Bài học nào cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhìn từ doanh thu đêm diễn Black Pink?

Hoàng Vân 08/08/2023 13:02

Con số doanh thu 630 tỷ đồng từ khách du lịch sau 2 đêm diễn diễn của Black Pink cho thấy sức hút của ngành công nghiệp văn hóa. Nhiều chuyên gia đưa ra đánh giá, phân tích cũng như đề xuất giải pháp về chính sách thu hút các chương trình mang đẳng cấp quốc tế tương tự.

Nhóm Black Pink tạo cơn sốt tại Việt Nam, giúp du lịch phát triển. Ảnh: Phượng Hoàng.

Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink đạt khoảng 630 tỷ đồng.

Cụ thể, lượng khách tham gia chương trình tại sân vận động Mỹ Đình ước đạt 70.000 lượt với khoảng 3.000 khách quốc tế. Khoảng 65% khách nước ngoài có lưu trú, đến chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc).

Đúng như đánh giá của nhiều chuyên gia trước đó, sự kiện là bước đệm “vàng” để Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch.

Cơ hội cho thị trường văn hóa

Đánh giá về con số trên, ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông nhận định: rõ ràng con số trong báo cáo từ Sở Du lịch Hà Nội là ấn tượng, nhưng không phải 630 tỷ đồng này có được là nhờ bản thân show diễn của Black Pink.

Phần nào đó, số lượng du khách đến Hà Nội, chủ yếu là từ các tỉnh thành trong nước, chi tiêu cho thời gian lưu trú để xem show Born Pink, sẽ tạo ra một nguồn thu đáng kể cho Hà Nội, và điều này minh chứng cho lợi ích to lớn của công nghiệp văn hoá. Nhưng lẽ ra, ngành du lịch hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.

“Chuyến du diễn của Black Pink là một dịp hiếm hoi cho thị trường văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhưng chúng ta chưa tận dụng được cơ hội này. Sự thiếu chắc chắn và lùm xùm về khả năng được phép biểu diễn hay không trong suốt 3 tuần trước sự kiện khiến nhiều người ngần ngại mua vé, thậm chí còn cố “pass” (bán lại) vé đã mua. Ban đầu, Ban Tổ chức có lẽ kỳ vọng bán được nhiều hơn rất nhiều con số người xem thực tế, nhưng cổng bán vé đã bị đóng sớm. Người nước ngoài lại càng khó có thể liều lĩnh book chuyến bay sang Việt Nam để xem show này.

Thêm vào đó, Hà Nội hoàn toàn không có một chương trình xúc tiến du lịch nào hướng tới tệp khách hàng mục tiêu. Lại càng không có những chiến dịch quảng bá điểm đến hay hỗ trợ thương mại, bán chéo (cross sales) nhằm gia tăng doanh thu cho thành phố trong dịp này. Thuần tuý chúng ta trông chờ vào cơn sốt tự thân từ hiệu ứng hâm mộ ban nhạc”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo ông Vinh, nhiều ban nhạc và các nhà đầu tư rất muốn đưa các chương trình đẳng cấp quốc tế đến Việt Nam, nhưng họ e ngại thị trường chưa sẵn sàng, nên vẫn lựa chọn các nước láng giềng của chúng ta, như Singapore hay Thái Lan. Người Việt đang chuyển khá nhiều tiền ra nước ngoài để được thưởng thức các chương trình lớn.

Ở các nước, những chương trình lớn không chỉ nhằm mục đích phục vụ nhu cầu giải trí địa phương, mà là hướng tới du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ đi kèm và quảng bá điểm đến.

Theo tìm hiểu, tại Thái Lan, thời điểm diễn ra concert nhóm nhạc Black Pink, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) còn tham gia bảo trợ cho show diễn để xúc tiến du lịch và đã thu hút khách du lịch từ Malaysia, Singapore và Hồng Kông (theo Bangkok Post).

Ông Thapanee Kiatphaibool, Phó Tổng cục trưởng TAT, phụ trách marketing nội địa, năm nay, giá trị các concert ở Thái Lan vào khoảng 150 triệu đôla (5 – 6 tỷ baht), và dự báo năm sau sẽ tăng từ 10 – 15%.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp văn hóa?

Dễ thấy, tuy còn nhiều bất cập và khó khăn, nhưng 2 đêm concert của Black Pink đã chứng minh được sự hấp dẫn và khả năng thu hút lớn.

Như vậy, có thể nói, thị trường âm nhạc giải trí, hay rộng hơn là thị trường công nghiệp văn hoá ở Việt Nam không phải là chưa hình thành, trái lại âm ỉ như từng đợt sóng ngầm mạnh mẽ. Bởi, du khách có thể dành ra những khoản chi không nhỏ cho những sản phẩm văn hoá mà họ thực sự yêu thích. Chỉ có điều, hiện ngành công nghiệp văn hóa vẫn cần có chất xúc tác để thị trường “bùng nổ” hơn.

Đêm nhạc Black Pink để lại nhiều bài học quý giá cho ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Ảnh: K- Crush.

