Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại buổi gặp mặt 98 kiều bào tiêu biểu trên khắp thế giới về thăm quê hương nhân dịp mừng xuân, mừng đất nước đổi mới vào ngày 20/1, tại TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt 98 kiều bào tiêu biểu về thăm quê hương nhân dịp Xuân Đinh Dậu.
Cùng dự có ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí đầm ấm trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến bắt tay từng người với lời hỏi thăm ân cần, trìu mến.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, 98 kiều bào tiêu biểu trở về từ 18 nước là đại diện cho hàng ngàn kiều bào trên khắp thế giới bởi vậy, điều mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn bày tỏ ngay buổi đầu gặp gỡ là được lắng nghe mọi tâm tư, ý kiến, kiến nghị của bà con kiều bào.
Trân trọng tình cảm của Người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Peter Hà Hồng Huệ, Việt kiều Australia đã chia sẻ niềm vui khi được trở về quê hương và chứng kiến nhiều sự thay đổi của đất nước, nhất là phong trào khởi nghiệp.
Định cư ở Australia và Mỹ gần 38 năm nay, nhưng ông Huệ đã có hơn 25 năm làm việc tại Việt Nam. Hiện nay gia đình ông Peter Hà Hồng Huệ có hàng chục ha chuyên sâu về trái cây, rau của Việt Nam chỉ có 2 loại quả chưa trồng được là sầu riêng và măng cụt.
Hàng nông sản của ông Huệ đặt ra là sản xuất sạch 100%, nước sạch, điện sạch, công nghệ sạch, quả có thể ăn tại vườn. Công nghệ này cũng được ông Huệ mang về Việt Nam để cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Nhìn lại năm 2016, ông Huệ cho rằng, Việt Nam đã có nhiều thành công trong phát triển nông nghiệp, xuất khẩu. Hiện nay, 99% hàng nông sản có chất lượng được xuất khẩu sang nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Huệ trăn trở, “cứ cái gì ngon thì mình lại mang đi xuất khẩu, cái gì không ngon thì lại nhập về”.
Ông Peter Hà Hồng Huệ, Việt kiều Australia.
Là một người đã từng đi theo rất nhiều vụ kiện chống bán phá giá của Việt Nam tại một số nước trên thế giới, theo ông Huệ trong năm 2017, Việt Nam sẽ phải đối diện với 70 vụ kiện chống bán phá giá. Đây là điều rất khó khăn.
Trong khi đó, ở trên khắp thế giới, lực lượng kiều bào có kinh nghiệm trong hoạt động này rất nhiều. Vấn đề là Chính phủ, Nhà nước sẽ có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của đội ngũ này như thế nào để cống hiến trí tuệ sức lực trong việc tham gia trực tiếp vào các vụ kiện chống bán phá giá.
Điều thứ hai mà ông Huệ bày tỏ chính là sách giáo khoa cho trẻ em kiều bào.
“Tôi có thể hiểu về đất nước mình nhưng đến thế hệ con tôi thì không, bởi vì hiện nay không có một quyển sách giáo khoa dạy tiếng Việt nào được gửi sang. Vậy chúng tôi sẽ dạy cho con mình như thế nào về đất nước? ”, ông Huệ nêu câu hỏi.
Trước nhiều thông tin không đúng về tình hình đất nước, ông Huệ cho rằng, Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo cần sớm phát hành sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho kiều bào.
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Trao đổi với ông Huệ về sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho kiều bào, ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có 2 quyển sách dạy tiếng Việt cho kiều bào nhưng việc chuyển sách tới bà con rất khó, chỉ ưu tiên địa bàn Lào và Campuhia, còn những địa bàn khác chưa thể chuyển được.
Tại Hoa Kỳ và Đài Loan, bà con kiều bào đã xin phần mềm miễn phí để in sách, đặc biệt tại Đài Loan đã in tiếng Việt song song cùng tiếng Trung để các cô dâu người Việt có thể dạy cho thế hệ sau.
Tiếng Việt, sách giáo khoa và giáo dục cho thế hệ trẻ cũng là trăn trở của nhiều kiều bào tại buổi gặp mặt.
Theo bà Nguyễn Việt Triều, Việt kiều Ba Lan, bà con Việt kiều ở đâu cũng đều mong muốn giữ gìn cốt cách Việt, nhân cách Việt ở nước ngoài. Chính vì vậy, bà con kiều bào rất mong mỏi nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển cốt cách người Việt thông qua công tác giáo dục từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, để từ đó, kiều bào có thêm nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của quê hương đất nước.
Bà Nguyễn Việt Triều, Việt kiều Ba Lan.
Với sứ mệnh là Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Pháp, bà Ana Susan nhẹ nhàng, thanh thoát trong bộ áo dài tím nhưng lại rất quyết liệt, mạnh mẽ khi bày tỏ quyết tâm của mình trong việc đóng góp cho quê hương.
