Nằm cạnh QL7, đối lập với cảnh ồn ào, nhộn nhịp trên bờ là cảnh bấp bênh, nghèo túng của những người dân vạn chài. Đó là xóm chài nơi giao nhau giữa dòng sông Lam và Khe Thơi, nơi miền Tây xứ Nghệ.
Cuộc sống của các hộ dân vạn chài dưới chân cầu khe Thơi.
Cơ cực, khốn khó
Xóm chài Piềng Chữ, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm dưới chân cầu Khe Thơi. Bao đời nay, cuộc sống của dân chài này chới với, chênh vênh như chính những chiếc thuyền gặp sóng dữ nơi Khe Thơi đổ vào dòng con sông lớn nhất xứ Nghệ.
Qua tìm hiểu được biết, tất cả những hộ dân vạn đò nơi đây đều không có đất canh tác và đất ở trên bờ, nên nghề chính của họ chính là nghề chài lưới trên dòng sông Lam. Cái nghề “câu cơm” duy nhất ấy hiện nay càng vất vả, đói kém vì dòng sông Lam nguồn nước ngày càng cạn kiệt bởi thủy điện ngăn dòng, tôm cá ngày càng ít đi… Cuộc sống vốn đã nghèo nay lại càng khốn khó, cơ cực.
Gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên vai những người dân chài. Mùa đông họ lo cái ăn, mùa hè lại sợ bão gió “nuốt” chửng con thuyền nơi sinh sống của nhiều thành viên trong gia đình. Chị Chu Thị Bắc (42 tuổi), một người dân xóm chài Piềng Chữ cho biết: Quê Phù Sơn, huyện Tân Kỳ, cha mẹ chị Bắc cũng từng làm nghề chài lưới. Gia cảnh khó khăn nên năm 1993, cha mẹ chị đành gạt nước mắt rời bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn” lên gia nhập xóm chài này. Nhiều năm qua, chiếc bè bé tẹo rộng chừng 8m2 của vợ chồng chị Bắc là nơi sinh sống của 5 thành viên trong gia đình. Ở cái thuyền bé ấy gia đình chị chia ra mỗi góc một việc, nơi thì làm bếp, nơi thì làm chỗ ăn, nơi thì ngủ,…
Trước đây, vợ chồng chị Bắc chủ yếu làm nghề chài lưới trên khúc sông Lam dọc huyện Con Cuông, có khi lên tận Khe Bố (huyện Tương Dương) để mưu sinh qua ngày, đoạn tháng. Nhưng rồi, nguồn cá càng ngày càng khan hiếm, năm 2005, chị Bắc và chồng quyết định nuôi cá lồng bè những mong cuộc sống được đỡ vất vả.
Vậy mà, những năm gần đây, thủy điện đóng – xả nước thất thường khiến những lồng, bè nuôi cá của ngư chài dọc sông Lam, trong đó có những bè cá của những hộ dân xóm chài Piềng Chữ chết hàng loạt. Bỗng chốc, ngư chài trắng tay. Họ chỉ biết khóc ròng và than Trời. Dân chài lưới chỉ biết nhờ sông nước, bây giờ cá tự nhiên khan hiếm nên mấy hộ dân sống nơi làng chài này phải chuyển sang nuôi cá lồng bè. Vậy mà thủy điện lại đóng mở thất thường, khiến nước sông Lam có khi cạn trơ đáy, những con cá nuôi nhốt trong lồng cứ thế mà chết, khiến những người nuôi cá ở đây trắng tay.
Mong có mảnh đất cắm dùi
Chính đói nghèo triền miên khiến sự học của những đứa trẻ nơi đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trẻ đang tuổi ăn tuổi học nhưng thay vì đến trường thì phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Không nói đâu xa xôi, đứa con trai đầu của chị Chu Thị Bắc (năm nay 21 tuổi) nhưng không biết mặt chữ vì thất học. Hằng ngày, con trai chị Bắc chỉ biết theo bố chèo thuyền đi dọc sông Lam chài lưới mưu sinh. Khi chúng tôi ghé thăm, cháu Chu Văn Sáng (15 tuổi) con anh Chu Văn Minh là đứa trẻ duy nhất có mặt tại xóm chài.
Anh Minh cho biết, Sáng hiện đang học cấp 2 nhưng vì bị hen suyễn từ nhỏ, lại không có tiền chữa trị nên cháu thường xuyên phải nghỉ học.
“Cuộc sống giờ chỉ biết trông chờ vào mấy con cá do câu, thả lưới được để đắp đổi qua ngày. Lo nhất là những lúc mưa, bão thuyền bè trôi mất không có chỗ ăn, ở. Suốt năm này qua năm khác, gia đình tôi cũng như những hộ dân xóm chài này chỉ mong được mảnh đất cắm dùi, thoát cảnh lênh đênh sông nước” - anh Minh mong mỏi.
Là cư dân nhiều tuổi nhất xóm chài này, bà Nguyễn Thị Quang (69 tuổi) là người mong mỏi ngày được lên bờ hơn ai hết. Bà cho biết quê ở Thanh Văn (huyện Thanh Chương). Vợ chồng ông bà lên đây lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 2014, người bạn đời của bà Quang đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Do gia cảnh khó khăn, lại là dân vạn chài nên năm nay dù đã 35 tuổi, nhưng anh Nguyễn Đình Hợi (con trai út bà Quang) đến giờ vẫn chưa thể lấy vợ.
“Nghề vạn chài sống theo con cá, ngày mô kiếm được thì có cơm ăn, không thì đói. Tôi đã già yếu rồi, chỉ mong một ngày được lên bờ để thoát khỏi cảnh sống trên thuyền lúc nào cũng nơm nớp lo lật thuyền vào những ngày mưa bão, con cháu thoát cảnh thất học” - bà Quang nói, rồi nhìn lên bờ, nơi có những mái nhà kiên cố khuất sau rặng tre mà sầu tủi khi nghĩ đến cảnh ngộ của mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Tuyển – Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết, những năm trước số lượng các hộ dân sống dưới chân cầu Khe Thơi nhiều hơn, tuy nhiên do cuộc sống bấp bênh một số hộ đã chuyển lên bờ sinh sống và được chính quyền cấp đất sản xuất để làm ăn.