Không chỉ chú trọng sản phẩm du lịch đặc thù, TPHCM đang hướng đến bài toán phát triển dài hạn, cụ thể là chỉnh trang đô thị, “khoác áo mới” cho những con phố, ngõ nhỏ, các nút giao thông...
Làm mới “chiếc áo cũ”
Là người Lâm Đồng nhưng sống ở TPHCM đã 20 năm, anh Nguyễn Ngọc Thanh (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH VietLand) cho biết, anh khá bất ngờ khi chứng kiến sự đổi thay của phố phường thành phố chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây.
“Mới đây, tôi được một gia đình người bạn mời đến nhà chơi tại hẻm 115 Trần Quốc Thảo (quận 3). Quá ngạc nhiên khi một con hẻm trước đây chỉ rộng chừng 3,5m nổi tiếng với tờ rơi tín dụng đen dán chi chít trên tường hai bên hẻm thì nay được Đoàn Thanh niên, Mặt trận địa phương chỉnh trang lại bằng một công trình bích họa khá bắt mắt” - anh Thanh nói và cho biết thêm, không chỉ tại hẻm 115 Trần Quốc Thảo mà ngay tại nơi anh sống ở hẻm đường 63 (phường Bình Trưng Đông, Thủ Đức) hiện cũng đã hình thành tuyến hẻm bích họa sạch đẹp nhờ các họa sĩ nhí đã “khoác áo mới” cho các bức tường gạch cũ kỹ tại một bên vỉa hè giao cắt giữa hẻm 63 và hẻm 56 của phường.
Cũng như anh Thanh, gia đình bà Võ Thị Nam (ngụ phường 10, quận 6) cũng chứng kiến nhiều đổi thay của thành phố hàng chục năm qua. Bà Nam vui mừng cho biết, bà rất tự hào vì tuyến đường Lý Chiêu Hoàng nơi gia đình đang sinh sống đã được chỉnh trang “khoác áo mới” khi thời điểm tết cổ truyền đang đến gần. Hiện, trên tổng chiều dài tuyến đường hơn 1km này đã được mở rộng 16m, có 2 làn xe, dải phân cách, vỉa hè và 2 dải trồng cây, xanh rợp mát. Kể từ khi được chỉnh trang, đây là tuyến đường duy nhất trải dài kết nối qua cả 5 khu phố của phường 10 (quận 6) đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân đi lại và thuận tiện buôn bán, kinh doanh.
Không chỉ đối với người dân tại chỗ, anh Hoàng Tùng - nhân viên Bệnh viện K (Hà Nội) khi có dịp cùng đoàn vào tập huấn tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (tại quận Bình Thạnh) mới đây cũng chia sẻ, những tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) giờ đây được chỉnh trang thông thoáng và đẹp hơn so với thời điểm năm 2017. “Ấn tượng ở các nút giao thông, trạm xe buýt đều có hình ảnh giới thiệu về thành phố. Hầu như không còn những quảng cáo bôi bẩn ở các cơ quan, công trình, nhà dân khu vực trung tâm”. Theo anh Tùng, đây cũng là một trong những điểm mà anh thấy rất thích thú và bất ngờ so với suy nghĩ trước đây của mình về đô thị này.
Không chỉ có “hẻm bích họa”
Bên cạnh “hẻm bích họa”, chỉnh trang đường phố, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm việc với một số quận trung tâm, để lập các Đồ án quy hoạch chi tiết chỉnh trang đô thị phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ. Sau khi hoàn tất công tác lập quy hoạch, các cơ quan sẽ báo cáo thông qua Hội đồng Tư vấn về kiến trúc TPHCM để góp ý hoàn thiện, trước khi trình UBND TP xem xét phê duyệt.
Riêng tại quận 1, các bến thủy dọc hai bên bờ sông Sài Gòn (từ cầu Thủ Thiêm 1 đến Cột cờ Thủ Ngữ) và khu vực Công viên Bạch Đằng vừa qua đã được bàn giao đi vào sử dụng, đã trở thành một trong tốp những “điểm đến” tiêu biểu nhất của TPHCM đối với du khách trong và ngoài nước.
Mới đây, UBND TP cũng đã chủ trì, cùng Sở Du lịch tổ chức thành công Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023, mở đầu cho sự kiện du lịch sông nước lớn nhất từ trước đến nay của thành phố trong năm nay. Kể từ khi chủ trương chỉnh trang đô thị, chính quyền quận 3 (TPHCM) cũng tiến hành cải tạo 12 hẻm chật chội, xuống cấp trong năm nay, giúp cải thiện đáng kể khả năng lưu thông, phòng cháy chữa cháy, giảm ngập nước. Từ kết quả đạt được, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận 3 đang tiếp tục phát huy mô hình “Vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm” để đăng ký kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiều công trình mở rộng hẻm trong năm tới.
Không chỉ thu hút sự quan tâm của ngành du lịch và từng địa phương, ông Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho biết, để giảm thiểu tình trạng quảng cáo, rao vặt tín dụng đen gây mất mỹ quan đô thị thành phố, Sở này đã và đang phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức để triển khai xây dựng các tuyến mô hình đường văn minh - mỹ quan đô thị. Thành phố đưa ra các tiêu chí mẫu để các địa phương xây dựng tiêu chí đánh giá tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị trên địa bàn mình quản lý.
Ngoài các tuyến đường văn minh, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đang lên kế hoạch tham mưu, trình UBND TP ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Trong đó đề xuất giao cho UBND các cấp phường, xã, thị trấn về việc bố trí các vị trí lắp, dựng bảng quảng cáo rao vặt phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Thậm chí, có thể khai thác các nhà chờ xe buýt, trạm bảng tin xã, phường, thị trấn để vừa tạo tươi mới cho mỹ quan đô thị, vừa khai thác cho phát triển dịch vụ, du lịch và nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.