Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong. Số vụ và số người mắc đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nhìn một cách khách quan, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản với điều kiện về môi trường, sản xuất kinh doanh, hệ thống quản lý và pháp luật tiên tiến, rủi ro vẫn xảy ra. Với điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như ở Việt Nam, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, các vụ ngộ độc xảy ra là điều không mong muốn, nhưng khó tránh.
Thực tiễn khảo sát và kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm ở một số vùng cao, người dân biết các sản phẩm đã hết hạn, ôi thiu nhưng vẫn sử dụng bởi giá thấp. Hay một số khu vực miền Trung bị cô lập bởi bão lụt, nước sạch, thực phẩm đều thiếu thốn, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc. Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ.
Bên cạnh đó, không trữ thực phẩm quá lâu dài, kể cả để trong tủ lạnh mà nên mua tới đâu sử dụng tới đó. Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng và nguy cơ kháng kháng sinh.