Câu chuyện tuyển sinh vào lớp của Hà Nội vẫn chưa giảm nhiệt khi báo cáo mới đây của Sở GDĐT cho thấy sau 3 năm nữa tổng số học sinh vào THPT sẽ tăng hơn 29.000 em. Áp lực để con có được suất vào trường công lập sẽ ngày càng căng thẳng, quyết liệt hơn.
Áp lực dồn lên vai học sinh
Sở GDĐT Hà Nội đã duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 30 trường công lập. Với việc hạ điểm chuẩn trúng tuyển, toàn thành phố sẽ có 78.623 học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập, chiếm 60,9% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ này cao hơn so với dự kiến đã công bố hồi tháng 3/2023 là 55,7%.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội được đánh giá là kỳ thi căng thẳng nhất trong các kỳ thi bởi chỉ có khoảng 60% thí sinh có cơ hội vào các trường công lập. So với các kỳ thi tuyển sinh trước đó, năm nay là năm có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 đông nhất. Các em phải cạnh tranh qua “cánh cửa hẹp” để nằm trong số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập.
Với kết quả 39,75 điểm, em Nguyễn Ngọc Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa đủ điểm đỗ vào Trường THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình. “Em cảm thấy nhẹ cả người”, là chia sẻ của Ngọc Anh sau một năm học lớp 9 em học tới mức quên ăn, quên ngủ để chuẩn bị cho cuộc đua này. Không riêng Ngọc Anh, hầu hết các thí sinh đều rơi vào tình trạng thiếu ngủ. Gần sát kỳ thi, mỗi ngày các em chỉ ngủ 5 tiếng. Những nhu cầu khác như: Rèn luyện kỹ năng, sức khỏe đều bị xếp sau.
Dẫu vậy, năm nay vẫn có khoảng hơn 30.000 học sinh ở Hà Nội không thể vào được lớp 10 công lập. Trong số này, không ít thí sinh có học lực giỏi, đạt điểm trung bình 8 điểm/môn nhưng vẫn trượt tất cả các nguyện vọng vì không có “chiến thuật” đăng ký nguyện vọng phù hợp. Tính cạnh tranh của kỳ thi vào lớp 10 ngày càng khốc liệt khiến nhiều người cho rằng, cuộc thi này đang khó hơn cả thi đại học. Bởi chỉ cần một chút sơ sẩy trong sắp xếp thứ tự nguyện vọng hay không may đăng ký vào các trường có tỷ lệ chọi cao thì thí sinh rất dễ có khả năng mất đi cơ hội đỗ vào trường công lập.
Rõ ràng, việc học tiếp lớp 10 THPT công lập chỉ là một trong nhiều hướng lựa chọn cho học sinh sau THCS, chứ không phải cánh cửa duy nhất song áp lực thi cử vẫn đè nặng lên vai học sinh, phụ huynh là một thực trạng đã tồn tại trong nhiều năm qua. Bởi nhiều gia đình vẫn có tâm lý không sẵn sàng cho con học nghề sau khi các em học hết bậc học này hay không có đủ điều kiện về tài chính để có thể cho con học trường tư thục. Chị Nguyễn Thu Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) – phụ huynh học sinh có con năm nay lên lớp 9 cho hay: “Học trường tư thục sẽ là gánh nặng lớn vì học phí trường tư cao hơn nhiều so với trường công lập, trong khi thu nhập của chúng tôi không đủ để đáp ứng. Hơn nữa, không phải trường tư thục nào chất lượng cũng tốt. Bởi vì những nỗi lo đó, chúng tôi không còn cách nào khác, đồng hành cùng con, cố gắng giành suất vào trường công”.
Ưu tiên quỹ đất xây dựng trường công lập
Áp lực tuyển sinh lớp 10 công lập hiện nay đặc biệt gia tăng ở khu vực nội thành của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM do dân số cơ học tăng mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo khẳng định của Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, việc thiếu chỗ học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn đông dân cư, nhất là ở các quận Hoàng Mai, Từ Liêm, Nam Từ Liêm... Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết những bất cập này.
Thủ đô có những cái khó về quy hoạch mạng lưới trường lớp thế nhưng không thể tiếp diễn tình trạng quá tải vào lớp 10 THPT công lập như hiện nay. Chứng kiến tình cảnh phụ huynh chầu chực tại cổng trường, vạ vật xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con vào lớp 10 tại một số trường tư thục ở Hà Nội những ngày qua, GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận, Hà Nội không quá thiếu trường học nhưng nguyên nhân khiến phụ huynh xếp hàng cả đêm thực chất là họ mong muốn tìm trường chất lượng cao hoặc phù hợp với điều kiện sống để gửi gắm con. Nhu cầu này phản ánh thực tế chất lượng giáo dục giữa các trường THPT tại Hà Nội đang không đồng đều.
GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Thi vào lớp 10 mà khó hơn thi đại học là nghịch lý. Bậc trung học gồm: THPT và trung cấp nghề phải được phổ cập. Học trường công với chi phí thấp là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh khi mà chi phí theo học tại trường tư thục quá cao so với thu nhập của đại đa số các gia đình. Thủ đô là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học lớn của cả nước. Vì vậy, ngành giáo dục cần phát huy bài học kinh nghiệm của ông cha ta, làm sao để giáo dục Thủ đô được đầu tư mạnh mẽ cùng quá trình phát triển của kinh tế xã hội”.
TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, 3 Giáo dục của Quốc hội) không phủ nhận thực tế là Hà Nội đang thiếu trường công lập. Bởi vậy, Hà Nội chưa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của trẻ em là quyền được học hành.
Theo ông Chức, ngày nay chuyện “cơm ăn áo mặc” hầu hết ai cũng có nhưng chuyện được học hành lại trở nên khó, nhất là ở các thành phố lớn. Thậm chí, bậc mẫu giáo, phụ huynh phải canh suốt đêm, bốc thăm phiếu dựa trên may rủi để con có cơ hội học trường công lập. Việc này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh phía cơ quan chức năng cần có kế hoạch rõ ràng, tổng thể để giải quyết, không để tình trạng này kéo dài mãi.
Để giải quyết vấn đề này, ông Chức đề xuất, công tác phân luồng cần làm tốt và hiệu quả. Cùng với đó, rà soát quỹ đất, xây mới thêm nhiều trường học, đáp ứng nhu cầu học sinh. Đồng thời khuyến khích phát triển trường tư thục. Khi hệ thống trường tư phát triển hơn, sức cạnh tranh giữa các trường sẽ tăng và học phí sẽ giảm bớt. “Đây là một việc làm khó, nhưng nếu tập trung làm được thì chắc chắn sẽ dẫn tới những hiệu quả tốt, nâng cao đời sống xã hội, đồng thời góp phần vào việc đáp ứng yêu cầu nhân lực trong tương lai” - TS Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, Sở GDĐT Hà Nội đã có dự báo số lượng học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS trong 3 năm học tới. Đây là căn cứ quan trọng để Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tham mưu lãnh đạo thành phố ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường ở cấp THPT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô.
Giai đoạn từ nay tới năm 2025, TP Hà Nội tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp thành phố có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỉ đồng, trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.