Trong những ngày gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra một số trường hợp bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc do độc tố Botulinum (được cho là có trong một số sản phẩm pa-tê chay). Ngộ độc do độc tố này là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã khuyến cáo: Thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Đồng thời, người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trước đó, có 3 trường hợp (địa chỉ tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm pa-tê chay, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong, từng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy; 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 115 và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Cả 3 trường hợp trên đều liên quan đến bữa ăn trưa ngày 20/3/2021.
Theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, điều tra bước đầu vụ ngộ độc pa-tê chay khiến 2 người nguy kịch, 1 người tử vong cho thấy các nạn nhân cùng ăn món bún riêu chay có sử dụng hộp pa-tê đã phồng.
Để phối hợp hành động, Cục Cục An toàn thực phẩm cũng đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Bộ NNPTNT); Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM; Sở Y tế TP HCM; Sở Y tế tỉnh Bình Dương để điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc do sử dụng pa-tê chay.
Theo bà Trần Việt Nga, thời gian gần đây lại nổi lên ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến, tiệc trong làng, chế biến cho gia đình sử dụng. Các vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương; vụ ở Kon Tum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của Botulinum - độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
“Ngộ độc do độc tố Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong”- bà Nga cho biết và lưu ý, độc tố này không bị loại bỏ dù đun sôi thông thường.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM cũng đã phát cảnh báo về chùm ca bệnh nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pa-tê chay điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo đó, tất cả bệnh nhân đều có cùng bệnh cảnh (nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp…) và cũng đã từng ăn pa-tê chay trước đó. Để cứu được một bệnh nhân ngộ độc Botulinum, đòi hỏi nhiều điều kiện y tế cần thiết cũng như thời gian để bệnh nhân hồi phục thường bị kéo dài. Do đó, để tránh ngộ độc thực phẩm (không chỉ với pa-tê), các bác sĩ khuyến cáo cần rất thận trọng trước khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không ăn thức ăn đã để lâu, mốc, thay đổi màu sắc và bốc mùi.