Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Doanh nghiệp gặp nhiều chông gai

Minh Phương 15/01/2018 07:00

Cuối tuần qua, Việt Nam đã đệ trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì cho rằng cách Mỹ đánh thuế mang tính trừng phạt các mặt hàng cá phi lê Việt Nam.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Doanh nghiệp gặp nhiều chông gai

Mặt hàng cá phi lê của Việt Nam được nhiều quốc gia đánh giá cao, nhưng vào thị trường Mỹ vẫn gặp khó khăn.

Trước đó, cũng liên quan đến việc Hoa Kỳ đưa ra các rào cản thương mại phi lý đối với thép nhập từ Việt Nam, ngành thép nước nhà cũng khẳng định, sẽ kiện lên WTO vì những động thái phi lý từ phía cơ quan hữu quan Mỹ.

Cá da trơn, thép đều gặp khó

Cụ thể, ngày 12/1 vừa qua, Việt Nam đã đệ trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), liên quan đến cách Mỹ đánh thuế mang tính trừng phạt các mặt hàng cá phi lê Việt Nam vì cho rằng, Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách áp thuế lên cá phi lê Việt Nam - mặt hàng mà theo lập luận của Mỹ là đang được “bán theo kiểu phá giá hoặc bán với giá rẻ một cách không công bằng trên thị trường Mỹ”. Mỹ sẽ có thời gian 60 ngày để giải quyết khiếu nại hoặc Việt Nam có thể yêu cầu WTO phân xử.

Mỹ là thị trường xuất khẩu cá phi lê hàng đầu của Việt Nam, nhập khẩu cá phi lê của Mỹ từ Việt Nam đã tăng từ 100 triệu USD năm 2016 lên hơn 520 triệu USD vào năm 2007. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp cá phi lê lớn thứ ba cho Mỹ, sau Chile và Trung Quốc.

Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp lên vai các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam nếu có hiệu lực chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu nước nhà. Đây cũng lại là một trong những động thái mà Mỹ thực hiện để bảo hộ sản xuất nội địa của nước này.

Diễn biến của ngành cá da trơn đang có chiều hướng khá giống với ngành thép của Việt Nam. Hồi cuối năm 2017 vừa qua, Mỹ cũng áp thuế chống bán phá giá gây ra cú sốc lớn đối với ngành thép.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết, Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.

Ngay lập tức, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã lên tiếng phản đối hành động này của Hoa Kỳ. Theo VSA, các DN Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản…

Bởi vậy, VSA khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi vi phạm cam kết quốc tế trong các cuộc điều tra chống phòng vệ thương mại trong tương lai của nước này.

Khẳng định kết luận này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã vi phạm quy định trong các Hiệp định của WTO và chính pháp luật Hoa Kỳ, VSA đã đề nghị Bộ Công thương có những biện pháp hỗ trợ các DN thép thông qua việc phản đối các hành vi không phù hợp với pháp luật quốc tế của Hoa Kỳ.

Đồng thời, đề nghị DOC tuân thu các quy định của WTO cũng như luật pháp Hoa Kỳ trong giai đoạn cuối, trước khi ban hành quyết định chính thức về vụ điều tra chống lẩn tránh thuế. VSA cũng cho biết trong trường hợp Hoa Kỳ không thay đổi quan điểm trong kết luận cuối cùng, Hiệp hội sẽ kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xem xét khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Doanh nghiệp gặp nhiều chông gai - 1

Xuất khẩu thép vào Mỹ gặp rào cản thương mại.

Cần chủ động với tiền lệ

Quay trở lại với động thái của Việt Nam khởi kiện Mỹ lên WTO liên quan đến việc đánh thuế mang tính trừng phạt các mặt hàng cá phi lê Việt Nam, đây không phải là lần đầu Việt Nam khởi kiện lên WTO.

Trước đó, kể từ sau năm 2007, thời điểm Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, Việt Nam cũng đã có hai khiếu nại liên quan tới ngành thủy sản nhằm vào các hành động chống bán giá mà Mỹ sử dụng đối với tôm Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ được đánh giá tiếp tục tiềm ẩn nhiều khó khăn, câu chuyện lâu nay vẫn được đề cập do “vướng” hàng rào kỹ thuật, từ các mặt hàng thủy sản, gạo… cho tới thép, tôn lạnh.

Mặc dù là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng Mỹ cũng chính là thị trường thường xuyên đưa ra nhiều rào cản thương mại nhất đối với hàng hóa mà nước này nhập khẩu. Đây cũng là thị trường áp dụng nhiều luật lệ khắt khe nhất, do đó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi DN Việt Nam chưa thực sự am hiểu.

Chính bởi nguyên do này nên khi bàn về giải pháp tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác trong thời gian tới, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN xuất khẩu cần phải có những thay đổi để bứt phá.

Theo đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện sản xuất theo chuỗi khép kín từ đầu vào đến đầu ra để đảm bảo được truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy xuất khẩu, chú trọng vào chất lượng xuất khẩu thay vì sản lượng để từ đó nâng cao tính cạnh tranh.

Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ DN trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Đó là những yếu tố quan trọng mà các DN Việt Nam phải “nằm lòng” để có thể giữ vững được thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính, khắt khe như Hoa Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Doanh nghiệp gặp nhiều chông gai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO