Xuất khẩu lao động: Nhiều tín hiệu vui

Lê Bảo 10/05/2022 07:08

Dù quý I tình hình dịch diễn biến vẫn phức tạp nhưng theo nhận định của các chuyên gia, năm 2022, mục tiêu đưa khoảng 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là khả thi.

Đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động.

Nhiều thị trường tiềm năng hồi phục

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 2.455 người.

Trong đó, thị trường Nhật Bản tiếp nhận 612 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 439 người, Hàn Quốc: 336 người, Singapore: 331 người, Trung Quốc: 245 người, Hungary: 99 người, Nga: 71 người, Ba Lan: 68 người, Romania: 65 người...

Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lượng lao động mà các doanh nghiệp phái cử đã đăng ký tại Cục tính đến thời điểm này là hơn 80.000 người. Trong đó, Nhật Bản khoảng 60.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 13.000 người, Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác. Đáng chú ý, khoảng 30.000 lao động đã làm xong thủ tục và đang chờ xuất cảnh trong vài tháng tới.

Tại thị trường Đức, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có thông báo về kế hoạch tuyển chọn ứng viên điều dưỡng đi làm việc tại Đức với số lượng là 160 người. Việc tuyển chọn nằm trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức”.

Tại Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức. Sau khi kết thúc khóa học, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia, được làm việc và xem xét cho phép định cư lâu dài tại Đức theo quy định pháp luật của Đức.

Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề tối thiểu: năm thứ nhất là 1.100 EUR/tháng (tương đương 27,5 triệu đồng), năm thứ hai là 1.200 EUR/tháng (tương đương 31 triệu đồng) và năm thứ ba 1.300 EUR/tháng (tương đương 34 triệu đồng).

Nhận định về triển vọng xuất khẩu lao động trong những tháng tiếp theo, ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nay lĩnh vực xuất khẩu lao động đã dần hồi phục và hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới. Các thị trường hiện nay đều mở cửa và đều có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh, lao động rất lớn. Do đó con số 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Mở rộng khai thác thị trường thu nhập cao

Đánh giá của Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, năm nay, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 người. Với những tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm, kế hoạch này dự kiến sẽ sớm về đích.

Đáng ghi nhận, hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ đột phá về số lượng mà chất lượng cũng có sự thay đổi lớn. Theo đó cả doanh nghiệp và người lao động đã chú trọng chọn những thị trường tốt, thu nhập cao để đi làm việc.

Hiện nay ngoài việc ổn định thị trường lao động truyền thống, Bộ LĐTB&XH cũng đang từng bước mở rộng những thị trường mới, tiềm năng cao như một số nước châu Âu, Úc, Canada... để người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn. Đây là những thị trường hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao. Mới đây nhất là việc hợp tác cùng chính phủ Úc để đưa lao động Việt Nam sang nước này làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đó, Chính phủ đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam trở thành nước ưu tiên tham gia sớm chương trình.

Dự kiến, sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 - 4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Song song với việc tìm kiếm các thị trường mới, bền vững cho người lao động, Bộ LĐTB&XH cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động: Nhiều tín hiệu vui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO