Với hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có gần 6.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh của Việt Nam. Tuy nhiên, một thời gian dài do khai thác quá mức nên nhiều cây thuốc quý đã biến mất.
Vùng trồng cây thuốc theo tiêu chuẩn VietGap tại Quản Bạ, Hà Giang.
Thật đáng mừng là thời gian qua, nhiều địa phương bắt đầu chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển những giống cây thuốc quý, gắn với phát triển kinh tế.
Điển hình nhất là việc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để bảo tồn và phát triển loài ngải đen tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2019-2022)”. Một vườn lưu giống 500 cây ngải đen tại khu vực rừng Pù Luông đã hình thành, không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi khu bảo tồn khi trồng loài cây quý này.
Ngải đen là loài cây có giá trị kinh tế cao, thường được người dân tìm mua nhiều, trong khi cây mọc tự nhiên ngày càng ít đi. Vì vậy thực hiện đề tài này thành công sẽ giúp Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tìm ra các biện pháp kỹ thuật nhân giống và gây trồng, đồng thời xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá khả năng phát triển và giá trị kinh tế của loài, từ đó nhân rộng mô hình trong cộng đồng.
Cùng với việc khai thác cây dược liệu trong tự nhiên, thì nhiều địa phương đã phát triển cây thuốc bằng cách trồng theo lối công nghiệp. Điển hình trong đó phải kể đến thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Hà Giang). Mấy năm trước, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam đã triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý của người Dao” tại HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm. Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã khắc phục tình trạng tuyệt chủng của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác triệt để, thu mua hàng loạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm trước đây.
Trước đây, với đồng bào Dao trồng dược liệu hàng hóa là một nghề hoàn toàn mới bởi bà con chưa quen với kỹ thuật trồng, nhất là ở vùng đồi núi, đất xen đá như Quản Bạ. Tuy nhiên, khi trở thành các thành viên HTX, bà con đã được các chuyên gia tư vấn kỹ thuật gieo trồng, cách giữ gìn môi trường sản xuất an toàn; được hướng dẫn cách trồng cây thuốc tại vườn nhà và thực hành quy trình nhân giống một số loài cây thuốc. Hiện HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm đã có vườn ươm cây dược liệu rộng hàng nghìn mét vuông, lưu giữ nhiều loài cây thuốc quý như bình vôi, cơm cháy, đương quy Nhật Bản, kim ngân, a-ti-sô... Cùng với kỹ thuật gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ gìn môi trường chế biến an toàn. Vì vậy dược liệu của HTX luôn bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất.
Hiện HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, nồi chưng cất tinh dầu, dây chuyền nấu cao thảo dược để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, dễ bảo quản, dễ sử dụng. HTX kết hợp sản xuất với việc giới thiệu và bán sản phẩm tại các cơ sở du lịch cộng đồng… Nhờ đó, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây đã được nâng lên đáng kể. Thôn có 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đã có nhiều hộ khá và chỉ còn duy nhất một hộ nghèo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn còn chữa bệnh bằng những loại cây có sẵn trong tự nhiên. Và hiện nay, xu thế chung của toàn cầu là dùng những loại thuốc điều trị bệnh có nguồn gốc thảo dược, thành phần từ tự nhiên để đảm bảo tính an toàn. Vì vậy, đây chính là những hướng đi đúng và rất kịp thời.