Sức khỏe

Bảo vệ sức khoẻ ra sao trước thời tiết sương mù, nồm ẩm?

Hoàng Chiến 02/02/2024 13:16

Sáng 2/2, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc chìm trong sương mù dày đặc, chất lượng không khí ở mức nguy hại và kèm theo hiện tượng nồm ẩm, khó chịu. Theo các chuyên gia, dạng thời tiết này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt người dân.

Ghi nhận của PV, sáng 2/2 tại Hà Nội đã xuất hiện sương mù dày đặc, độ ẩm không khí cao (có thời điểm lên đến 98%) làm gia tăng hiện tượng nồm, ẩm. Đặc biệt, chỉ số không khí tại Hà Nội cũng nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, ở mức có hại cho sức khoẻ.

W_suong_mu_day_dac-le-khanh7.jpg
Sương mù dày đặc tại Hà Nội sáng 2/2.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xuất hiện sương mù dày là do khu vực này đang nằm trong khối không khí lạnh và khô với trường gió Bắc đến Tây Bắc thổi từ độ cao 1.500 - 5.000 m.

Dưới tác động của trường gió này, ở miền Bắc, trời chuyển sang trạng thái ít đến quang mây, nên hiện tượng sương mù bức xạ đã xuất hiện, gây giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông, đi lại cũng như hoạt động bay tại sân bay Nội Bài.

anh-chup-man-hinh-2024-02-02-luc-11.53.12.png
Hà Nội nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, ở mức có hại cho sức khoẻ.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, những ngày qua, Hà Nội đang ở trong giai đoạn ô nhiễm không khí đáng báo động. Nguyên nhân do các nguồn phát thải không giảm, trong khi lượng sương mù dày khiến bụi trong không khí bị lưu trữ ở tầng thấp khuếch tán ngày càng rộng.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, nhất là người già và trẻ em. Đối với những người thường xuyên phải ra đường nên có biện pháp tự bảo vệ.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng nấm mốc, virus phát triển trong không khí có độ ẩm cao, cần bịt kín các cửa thông gió, dùng khăn khô lau sàn nhà và các vật dụng sinh hoạt liên tục.

Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng; thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng; sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi; hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực ô nhiễm.

W_suong_mu_day_dac-le-khanh2.jpg

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, độ ẩm trong không khí cao sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại virus gây bệnh về đường hô hấp, thủy đậu, sốt phát ban, sởi, rubella,... phát triển.

Trong đó, trẻ nhỏ và người cao tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất do có sức đề kháng kém, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

Ngoài ra, giai đoạn giao mùa như hiện nay cũng là cao điểm của một số bệnh lý về đường hô hấp. Khi mắc bệnh, nếu không được điều trị sớm, virus có thể đi vào phổi và gây suy hô hấp.

Đồng thời, các loại nấm mốc, vi nấm phát triển rất nhanh khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây ra các cơn hen suyễn.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm này, người dân cần duy trì thói quen khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ ấm, tăng cường vệ sinh hầu họng bằng xúc miệng nước muối.

Giữ môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ, khô ráo bằng việc sử dụng máy hút ẩm, hoặc điều hòa không khí, đóng kín các cửa sổ để hạn chế hơi ẩm vào nhà… Nếu có dấu hiệu của ho sốt thì cần được thăm khám, xử lý thích hợp, không nên trì hoãn nhằm ngăn chặn các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ sức khoẻ ra sao trước thời tiết sương mù, nồm ẩm?