Hiện bà Ana Susan đang tự triển khai công trình Ngôi nhà Việt Nam tại Pháp để cộng đồng Việt Nam, cộng đồng thế giới cảm nhận được nét văn hóa Việt Nam tại Pháp thông qua đó quảng bá du lịch Việt Nam trên toàn thế giới.
Với tinh thần ấy, ngay tại buổi gặp mặt kiều bào do Mặt trận tổ chức, bà Ana Susan đã kêu gọi đội ngũ kiều bào tiêu biểu, kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài dù còn nhiều khó khăn nhưng hãy phát huy tinh thần đại đoàn kết để quảng bá du lịch Việt Nam ra với thế giới.
Gìn giữ văn hoá của người Việt Nam tại nước ngoài là điều mà các kiều bào tiêu biểu đặt ra như một mục tiêu quan trọng để gìn giữ cốt cách người Việt trong dòng chảy nhịp sống hiện đại trên thế giới.
Bà Đinh Kim Nguyệt, Việt kiều tại Canada khẳng định, đã đến lúc kiều bào cần có một trung tâm văn hoá Việt Nam tại nơi mình sinh sống.
Bởi theo bà Nguyệt, người Việt Nam ở nước ngoài trong giao tiếp hầu hết không nói tiếng Việt, trong khi đó, những tư liệu để nói về lịch sử Việt Nam bằng tiếng nước ngoài không có. Bà Nguyệt sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh sau đó bà kết hôn với một người Canada.
“Khi tôi nói với chồng tôi rằng, Việt Nam có 4000 năm lịch sử thì chồng tôi “”ức” lắm vì Canada mới chỉ có hơn 100 năm lịch sử, ông ấy đã tìm ngay những tư liệu để tìm hiểu về lịch sử của Việt Nam nhưng quả thật không có một tư liệu nào bằng tiếng nước ngoài, nếu có, chỉ là tư liệu về Việt Nam trong 20 năm cuộc chiến được viết bởi những người ở phía bên kia chiến tuyến, cho nên không có sự nhìn nhận đúng đắn, thấu đáo, toàn diện về lịch sử của dân tộc Việt Nam”, bà khẳng định.
Chính vì vậy, theo bà Nguyệt, cần có một góc nhìn của một người Việt Nam chân chính ở nước ngoài thông qua những bản tư liệu lịch sử chân chính được biên soạn bằng tiếng nước ngoài.
Buổi gặp mặt kiều bào tiêu biểu xuân Đinh Dậu 2017 cũng sôi nổi với câu hỏi: Làm thế nào để thu hút kiều bào đầu tư về nước.
Hiện nay, một bộ phận kiều bào muốn về sinh sống và làm việc tại Việt Nam, một bộ phận khác về nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác. Còn một bộ phận khác không kém phần quan trọng, đó là những người có uy tín đứng ra làm cầu nối để thu hút đầu tư về Việt Nam.
Bà Vũ Thị Mai Liên, Việt kiều Nga chia sẻ câu chuyện đầu tư của mình tại quê nhà trong việc nuôi vịt trời, nhưng lại mắc phải “bi kịch” giữa việc sản xuất sạch và bẩn.
Bà Vũ Thị Mai Liên, Việt kiều Nga.
“Vịt trời của tôi nuôi bằng phương pháp tự nhiên nên không thể cạnh tranh với những người làm ăn gian dối nuôi vịt bằng thuốc tăng trọng” bà Liên bày tỏ và đề nghị cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa với việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bẩn.
Việt Nam đang hướng tới là quốc gia khởi nghiệp, việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trở về khởi nghiệp ở quê hương cũng được xem là một mục tiêu quan trọng.
Ông David Ngô, Việt kiều tại Hoa Kỳ, cho rằng, trong năm 2016, Việt Nam đã đạt được nhiều ưu điểm, trong đó vấn đề khởi nghiệp đã được làm tốt và trên đà phát triển mạnh, đặc biệt ngày càng có nhiều tiến bộ trong việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, vấn đề nợ công, pháp luật thực thi vẫn chưa nghiêm và an toàn thực phẩm đang là một vấn nạn đe doạ tới sức khoẻ của người dân.
Ông David Ngô, Việt kiều tại Hoa Kỳ.
Để phát triển khởi nghiệp, ông David Ngô cho rằng, trong thời gian tới cần phát triển phong trào này theo chiều sâu dựa trên nguồn phân cấp của kiều bào trên khắp thế giới.
“Hãy tận dụng lượng kiều bào trên thế giới để đưa thanh niên Việt Nam sang nước ngoài học tập theo chương trình ngắn hay dài hạn”, ông David Ngô đề nghị.
Cũng theo ông Ngô, cổng thông tin về người Việt Nam ở nước ngoài còn sơ sài và khó thu hút được đóng góp ý kiến để giải những bài toán lớn của Việt Nam đang gặp phải như việc cố vấn tư vấn cho phong trào khởi nghiệp. Để giúp sinh viên tại Mỹ có thêm thông tin khởi nghiệp, ông David Ngô đã thành lập trang web: vicongdongviet.com.
Ông Ngô cũng bày tỏ mong mỏi, Chính phủ, MTTQ Việt Nam ủng hộ nhiều hơn trong việc phát triển khoa học công nghệ, tạo hành lang pháp lý tốt cho việc đầu tư vào khoa học công nghệ và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp mặt.
Cảm ơn tình cảm và sáng kiến của bà con kiều bào, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tin rằng, việc lắng nghe và chia sẻ với kiều bào nếu được làm nhiều hơn nữa chắc chắn đất nước sẽ phát triển hơn.
Trước tâm tư của bà con kiều bào về việc gìn giữ văn hoá Việt Nam thông qua các bản tư liệu lịch sử, cụ thể là dạy tiếng Việt, người đứng đầu Mặt trận chân tình gửi tới bà con kiều bào lời xin lỗi vì chưa thực hiện được mục tiêu này, mặc dù việc biên tập sách đã hoàn thành, dù trong rất nhiều lần đi công tác nước ngoài, cá nhân Chủ tịch Mặt trận luôn đem theo sách để làm quà tặng bà con kiều bào, nhưng việc phát hành rõ ràng là chưa hiệu quả và vì vậy trong thời gian tới, cần phải đặt quyết tâm cao để thực hiện mục tiêu này.
“Đặc biệt, các đại sứ quán Việt Nam có nhiệm vụ cung cấp tài liệu về biển đảo, Mặt trận sẽ có trách nhiệm đôn đốc các sứ quán triển khai việc này.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay nhà nước có nhiều chính sách cho phong trào khởi nghiệp nhưng phát huy chưa hết hiệu quả.
“MTTQ Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức tọa đàm cấp quốc gia về vấn đề khởi nghiệp vào cuối tháng 3 năm nay với chủ đề Khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ những người có trình độ đại học mong muốn về Việt Nam khởi nghiệp”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng, nhấn mạnh tới điều này, người đứng đầu Mặt trận hoan nghênh ý tưởng xây ngôi nhà Việt Nam tại Pháp và cá nhân ông sẽ dành tặng Ngôi nhà đặc biệt này một chiếc trống đồng cùng với cam kết Mặt trận sẽ đồng hành với bà Ana Susan thông qua đại sứ quán.
Riêng về đề nghị có các trung tâm văn hóa người Việt tại các nước, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, Nhà nước cần tiếp tục bàn về đề án này để tiến tới xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại các nước góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
MTTQ Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ cũng sẽ thực hiện để hoàn thiện một dữ liệu điện tử về các nhà khoa học Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trong và ngoài nước, trong đó có các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, lấy đó làm cơ sở để có chính sách mời gọi, thu hút trí tuệ, chất xám của bà con kiều bào với quê hương đất nước.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nhắc tới văn hoá Việt thì Việt Nam còn có một truyền thống văn hóa lâu dài đó là truyền thống văn hóa gia đình.
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 nước trên thế giới duy trì xuất sinh thay thế và tỷ lệ lao động đảm bảo. Việt Nam coi vấn đề duy trì xuất sinh thay thế là tỷ lệ bền vững.
“Dân tộc Việt Nam sẽ còn ổn định về mặt dân số và có lợi thế ổn định về mặt lao động trong thời gian tới”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.
Trước những khó khăn về nợ công, tham nhũng, môi trường, an toàn thực phẩm thì năng suất lao động của người nông dân chỉ bằng 1/3 của người lao động thành thị, chia sẻ với bà con kiều bào, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn đất nước phát triển thì người lao động phải vươn lên sản xuất công nghệ cao và thành lập hợp tác xã.
Người Việt Nam chịu học, người Việt Nam sáng tạo là lợi thế để xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với đó, 4,5 triệu bà con ở nước ngoài, thành quả của 30 năm đổi mới và 20 năm hội nhập, đây là nguồn lực và thời cơ quan trọng giúp Việt Nam ổn định và phát triển.
“Nước Việt Nam còn phát triển và đi lên hơn nữa. Với niềm tự hào của người Việt Nam 4000 năm lịch sử, mỗi kiều bào hãy cùng đóng góp sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Tổ quốc Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng những đóng góp của những người con của mình”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bắt tay các đại biểu kiều bào tham dự.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng quà các đại biểu kiều bào tham dự.
Kiều bào Thái Lan tặng quà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu kiều bào tham dự.