Bao giờ hết khó tự chủ đại học?

Dung Hòa 15/05/2023 14:00

Quan tâm tới công cuộc tự chủ đại học (ĐH) hiện nay, các chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện đang có sự lẫn lộn, xung đột giữa cơ chế tự chủ với chủ quản.

Sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: TL.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - cao đẳng Việt Nam, việc thực hiện cơ chế tự chủ ĐH đang còn nhiều khó khăn, lúng túng. Ông Khuyến cho rằng, đang có sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho trường ĐH với việc nhà nước phân quyền cho cơ sở, cũng như với đòi hỏi cơ sở phải tự túc về tài chính. Hiện nay, đang có sự lẫn lộn, xung đột giữa cơ chế tự chủ với chủ quản.

Ông Khuyến khẳng định, giải quyết tình trạng này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cần có chỉ đạo của cấp cao, giao cho các cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng về tham mưu việc điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng nhất quán thực hiện chủ trương tự chủ ĐH. Hiện nay, tuy chưa đầy đủ nhưng có sự không đồng bộ giữa Luật Giáo dục ĐH với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn như Luật Ngân sách, Đầu tư công, Quản lý tài sản công, Đấu thầu, Xây dựng, Viên chức…

Do đó, ông Khuyến nêu một số quan điểm cần được thống nhất để mở đường cho giáo dục ĐH Việt Nam có tự chủ đích thực. Cụ thể, không đánh đồng tự chủ ĐH với tự túc về nguồn lực. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường ĐH tự chủ, trái lại cần tăng cường hỗ trợ cho các trường triển khai thành công chủ trương tự chủ ĐH, xem đó như những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia. Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường ĐH, đặc biệt đối với các trường ĐH công lập, cần xóa bỏ cơ quan chủ quản. Trao quyền tự chủ cần xác định trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường ĐH cho cá nhân, mà phải là tập thể lãnh đạo. Tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường - đó chính là Hội đồng trường.

Mới đây nhất, tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH trong bối cảnh tự chủ" do Hiệp hội Các trường ĐH – cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ tổ chức, các chuyên gia giáo dục đã đề xuất các giải pháp khả thi tháo gỡ những nút thắt này.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến - thành viên Hiệp hội Các trường ĐH - cao đẳng Việt Nam cho rằng: Trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục ĐH đã bộc lộ những hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến quyền và khả năng tự chủ của các trường, đặc biệt là về lĩnh vực tài chính, như: Về mức độ giao quyền tự chủ trên các lĩnh vực; cơ chế khuyến khích các trường tự chủ; hoạt động liên doanh liên kết; việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất cho thuê…. Tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng cần phải chú ý đến quyền định đoạt đối với các khoản thu và chi. Đây là bất cập cần phải có những giải pháp và tháo gỡ kịp thời.

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT chia sẻ, trong bối cảnh dịch chuyển từ cung cấp nhân lực cho kinh tế công nghiệp sang cung cấp nhân lực cho dịch vụ, kinh tế tri thức trong khi công nghệ thay đổi hiện nay, nhiều khi chính sách chưa theo kịp sự phát triển của các trường. Nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ nhưng quá trình lại kéo dài, khi đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các trường.

Đơn cử như liên quan đến học phí. Trong khi phần chi phí đầu tư cho giáo dục còn thấp, thay vì miễn học phí thì nên tiếp tục thu để đầu tư cho giáo dục, tất nhiên đối tượng nào cần miễn thì vẫn miễn. Sau đó dùng tiền học phí này nâng lương cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục thì tốt hơn nhiều, vì học phí hiện nay chỉ vài trăm nghìn đồng thì không phải quá sức người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao giờ hết khó tự chủ đại học?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO