Liên kết và hợp tác để cùng phát triển, đó là lợi thế mà các doanh nghiệp bán lẻ nội đang tận dụng để hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Hạn chế những “gã khổng lồ” bán lẻ ngoại gây áp lực, ngành bán lẻ nội đang từng bước xây dựng được thương hiệu, vị thế, niềm tin với người tiêu dùng. (Xem tr. 6)
Liên kết và hợp tác, cùng tìm ra những điểm mạnh của nhau để phát triển, đó là những lợi thế mà các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội đang tận dụng để phát triển. Không còn bị những “gã khổng lồ” bán lẻ ngoại gây áp lực, bán lẻ nội đang từng bước xây dựng được thương hiệu, vị thế, niềm tin cho người tiêu dùng.
Xoay chuyển tình thế
Khác với một thời bị “ép sân”, những năm gần đây, bộ mặt của ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Thay vì hoạt động riêng lẻ, rời rạc, các DN bán lẻ nội đã có sự bắt tay, liên kết với nhau để cùng phát triển. Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa các DN với nhau là “mối nhân duyên” giữa 2 tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành một tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam.
Giới chuyên gia ngành bán lẻ nhận định, đây là “một phép cộng đẹp” cho sự thay đổi nhận thức về hợp tác giữa các DN bán lẻ Việt. Sự hợp tác này còn làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN bán lẻ Việt Nam.
Nhìn bao quát bức tranh của thị trường bán lẻ, không khó để nhận ra rằng, sự lớn mạnh của các nhà bán lẻ nội đã tạo nên những điểm bứt phá cho thị trường này. Liên tục trong 1-2 năm gần đây, các DN bán lẻ nội đã rất nỗ lực mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể, giữa năm 2018, Saigon Co.op đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Vincom Retail của Vingroup đang sở hữu trên 80 trung tâm thương mại trên toàn quốc và gần như không có đối thủ trong phân khúc bán lẻ này. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ với hơn 2.500 điểm bán đang tăng tốc với những cú bắt tay liên kết của The CrownX là đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ trực thuộc Masan.
Rõ ràng, đó là một bức tranh về sự hợp tác, liên kết một cách tự nguyện, đầy tính bổ trợ cho nhau của các DN ngành bán lẻ, chính điều này đã giúp bán lẻ nội dần mở rộng thị phần, tạo sức bật lớn. Và tất nhiên, những động thái của các nhà bán lẻ nội đã khiến cục diện thị trường bán lẻ thay đổi, xoay chuyển tình thế, đó là khi thị trường chứng kiến sự rút lui của những tên tuổi DN bán lẻ ngoại như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức) và một số “ông lớn” khác.
Chủ động nắm giữ thị phần
Khẳng định đây là những “bước chuyển mình” khá ngoạn mục của các DN ngành bán lẻ, giúp bán lẻ nội nắm giữ thị phần trên sân nhà, tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia lĩnh vực bán lẻ, việc giữ thị phần đối với bán lẻ nội không phải là vấn đề đơn giản. “Bán lẻ nội giành được thị phần đã khó, nhưng giữ được thị phần còn khó hơn. Các DN Việt cần phải tự giác hoàn thiện mình về mọi mặt, từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, đáp ứng với nhu cầu của thời đại công nghệ số để tiếp tục phát triển nhanh trong lĩnh vực bán lẻ” - ông Phú nói.
Theo ông Phú, các DN bán lẻ phải chủ động gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh, đó cũng chính là đảm bảo ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt.
Hiện nay, trước những khó khăn rất lớn do tác động của dịch Covid-19, việc mở rộng hệ thống phân phối trong nước để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng nông sản, thực phẩm đang rất cần thiết. Điều này không những giải quyết được đầu ra cho hàng hóa của bà con nông dân sau khi thu hoạch, mà còn tạo nguồn hàng cho bên phân phối, đảm bảo chuỗi cung ứng được đều đặn, nhịp nhàng.
Bên cạnh đó, ông Phú cũng cho rằng, các hệ thống phân phối, các nhà bán lẻ Việt cần có chủ trương ưu tiên cho hàng hóa Việt. Đặc biệt, với hàng hóa nông sản, thực phẩm cần có được sự cam kết tiêu thụ của các nhà bán lẻ mà không bị ép giá, ép cấp hoặc đưa những mức chiết khấu cao vô lý đối với hàng hóa kí gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất.
Giới chuyên gia cũng nhận định, những chuyển biến của ngành bán lẻ nước nhà ở thời điểm này được bộc lộ rất rõ nét. Những tên tuổi, thương hiệu của bán lẻ nội như Co.op Mart, Vinmart... đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường này khi ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. Bởi vậy, trong “cuộc đua giành thị phần” của thị trường bán lẻ, đây là thời điểm, thời cơ thích hợp để các DN nội tiếp tục bứt phá, tự tin làm chủ “sân nhà”.
Các DN bán lẻ Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là các DN nhỏ và vừa, chưa có những tập đoàn bán lẻ lớn nên sự hợp tác, liên doanh liên kết một cách có trách nhiệm sẽ là yếu tố giúp ngành bán lẻ phát triển và ổn định và bền vững.