Xét chức danh GS, PGS 2020: Khách quan rà soát lại hồ sơ

Dung Hòa 30/10/2020 08:30

Trước những lùm xùm xung quanh việc xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) ngành Y- Dược 2020, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN) đã yêu cầu Hội đồng GS hai ngành này rà soát lại toàn bộ hồ sơ của các ứng viên, đồng thời sớm có báo cáo giải trình.

Nghiên cứu y học cơ sở đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại.

Thẩm định bài báo khá phức tạp?

Trước đó, theo kế hoạch từ ngày 20-25/10, Hội đồng GSNN họp xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2020. Tuy nhiên, trước nhiều đơn tố cáo hàng loạt ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thông qua, kỳ họp đã phải lùi lại vì đợi một số hội đồng ngành xét lại.

Thông tin từ Hội đồng GSNN cho hay, có 36/50 số ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược đã được Hội đồng GS ngành thông qua bị tố cáo chủ yếu liên quan tới công bố khoa học (30 ứng viên ngành Y, 6 ứng viên ngành Dược). Riêng ngành Y học có 45 ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS. Tuy nhiên, chỉ có 40 ứng viên được Hội đồng GS ngành thông qua (9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS). Như vậy, có tổng cộng 30/40 ứng viên GS, PGS đã được thông qua của ngành Y bị tố chưa đạt tiêu chuẩn. Trong đó, đa số các ứng viên bị tố công bố bài báo khoa học trên các tạp chí mở (OA). Ngoài ra, một số ứng viên bị tố không minh bạch về số bài báo.

GS Đặng Vạn Phước- Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y cho hay, chuyện đăng ở tạp chí khoa học như thế nào khá phức tạp. Hiện nay có hàng nghìn tạp chí và có những dạng vừa hoạt động khoa học vừa có business (kinh doanh). Hội đồng GS ngành Y sẽ có những bài viết để giải trình vấn đề này. GS Phước cho rằng những tạp chí như thế nào chắc chắn sẽ phải có sự chuẩn hóa. Tuy nhiên, sẽ phải có một bộ phận có trách nhiệm công bố hàng năm.

Cùng theo GS Đặng Vạn Phước, công bố khoa học của ngành Y rất ít khi do người trong nước chủ trì bởi công bố khoa học của ngành Y rất khó. Trong đó, nghiên cứu về y học cơ sở là những chuyện không liên quan đến bệnh tật, nhưng đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, phương tiện càng hiện đại thì mới được tin tưởng.

Phân tích về vấn đề này, theo GS Nguyễn Văn Tuấn- Viện Garvan (Úc), vấn đề nổi cộm nhất trong việc xét GS, PGS ở Việt Nam là một số ứng viên công bố trên tập san “dỏm” hay tập san “săn mồi” (predatory journals). GS Tuấn cho biết ông đã cảnh báo về “kỹ nghệ” xuất bản bài báo khoa học “dỏm” cách đây 5 năm nhưng không được quan tâm.

Cụ thể, trong đợt xét duyệt chức danh năm 2019, GS Nguyễn Văn Tuấn đã thấy có một số trường hợp ứng viên GS, PGS có bài báo công bố trên những tập san phi chính thống, có thể nói là “dỏm”. Vấn đề của các ứng viên này nằm ở chỗ họ công bố công trình nghiên cứu khoa học trên một số tập san “ngoài luồng” hoặc phi chính thống, nghĩa là vi phạm quy ước về đạo đức công bố, chứ không phải gian lận.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, ông đã nghiên cứu danh sách tập san mà các ứng viên công bố bài báo và tất cả tập san này đều có thể xem là phi chính thống hay gần như phi chính thống (hiểu theo nghĩa không thuộc hiệp hội y khoa nào), và có ít người trong chuyên ngành biết.

Xem xét lại năng lực Hội đồng

Trước nguy cơ một số hội đồng ngành có thể để “lọt lưới” ứng viên không đủ điều kiện, nhiều nhà khoa học đặt vấn đề chất lượng các hội đồng về năng lực nghiên cứu cũng như tính liêm chính khoa học khi duyệt hồ sơ. GS Nguyễn Văn Tuấn thì cho rằng, việc để Hội đồng GS ngành xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua là không khách quan.

Theo quy trình, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng GS cơ sở là rà soát tính xác thực của các thông tin từ văn bằng, chứng chỉ đến danh mục các tạp chí, các nhà xuất bản mà hồ sơ ứng viên cung cấp. Việc đánh rớt tại vòng cơ sở chủ yếu do ứng viên có năng lực ngoại ngữ hạn chế và không đủ điểm công trình khoa học quy đổi. Công trình ở đây gồm các bài báo, sách, đề tài nghiên cứu khoa học... Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng GS cơ sở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM: Quy trình xét GS, PGS ở Việt Nam hiện khá chặt chẽ, trong đó vai trò của cấp cơ sở rất lớn do bên đánh giá kỹ lưỡng đầu tiên.

Tuy nhiên, trước những ồn ào từ những mùa phong danh GS, PGS gần đây, nhất là năm nay có tới 36/50 ứng viên ngành Y- Dược bị tố gian lận, dư luận cho rằng năng lực của một số hội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu…

Văn phòng Hội đồng GSNN cho biết trong ngày 29/10, Hội đồng GS hai ngành Y- Dược sẽ họp để rà soát lại hồ sơ của những ứng viên ngành này bị tố cáo là không đủ điều kiện công nhận GS, PGS, qua đó làm rõ những tố cáo gian lận/làm rõ một số vấn đề trong kết quả thẩm định.

Theo GS Phạm Đức Chính- thành viên Hội đồng GS ngành Cơ học: Cộng đồng đang dõi theo các quyết định của Hội đồng GSNN cho đợt xét năm nay, và các quyết định cụ thể sẽ là một cảnh báo cần thiết cho cộng đồng khoa học Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế với không ít khó khăn trước mắt. Nếu như Quỹ Nafosted là bước đi đầu dẫn khoa học Việt Nam tiến vào hội nhập quốc tế, thì Hội đồng GSNN đang đi tiên phong chấn chỉnh đạo đức và liêm chính khoa học trong tiến trình hội nhập phức tạp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét chức danh GS, PGS 2020: Khách quan rà soát lại hồ sơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO