Sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được chú trọng bảo tồn. Dẫu vậy, trong khi nhiều nghệ nhân giỏi tuổi tác cao lần lượt qua đời, thì thế hệ trẻ ngày nay lại không mặn mà gìn giữ di sản văn hóa truyền thống. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh.
PV: Thưa ông, là người sâu sát hành trình phát triển của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, theo ông sau hơn 10 năm trở thành di sản văn hóa của nhân loại, công tác bảo tồn loại hình này đang vướng những khó khăn gì?
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: Trong hơn 10 năm qua, công tác bảo tồn đối với di sản cồng chiêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các dòng văn hóa tín ngưỡng và sự biến đổi của xã hội hiện đại hóa đã làm thay đổi môi trường văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, khiến cho công tác bảo tồn di sản này cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường khiến không gian văn hóa cồng chiêng với những bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng… đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa. Đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú, với sự xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới giới trẻ, khiến sức hút của cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc khác không còn hấp dẫn giới trẻ như trước. Lớp trẻ chưa thật sự yêu thích, quan tâm đến cồng chiêng trong khi nhiều nghệ nhân giỏi do tuổi tác cao, đã quên hoặc mất dần.
Lâu nay, các địa phương trong khu vực đã làm được nhiều việc nhằm bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, nhưng đó là những nỗ lực tự thân, nên chăng Bộ VHTT&DL có một dự án chung cho vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên, trình Chính phủ duyệt càng sớm càng tốt.
Việc giải quyết những thách thức nói trên là không đơn giản và không thể hoàn thành một sớm một chiều. Tuy nhiên, đây là yêu cầu bắt buộc và thôi thúc với các cơ quan chức năng, những người có chung niềm quan tâm tới di sản độc đáo này, bởi lẽ, không gian văn hóa cồng chiêng là di sản của vùng Tây Nguyên, nhưng di sản còn là minh chứng cho vốn văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam trước nhân loại.
Với việc bảo tồn các di sản phi vật thể thì điều vướng mắc luôn gặp khó ở các chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Theo ông, lâu nay chúng ta thực hiện công việc này đã thực sự rốt ráo?
- Trong đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất năm 2015, đã có 52 người thực hành cồng chiêng tại 5 tỉnh Tây Nguyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu. Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được ban hành năm 2015, nhưng việc áp dụng còn chậm. Mặc dù vậy, đã xuất hiện mô hình chung tay giúp đỡ nghệ nhân cồng chiêng với sự tham gia hỗ trợ, đóng góp của nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm tới di sản.
Nằm trong những nỗ lực để bảo tồn di sản cồng chiêng, những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt trao tặng Bằng công nhận nghệ nhân dân gian có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để bảo tồn một cách bền vững di sản, mà đây là việc làm đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Nguyện vọng của những địa phương có cồng chiêng mà chúng tôi từng tiếp xúc, đó là Nhà nước cần tiếp tục duy trì, phát huy những chính sách đã có cho các nghệ nhân, đồng thời phát hiện và công nhận đóng góp và có hình thức tôn vinh xứng đáng cho những người truyền nghề trong dân gian.
Biểu diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Vậy để có một cái nhìn toàn cảnh về công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, theo ông chúng ta đã làm được những gì?
- Từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2005), loại hình này đã có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy tính đa dạng văn hóa của vùng miền, quốc gia.
Theo cam kết với UNESCO, cơ quan chức năng, các địa phương có di sản này đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Trong 10 năm qua, các tỉnh có di sản cồng chiêng Tây Nguyên đều có các đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản này, như: Dự án Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Nông do UNESCO tài trợ (từ năm 2007 - 2010); đề án Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk (giai đoạn 2007 - 2010 và 2012 - 2016)... qua đó góp phần ngăn chặn sự “chảy máu” không gian văn hóa cồng chiêng. Tỉnh Đắk Nông đã thành lập được 8 câu lạc bộ cồng chiêng và 8 đội văn nghệ dân gian; tỉnh Đắk Lắk thống kê được 2.307 bộ chiêng đủ; trên 4.400 người biết diễn tấu cồng chiêng; dạy đánh cồng chiêng; tỉnh Kon Tum có 427 đội nghệ nhân cồng chiêng... Hoạt động truyền dạy cồng chiêng tại các địa phương đang được ưu tiên và triển khai hiệu quả. Các nghệ nhân vừa thực hành vừa trực tiếp truyền dạy nghề cho các thế hệ kế cận. Hầu hết các tỉnh đều có chương trình đưa di sản cồng chiêng vào giảng dạy trong nhà trường. Đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước được hình thành và mở rộng...
Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc có di sản cồng chiêng thường xuyên thực hành di sản của mình trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương; nhiều không gian văn hóa, tín ngưỡng được phục hồi...
Trân trọng cảm ơn ông!