Ngay vào đầu năm học mới 2024- 2025, tình trạng bạo lực học đường đã xảy ra ở một số địa phương. Làm cách nào để giảm bạo lực học đường luôn là câu hỏi, nỗi trăn trở của không chỉ nhà trường, phụ huynh mà của toàn xã hội.
Trên mạng xã hội những ngày qua lan truyền video ghi lại cảnh hai học sinh Trường THCS-THPT Hoàng Diệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh nhau trong lớp học. Cụ thể, vào giờ nghỉ giữa tiết, học sinh lớp 10A2 là N.V.T.H. liên tiếp đấm, đánh vào mặt bạn cùng lớp V.M.Đ. kèm theo những lời chửi bới. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã vào cuộc, nắm bắt thông tin và mời học sinh, phụ huynh các em tới để làm rõ và xử lý sự việc. Nhà trường cũng yêu cầu em T.M.N. - người quay clip, tường trình sự việc. Nhận biết được hành vi chưa đúng của mình, nam sinh này hứa sẽ không tiếp tục vi phạm các quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Hiện Ban Giám hiệu Trường THCS-THPT Hoàng Diệu đang tạm đình chỉ học tập đối với học sinh H. và N. Thời gian tạm đình chỉ là 3 ngày, từ ngày 16/9 đến 18/9. Hội đồng kỷ luật của nhà trường sẽ họp và có quyết định hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng học sinh.
Nguyên nhân của sự việc vẫn đang được làm rõ, nhưng câu chuyện ứng xử trong môi trường học đường lại một lần nữa được đặt ra. Cũng giống như một xã hội thu nhỏ, trong trường hợp xảy ra va chạm, xích mích thì việc một người mất kiềm chế, xung quanh là đám đông xúi giục mạnh hơn một số ít người ngăn cản sẽ khiến hậu quả càng nguy hiểm hơn.
Hay mới đây, chỉ sau khai giảng năm học mới 2024- 2025 vài ngày, khi có những vùng học sinh không thể đến trường vì bão lũ, thì ngay trước cổng Trường THPT Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau do mâu thuẫn lúc đá bóng.
Ngay sau mỗi sự việc xảy ra hoặc bị phát hiện, dư luận bức xúc lên tiếng. Nhà trường và các đơn vị, cá nhân có liên quan cũng đưa ra các giải pháp xử lý, ngăn chặn. Nhưng như vậy đã thực sự ngăn chặn được nạn bạo lực học đường hay chưa? Bởi liên tiếp các vụ việc vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau.
Theo báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, gây bức xúc trong dư luận. Đây là một trong những tồn tại của ngành mặc dù thời gian qua đã có những giải pháp để ngăn chặn, kiềm chế vấn nạn này.
Một trong những nguyên nhân nhiều chuyên gia chỉ ra đó là do việc xử lý học sinh vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 3 hình thức kỷ luật đó là nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đến nạn nhân, khiến các em chịu thương tổn nặng nề không chỉ thể xác mà tâm hồn, tâm lý dẫn đến chọn kết thúc cuộc sống của mình như trường hợp một nữ sinh ở Nghệ An nghi là do bị bạo lực học đường một thời gian dài.
Nếu không may rơi vào tình trạng bị bạo lực học đường, các chuyên gia chỉ ra một số kỹ năng để phòng tránh, giảm thiểu tác động nhất. Theo võ sư, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, các em học sinh hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học, hay khi ra chơi, đừng đi một mình. Nếu đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt vì tâm lý kẻ bắt nạt thích săn những con mồi yếu hơn mình.
Chuyên gia tâm lý PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có hệ thống sàng lọc những học sinh có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Công tác theo dõi, dự báo, các chương trình định kỳ thường xuyên để giúp cha mẹ, học sinh và giáo viên nhận diện được những hành vi bắt nạt, cách thức ứng xử phù hợp… Trong đó, người lớn phải làm gương. Cùng với đó kết hợp với các tổ chức xã hội để ngăn chặn và loại trừ những tội phạm bạo lực diễn ra xung quanh trường để kiến tạo một môi trường học đường an toàn hơn cho các em.