tiếp đó là Mỹ. Sắp tới đây thị trường Nhật Bản cũng áp dụng và có thể mở rộng ra các thị trường khác. “Nếu như 2-3 năm tới chúng ta không đi theo hướng xanh hóa ngành dệt may, sẽ khó thâm nhập vào thị trường EU” – ông Việt nói và cho biết, hiện nay EU xanh hóa dệt may và phát triển chuỗi cung ứng dệt may mang tính bền vững. Luật mới này trở thành cơ hội để DN tìm hiểu, liên kết và chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm phát triển nguồn nguyên liệu cũng như đầu tư công nghệ phù hợp với chuỗi cung ứng của dệt may.

Ông Việt khẳng định, Việt Nam đa phần sản xuất gia công nên nếu sản xuất thông thường như trước đây sẽ rất khó cạnh tranh. Vì làm theo truyền thống thì hiện nay Ấn Độ và Banglades làm rất tốt, ngoài ra còn có một số nước như Indonesia, Thái Lan. Gần đây, Thái Lan đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất dệt may.

Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công ty hiểu rõ trong chuỗi cung ứng dệt may, ngành dệt đang có công nghệ làm rất tốt, tạo giá trị cao hơn tất cả trong chuỗi quy trình sản xuất. Tiếp đó là ngành giặt, ngành này cũng đang thực hiện công nghệ cao. “Chúng ta sản xuất với công nghệ thông thường thì sẽ chỉ bán 13 - 15 đồng khi vào thị trường Mỹ, nhưng với công nghệ cao sẽ tăng lên 15-16 đồng, đặc biệt EU tăng lên 20-23 đồng, tính ra tăng 20-30%. Mặc dù đầu tư công nghệ cần vốn cao, nhưng thị trường trong tương lai rất tốt” - lãnh đạo Công ty TNHH Việt Thắng Jean nhấn mạnh.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc xanh hóa ngành dệt may, không ít DN Việt đã chủ động đầu tư và triển khai sản xuất xanh, sản xuất khép kín. Bà Nguyễn Thị Liên – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú quốc tế cho biết, để trở thành nhà cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng cũng như bán lẻ trên toàn cầu, đơn vị xây dựng chuỗi cung ứng khép kín hàng dệt may với nguyên liệu vải và sản xuất bền vững. Theo đó, Công ty Phong Phú ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. DN cũng vận hành hệ thống năng lượng mặt trời và thực hành tiết kiệm tại các nhà máy, giúp giảm thải hơn 1.100 tấn C02/năm.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, việc xanh hóa sẽ tác động đến môi trường và sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như ngành dệt may. Do vậy, ngành dệt may cần tiếp tục tuân thủ mối quan hệ hợp tác gắn kết, sự phát triển bền vững trong chương trình xanh hóa và tiết kiệm nguồn nước. Thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên triển khai Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”.

Tăng khả năng cạnh tranh

Theo thống kê của Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường, lượng hóa chất các loại sử dụng trong DN dệt nhuộm khoảng 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm. Trong đó, ngành nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhất. Việt Nam có khoảng 177 DN hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý toàn tất vải. Thế nhưng, hầu hết các dây chuyền nhuộm đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương ứng với tính năng thiết bị. Trong khi, các hiệp định thương mại gần đây hướng đến giảm phát thải, một trong những rào cản thương mại lớn của ngành dệt may khi thâm nhập thị trường quốc tế.

Ông Bartosz Cieleszynski - Phó trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu đến bất cứ thị trường nào, điều kiện đầu tiên cần đáp ứng là việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Sản xuất xanh, thương mại xanh không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp, ngành công nghiệp cũng phải sản xuất xanh. Các sản phẩm như giày dép, may mặc dần dần cũng cần được xanh hóa.

Theo vị này, sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giáo cao. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, khi đó cạnh tranh trên thị trường sẽ rất gay gắt. “Sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn lao động quốc tế ngày càng đóng vai trò lớn tại các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, các ngành hàng sản xuất cần làm quen với lựa chọn của người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc cung ứng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, xanh và thân thiện môi trường” - ông Bartosz Cielezynski chỉ rõ.

Tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022 mới đây, khi nói về xu hướng xuất khẩu mới, ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính. Xu hướng này cũng đang hình thành “luật chơi” mới về đầu tư và thương mại. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đặt ra những quy định khắt khe liên quan đến môi trường đối với hàng nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần quan tâm tới tính xanh của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng yêu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Xanh hóa’ ngành dệt may

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO