Cùng với xu hướng chuyển đổi số, người tiêu dùng được tiếp cận thanh toán không tiền mặt, kèm nhiều tiện ích công nghệ. Thế nhưng, thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều vụ việc rủi ro, dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt hại do lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong môi trường mạng.
Sập bẫy mua hàng online
Bà P.T.T.M., trú TP Thủ Đức (TPHCM) - một trong những nạn nhân của tội phạm lừa đảo online trên mạng cho biết, từ khoảng giữa tháng 5/2023 đến ngày 27/9/2023, bà đã mua tổng cộng 57 đợt hàng từ một công ty ở phường 6, quận 8 (TPHCM), với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Ban đầu bà M. nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là Ngọc Châu thông báo rằng người thân của bà M. do có lịch sử mua hàng nhiều nên đã được công ty chọn ngẫu nhiên quay trúng 2 giải thưởng trị giá 300 triệu đồng. Nhân viên này đề nghị bà M. chỉ cần mua đủ số lượng hàng hóa theo yêu cầu thì sẽ quy đổi giải thưởng thành tiền mặt.
Bà M. cho biết, quá trình này ngoài nhân viên tên Ngọc Châu, còn có các nhân viên tên Quỳnh, Thu, Hà (đều là tên giả) sử dụng các số điện thoại lạ hướng dẫn bà M. mua hàng. Chỉ đến khi yêu cầu phía công ty trả thưởng từ số hàng hóa đã mua, thì các nhân viên cửa hàng liên tục viện lý do yêu cầu tiếp tục mua hàng, lúc này bà M. mới nghi ngờ bị lừa đảo, sau đó trình báo đến cơ quan công an.
Qua các manh mối và thông tin cung cấp từ nạn nhân, Công an TPHCM đã bắt được 2 đối tượng liên quan, gồm Trần Thị Diễm Chi (trú quận Bình Tân) và Hồ Thị Mỹ Lợi (trú quận Tân Phú). Quá trình điều tra, Công an TPHCM xác định 2 đối tượng này đã trực tiếp lừa bà M. số tiền hơn 1,25 tỷ đồng. Trong đó, Lợi được hoa hồng 100 triệu đồng, số còn lại Chi chiếm đoạt toàn bộ.
Chị N.T.T. (35 tuổi, trú phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) cho biết, chị đặt một món hàng là máy lọc nước qua mạng với giá 1.435.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng và kiểm tra hàng, phát hiện hàng hóa kém chất lượng so với thông tin được quảng cáo trước đó. Sau đó, chị T. đã nhiều lần liên hệ số điện thoại đường dây nóng của cửa hàng cung cấp sản phẩm nói trên, nhưng đều không được hồi âm. Biết đã bị lừa mua phải hàng kém chất lượng, chị T. đành ngậm ngùi coi như “rút kinh nghiệm” lần sau.
Thực tế, có nhiều nạn nhân bị lừa tiền từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhưng do sợ gia đình biết, cùng với tâm lý ngại nên họ đã chọn cách im lặng và chịu đựng thiệt hại, không trình báo đến cơ quan Công an để được hỗ trợ.
Rủi ro về thực phẩm trôi nổi
Không chỉ gặp các rủi ro khi mua phải hàng gian, hàng giả hoặc bị lừa mua hàng, mất trắng tài sản, tại Hội thảo với chủ đề về bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập ngày 28/3 tại TPHCM, nhiều chuyên gia kinh tế, các luật sư và đại diện cơ quan quản lý cấp địa phương và trung ương cũng đặt ra nhiều cảnh báo, cũng như đề xuất giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Thảo - giảng viên trường Đại học Luật TPHCM, hiện nay có nhiều hàng hóa, thực phẩm trên thị trường được sản xuất, chế biến từ các loại côn trùng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua đặt ra các cảnh báo rất nghiêm túc đối với thói quen sử dụng côn trùng làm thực phẩm và hiện tượng bày bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một số chuyên gia cũng đã nêu dẫn chứng các trường hợp ngộ độc ở bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM hay các khu vực nhà chung cư, trong đó có trường hợp nạn nhân đã không qua khỏi.
Theo TS Võ Thị Thanh Linh - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Đại học Đà Lạt, hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập trong quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin quảng cáo thương mại điện tử trên mạng xã hội, là một trong những nguyên nhân chính khiến các rủi ro cho người tiêu dùng luôn thường trực. “Các nội dung quảng cáo tràn lan được cá nhân đăng tải thông qua bài viết, video trên trang cá nhân không được kiểm chứng, không thông qua kiểm duyệt mà chỉ được đăng tải dưới hình thức “chia sẻ kinh nghiệm”, bằng việc sử dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của cá nhân đăng tải quảng cáo” - bà Linh chia sẻ, đồng thời đề xuất, chế tài xử phạt đối với các thông tin sai phạm trong lĩnh vực thương mại cần phải đảm bảo nghiêm minh hơn nữa. Bởi vì, với chế tài áp dụng với mức từ 60 - 80 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP là thấp so với hậu quả của nhiều vụ việc, hành vi quảng cáo hàng hóa không rõ nguồn gốc, quảng cáo thuốc chữa bệnh… tràn lan trên không gian mạng thời gian qua.