Xử lý hình sự trẻ vị thành niên phạm tội: Có nên mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm?

V.Thắng 10/05/2017 06:00

Là vấn đề lớn nhưng đến nay xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi (BLHS) vẫn còn ý kiến khác nhau.

Quang cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, do Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 đã đưa ra 2 phương án. Theo đó phương án 1, giữ như Dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).

Còn phương án 2, giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).

Theo kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 cho thấy, có đến 266/397 đại biểu đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Luật, một số ý kiến của các cơ quan liên quan lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của BLHS năm 2015, đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, tuổi chịu trách nhiệm hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là vấn đề đang còn nhiều băn khoăn. Tuy nhiên Thứ trưởng Vương đề nghị, phải xem xét kỹ vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh quan điểm người từ đủ 14-16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi cố ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình lại cho rằng, theo luật thì tuổi trẻ em đã được quy định là dưới 16 tuổi, còn theo Công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết thì tuổi trẻ em có thể đến 18 tuổi. Đứng về mặt hành vi và hình thái bên ngoài thì có thể là người lớn nhưng cho đến dưới 18 tuổi, hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện nên chưa hoàn chỉnh về hành vi. Đôi khi việc giáo dục trẻ em của ta chưa tốt, hơn nữa đối với thế hệ trẻ thì việc giáo dục là làm gương, chỉnh sửa, chứ không thể là đòn roi. Do đó giữ nguyên như BLHS năm 2015. Riêng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản- ông Bình bày tỏ quan điểm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Chiến cho rằng, Hiến pháp quy định là mọi công dân phải được pháp luật bảo vệ tính mạng, thân thể cũng như danh dự, nhân phẩm. Qua những vụ việc vừa qua cho thấy, tuy còn nhỏ tuổi nhưng khi gây ra các hành vi bạo lực, các em đã biết chọn những địa điểm có thể hạn chế việc kiểm soát của người lớn, khi thấy công an hoặc người lớn thì các em tỏ ra sợ. Điều đó cho thấy cho dù hiểu biết pháp luật còn hạn chế nhưng các em cũng đã nhận thức được phần nào hành vi sai trái của mình. Do vậy, pháp luật điều chỉnh phối hợp với trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục cũng như phòng ngừa các hành động bạo lực học đường.

“Có nhiều quan điểm cho rằng nên hạn chế xử lý trách nhiệm hình sự với lứa tuổi vị thành niên nhưng không có nghĩa là khi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng mà các em lại không bị xử lý. Không thể để hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, được công khai và cả xã hội đều bức xúc mà chúng ta lại không có một biện pháp, động thái xử lý bằng pháp luật nào cả. Cần phải để cho các em thấy sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi bạo lực nghiêm trọng như thế... Nếu không xử lý hình sự, lại không có sự phối hợp biện pháp giáo dục thì tình trạng bạo lực học đường sẽ càng gia tăng”- ông Chiến phân tích.

Nhất trí xử lý hình sự với trẻ em 14-16 tuổi khi phạm tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, GS Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, BLHS 2015 đã quy định đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản. Nhưng đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với trẻ em phải sử dụng nhiều biện pháp khác như giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự.

Trong khi đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh, khi xây dựng quy định này cần quan tâm đến công ước quốc tế và tính khả thi của Dự luật. Bởi các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng ít nghiêm trọng thì hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có tình trạng bạo lực học đường mỗi năm không dưới 2.000 vụ. Nguyên nhân là từ công tác giáo dục của chúng ta còn nhiều vấn đề đáng bàn, rồi công tác quản lý mạng internet ảnh hưởng đến hành vi các em. Hơn nữa, tình trạng các em chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. “Vì vậy, nếu chúng ta đưa vào hình sự hóa hết thì có nên không?”- bà Minh bày tỏ.

Ngày 9/5, trường ĐH Luật TP HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, với sụ tham dự của nhiều luật gia, chuyên gia nghiên cứu, luật sư... Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi quan hệ tình dục, thế nào là hành vi dâm ô để phân biệt các loại tội phạm trên với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS). Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay tội phạm ấu dâm, tội dâm ô đồng tính chưa được quy định trong luật, cần bổ sung cho phù hợp thực tiễn pháp lý. Nói như
TS Hoàng Minh Đức- giảng viên trường ĐH Cảnh sát nhân dân thì mấy năm gần đây tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất. Một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc dư luận thời gian qua bị vướng mắc bởi những quy định của pháp luật, trong đó có một số quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo TS Đức, khi tiến hành sửa đổi BLHS cần tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và nên hạ độ tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự xuống dưới 14 tuổi.

Thành Luân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý hình sự trẻ vị thành niên phạm tội: Có nên mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO