Dịp này, chúng ta kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chặng đường gần một thế kỷ cũng là chặng đường vinh quang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nền báo chí tiên phong trong sứ mạng “phò chính, diệt tà”, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - khởi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.
Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam, và đặc biệt là ra tờ báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, ban đầu dự định xuất bản hàng tuần, nhưng do khó khăn khách quan nên không đều kỳ. Thông thường, mỗi số có 4 trang, khổ giấy 18 x 24cm. Về hình thức, phía trên trang nhất trong khung chữ nhật có tên báo bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, ở giữa có ghi số báo, phía dưới tên báo ghi ngày, tháng, năm ra báo. Báo có các chuyên mục phong phú như: Xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thi ca, phê bình, trả lời bạn đọc... In xong, báo được chuyển một cách bí mật về nước.
Tham gia viết bài cho Thanh Niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực, là linh hồn của tờ báo. Cùng đó là có các cây bút là những chiến sĩ cách mạng như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm... Nội dung chủ yếu của Báo Thanh Niên đặt vấn đề đoàn kết: Đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Cùng đó, Báo còn nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta trong suốt quá trình lịch sử. Báo tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, đề cập những vấn đề về đường lối của cách mạng Việt Nam, trong vai trò “người tuyên truyền cổ động và tổ chức tập thể” như V.I.Lênin đã nói.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ ta quyết định cho thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan, đã công nhận “Hội những người viết báo Việt Nam” là thành viên chính thức của tổ chức này. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên” xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
2. Kể từ khi thành lập tới nay, đã gần một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là dòng chảy mãnh liệt, dồi dào sức sống, sức chiến đấu.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, rất nhiều nhà báo đã xung phong ra tiền tuyến, trong số đó nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh. Sự xả thân, hy sinh của đội ngũ những nhà báo lớp trước, trong đó nổi bật là những phóng viên chiến trường đã hun đúc nên truyền thống cống hiến, tận hiến cho những thế hệ nhà báo kế tiếp.
Vun đắp những gì cao đẹp, đấu tranh phê phán nhằm loại bỏ trì trệ, tiêu cực, những điều xấu xa lẩn khuất trong xã hội, thế hệ những người làm báo Việt Nam hôm nay đã nhận lãnh trách nhiệm nặng nề mà cũng là sứ mệnh vinh quang. Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, nhiều đối tượng thoái hóa, biến chất bị báo chí phanh phui, tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong toàn xã hội đấu tranh với cái xấu, cái ác; để từ đó cơ quan chức năng xử lý rốt ráo. Báo chí trong sứ mệnh thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đã góp phần quan trọng tạo đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, trong hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, đại dịch khủng khiếp nhất trong vòng hơn 100 năm - thì toàn bộ hệ thống báo chí đã nhanh chóng vào cuộc, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân phòng, chống dịch.
Trong cuộc chiến đấu lần này, nhiều nhà báo đã vào tận vùng có dịch, vào vùng “lõi dịch” để phản ánh trung thực, nhanh nhất thực tiễn tình hình, cung cấp những thông tin nóng nhất, đúng nhất. Những bài báo, những tấm hình hết sức thực tế đó đã khích lệ các lực lượng trên tuyến đầu dập dịch, đồng thời tạo ra sức lan tỏa để tất cả người dân Việt Nam cùng chung sức chống dịch.
Nếu trong thời buổi chiến tranh, nhiều nhà báo ra chiến trường bom đạn. Thì nay, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều nhà báo đã có mặt tại những điểm nóng nhất của mặt trận này. Hiểm nguy cận kề không làm họ chùn bước.
Cũng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; báo chí đã góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí cũng đã góp phần tích cực trong việc kêu gọi mọi người hỗ trợ, giúp đỡ cho những người trong vùng có dịch, trong đó có việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân nhiều địa phương.
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua và ngay chính trong những ngày cam go này, chúng ta tự hào về nền báo chí cách mạng, một nền báo chí tiên phong, nền báo chí vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự hùng cường của đất nước.