Để làm rõ những tồn tại cũng như tìm hướng phát triển cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, PV Đại Đoàn Kết Online có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Phóng viên:Ông đánh giá thế nào về lợi ích hai đêm diễn của Black Pink mang đến cho Hà Nội?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Rõ ràng 2 đêm diễn vừa qua của Black Pink tại Hà Nội đã cho chúng ta những trải nghiệm khác biệt, có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa khác nhau cho Hà Nội cũng như cả nước.

Hai đêm diễn của Black Pink thu hút đông đảo fan hâm mộ từ khắp nơi đến Hà Nội để tham dự sự kiện, tạo ra lượng lớn khách du lịch và gia tăng thu nhập từ ngành du lịch của thành phố.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 7 này lượng khách du lịch đến với Thủ đô ước tính 2,38 triệu lượt khách, tăng xấp xỉ 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó lượng lớn du khách đến Hà Nội nhờ sức hút của đêm diễn của nhóm Black Pink.

Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm tạm thời và tăng thu nhập cho các người dân địa phương. Đây chính là tiềm năng cho sự phát triển song song của lĩnh vực âm nhạc và kinh tế du lịch mà chúng ta cần nắm bắt.

Không chỉ là doanh thu và việc làm, sự kiện âm nhạc này còn giúp quảng bá hình ảnh Hà Nội. Black Pink là một trong những nhóm nhạc Kpop nổi tiếng trên toàn thế giới, và hai đêm diễn tại Hà Nội đã thực sự giới thiệu Thủ đô của chúng ta đến hàng triệu fan hâm mộ toàn cầu. Điều này giúp quảng bá hình ảnh và danh tiếng của Hà Nội trên bản đồ âm nhạc quốc tế và nâng cao sự nhận thức về thương hiệu Hà Nội - thành phố sáng tạo của UNESCO.

Việc Hà Nội tổ chức một sự kiện âm nhạc lớn với sự tham gia của một nhóm nổi tiếng như Black Pink thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, bao gồm cả những người không phải là fan hâm mộ nhóm nhạc này giúp mở ra cơ hội để giao lưu văn hóa và thể hiện đa dạng âm nhạc giữa các nền văn hóa khác nhau, đồng thời đẩy mạnh ngành công nghiệp giải trí và âm nhạc.

Bên cạnh những mặt tích cực, không thể phủ nhận, qua sự kiện vừa rồi, Việt Nam vẫn cho thấy một vài sự yếu kém khi thực hiện các sự kiện âm nhạc quốc tế?

- Đối với việc tổ chức một sự kiện âm nhạc quốc tế lớn, trong một thời gian chuẩn bị ngắn, chắc chắn sẽ có những vấn đề chưa như ý xảy ra, và đó trở thành những bài học kinh nghiệm để chúng ta tổ chức tốt hơn các sự kiện văn hóa quốc tế sau này.

Để làm được điều đó, theo tôi, chúng ta cần chú ý mấy điểm sau: Thứ nhất là việc đón tiếp và tổ chức một sự kiện quy mô lớn, đòi hỏi các đơn vị tổ chức cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp trong mọi khía cạnh. Thứ hai là có sự hợp tác chặt chẽ với nhà tổ chức nước ngoài. Cuối cùng, là việc xử lý các vấn đề về bản quyền.

Chúng ta cần có chính sách cụ thể như thế nào để thu hút các chương trình mang đẳng cấp quốc tế tương tự?

- Công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hoá muốn phát triển thì phải phát triển đầy đủ như một thị trường của các ngành kinh tế khác: Nhân lực sáng tạo (nghệ sỹ, người làm sáng tạo), doanh chủ (người bỏ tiền đầu tư), doanh nhân, nhà quản lý (người vận hành), khách hàng (người trả tiền mua sản phẩm), hệ thống phụ trợ (các nhà cung ứng dịch vụ, sản xuất), hệ thống đào tạo (nguồn nhân lực), và hệ thống chính sách phù hợp (quản lý nhà nước).

Lý do ta chưa phát triển được là vì tư duy quá thiên lệch về một hai thành phần trong cái hệ sinh thái này.

Hiện tại, chính sách của ta chưa có nhiều ý nghĩa hỗ trợ phát triển cho các nhà đầu tư, kinh doanh công nghiệp văn hoá. Muốn có những sản phẩm tốt thì phải có những nhà kinh doanh dám đầu tư vào một lĩnh vực rất khó và chưa có tiền lệ như thế này. Trái lại, chúng ta thấy các chính sách hiện hữu thường theo xu hướng kiểm soát, có những nơi còn tỏ ra khắt khe và thiếu đồng cảm với những người tổ chức, kinh doanh. Đó là sự thiệt thòi cho ngành công nghiệp văn hoá.

Trước đây, khi muốn thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, chúng ta có những chính sách trải thảm đỏ, ưu đãi tối đa, để họ mang tiền và công nghệ sang Việt Nam. Nếu nhận thức được giá trị của công nghiệp văn hoá, vì sao chúng ta không có những chính sách thu hút đầu tư như vậy?

Công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hoá không cần tốn nhiều nguồn lực đất đai, càng không cần sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Tỷ suất lợi nhuận trong hoạt động tổ chức sự kiện, tổ chức chương trình văn hoá nói chung là tốt, nếu được công khai, minh bạch hoá các khoản chi phí và thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học nào cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nhìn từ doanh thu đêm diễn Black Pink?