Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, số trường hợp ngộ độc rượu có methanol đang tăng vọt so với nhiều năm gần đây. Riêng Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 34 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó 9 người tử vong.
Một ca cấp cứu ngộ độc rượu,
Gia tăng số người tử vong
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy số ca ngộ độc rượu methanol có xu hướng tăng nhanh. 10 năm qua, toàn quốc có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, làm 98 người chết (thống kê này chưa bao gồm ca ngộ độc rượu lẻ tẻ).
Vậy mà chỉ riêng 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 3 vụ ngộ độc tập thể do rượu methanol, với 78 người mắc và gần 20 người tử vong. Trong đó, riêng ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu vào tháng 2 đã có đến 10 người thiệt mạng, 68 người mắc.
Đáng ngại là các kết quả kiểm nghiệm từ các mẫu rượu còn lại trong các vụ ngộ độc rượu có người tử vong được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng methanol có trong rượu vượt ngưỡng cho phép từ 2.000 đến 9.000 lần…
Ông Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có 4 chùm ca bệnh ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Chùm ca 1 xảy ra vào tháng 1, địa điểm quanh bệnh viện 198, ba bệnh nhân đều tử vong. Chùm ca 2 cũng xảy ra tại Hà Nội vào tháng Hai, có 4 bệnh nhân thì có 2 trường hợp tử vong. Chùm ca ngộ độc rượu thứ 3 xảy ra vao cuối tháng Hai đầu tháng Ba với 6 bệnh nhân thì có 1 trường hợp tử vong.
Chùm ca ngộ độc rượu thứ 4 xảy ra ở Cầu Giấy với 9 bệnh nhân là sinh viên trọ tại khu vực Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội. Trong đó có 4 bệnh nhân bị giảm thị lực, 3 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương não, và 1 người được chẩn đoán sẽ để lại di chứng nặng nề. Trong số những ca tử vong do rượu, nguyên nhân có uống rượu có hàm lượng methanol ( cồn công nghiệp) cao chiếm đến gần 50%.
Tác hại nghiêm trọng
Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, methanol là một loại cồn rất độc, không được phép sử dụng trong rượu. Loại cồn này thường được sử dụng trong công nghiệp, trong phòng thí nghiệm làm dung môi... Tuy nhiên, thực tế vẫn có một hàm lượng methanol tự nhiên sinh ra khi sản xuất rượu, nhưng với lượng rất thấp.
Tại hội thảo về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao do Cục An toàn thực phẩm tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phân tích: Rượu có methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí gây chết ngay lập tức.
Theo BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau.
Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua. Về hệ thần kinh, lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Với mắt, lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu.
Phân tích về tác hại của rượu với sức khỏe con người, Tiến sỹ Trương Hồng Sơn- Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn đạt tới con số 3,3 triệu người tử vong/năm.
Trung bình, việc lạm dụng rượu bia có thể làm giảm đi khoảng 5 năm tuổi thọ của con người. Lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp liên quan đến 200 bệnh như: Xơ gan, ung thư, hệ thần kinh, tim mạch, đột quỵ… Lượng cồn càng nhiều thì độc tính càng cao và không phụ thuộc vào loại rượu.
Theo TS Sơn, nếu một người nam giới uống trung bình trên 80gr/ngày và nữ uống trên 60gr/ngày, uống liên tục trên 10 năm thì nguy cơ xơ gan đến 12-15%. Nếu uống > 160gr/ngày liên tục 7 ngày thì nguy cơ viêm gan do rượu sẽ xảy ra và nếu tiếp tục uống trên 8 năm thì nguy cơ xơ gan là 40%.
Nếu ngày nào cũng uống thì độc cho gan hơn là thỉnh thoảng mới uống. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… là biểu hiện ngộ độc, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm cả nước có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013) có quy định, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 100 độ. Tuy nhiên, trong các vụ ngộ độc do rượu chứa methanol gần đây thì hầu hết hàm lượng methanol trong rượu đều vượt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần cho phép.
“Cho tới nay, chúng ta không có cách nào để phân biệt được giữa loại rượu trắng nấu nghiêm chỉnh của người dân với những loại rượu có pha trộn Methanol cao. Người dân chỉ bằng cảm quan thông thường thì không thể phân biệt được. Methanol cũng có vị ngọt, dễ uống, không khác gì rượu bình thường”- BS Nguyễn Trung Nguyên chỉ rõ.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế mới đây đã có công văn số 1086/BYT-PC về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu gửi Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị cần quy hoạch, kiểm soát giảm mức độ gia tăng sản lượng rượu, bia, phù hợp với mức độ gia tăng của các nước, điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bổ sung một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công. Trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và rượu thủ công sản xuất cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình.
Methanol là một loại cồn rất độc, không được phép sử dụng trong rượu. Loại cồn này thường được sử dụng trong công nghiệp, trong phòng thí nghiệm làm dung môi... Tuy nhiên, thực tế vẫn có một hàm lượng methanol tự nhiên sinh ra khi sản xuất rượu, nhưng với lượng rất thấp. |