Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD - Bộ NN&PTNT) toàn bộ số mẫu muối ăn lấy tại các địa phương miền Trung qua kiểm tra đều đảm bảo độ an toàn thực phẩm. Thế nhưng do nghề muối bấp bênh, hiện tại muối rớt giá thê thảm, nên tại Quảng Nam, Quảng Ngãi người làm muối điêu đứng với nghề.
Muối rớt giá, cuộc sống diêm dân lao đao.
Lấy gì trang trải cuộc sống?
Chúng tôi trở lại cánh đồng muối Sa Huỳnh những ngày cuối tháng 5-2016, nắng cháy bỏng, hơi nóng hầm hập thổi vào mặt người mang theo vị mặn chát, không khí ngột ngạt đến khó chịu, càng chát đắng khi nghe tâm sự của những người làm muối nơi đây. Nhiều bà con cho rằng, dù đang là thời điểm sản xuất vụ muối chính vụ trong năm, thế nhưng muối rớt giá thể thảm chỉ còn 500 đồng/kg, cùng với đó là thời tiết thất thường, mưa giông liên tục khiến muối đến khi thu hoạch lại trở thành nước biển. Người dân làm muối ở Quảng Nam, Quảng Ngãi điêu đứng với nghề.
Bà Đỗ Thị Hương, thôn Long Thạnh cho biết: Để làm ra hạt muối, diêm dân phải mất rất nhiều công sức từ khâu vệ sinh ruộng, đầm ruộng, vô cát, vô nước, đo nồng độ mặn cùng với rất nhiều quy trình rồi chờ thời gian kết tinh thành muối, mất khoảng nửa tháng thì mới thu hoạch được. Nhưng đến kỳ thu hoạch trời bất ngờ đổ mưa là khổ trăm bề, không xử lý kịp là coi như trắng tay.
Còn chị Phạm Thị Kỷ ở thôn Long Thạnh cho biết: Phải nói rằng nghề muối là một trong những nghề cơ cực nhất, bởi mùa nắng thì bán lưng cho trời, bán mặt cho nước mặn. Khổ cực trăm bề mới làm ra hạt muối, thế nhưng muối lại rớt giá thê thảm, hiện nay chỉ có 500 đồng/kg, trong khi đây là nghề thu nhập chính của bà con chúng tôi. Biết lấy gì để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Họ bỏ đi làm việc khác hay vào nam tìm cách mưu sinh, hoặc chuyển sang đi bạn trên những tàu cá đánh bắt xa bờ. Trên những cánh đồng giờ chỉ thấy người già, phụ nữ hằng ngày vật vã giữ gìn cái nghề của cha ông để lại”- bà Kỷ trải lòng.
Theo thống kê của UBND xã Phổ Thạnh, vựa muối Sa Huỳnh có 120 ha của 587 diêm dân, nhưng đến cuối tháng 5/2016 đã có khoảng 30 ha bỏ hoang, có những hộ bỏ đến hàng nghìn mét vuông diện tích ruộng muối và nhiều người làm muối đi tìm nghề khác mưu sinh.
Nỗ lực cứu vãn
Nhiều năm qua Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã rất nỗ lực cho việc phát triển nghề muối, nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả. Như tại Quảng Ngãi, việc xây dựng Nhà máy Muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh ngay tại đồng muối, do Công ty Dược và vật tư y tế Quảng Ngãi đầu tư hàng tỉ đồng để thu mua, chế biến muối, với kế hoạch năng suất tiêu thu gấp 3 lần sản lượng muối bà con làm ra.
Ngân hàng chính sách cũng đã giải ngân cho hơn 100 hộ diêm dân có nhu cầu vay vốn được 1,3 tỷ đồng để xây nền xi măng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng muối Sa Huỳnh. Thậm chí tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã phát động Chương trình “Muối Sa Huỳnh- Hạt muối tình nghĩa”, tổ chức các điểm bán muối giúp đỡ cho diêm dân Sa Huỳnh với tinh thần tự nguyện, nhằm kêu gọi cộng đồng giúp cho diêm dân vượt qua khó khăn, cũng như giữ gìn làng nghề truyền thống của địa phương…
Đáng nói nhất là việc hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho diêm dân và việc công bố nhãn hiệu tập thể muối Sa Huỳnh, do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp. Đây là điều kiện để diêm dân Sa Huỳnh yên tâm đầu tư phát triển bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhưng xem ra cũng vẫn chưa giải quyết được tận gốc.
Còn tại Quảng Nam, ông Nguyễn Quang Diệu - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho rằng, phải tập trung xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tập trung bằng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới đến người dân để họ nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập là điều cần thiết.
Nhưng trao đổi với nhiều diêm dân họ cho rằng, cần có những thời điểm nhất định Nhà nước phải trợ giá cho diêm dân, cùng với đó là đầu tư quy hoạch bài bản, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất muối, để nâng cao chất lượng muối và cái quan trọng nhất là tìm đầu ra ổn định thì cái nghề muối này mới trụ vững.